Bỏ thuế khoán - Mở lối cho hộ kinh doanh thành doanh nghiệp
Chủ trương xóa bỏ thuế khoán theo Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị đã nhanh chóng được Quốc hội và Chính phủ cụ thể hóa tại hai nghị quyết, ấn định thời điểm có hiệu lực từ 1/1/2026. Việc chuyển đổi từ thuế khoán sang kê khai thực tế kỳ vọng là bước tiến giúp nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế, tạo sự minh bạch, công bằng trong kinh doanh.

Động lực để doanh nghiệp đổi mới phát triển
PGS. TS Lê Xuân Trường - Trưởng Khoa Thuế - Hải quan (Học viện Tài chính) phân tích, thuế khoán đối với hộ kinh doanh được thực hiện trong điều kiện nền kinh tế ở trình độ phát triển thấp, khoa học và công nghệ chưa hiện đại; khả năng áp dụng công nghệ của hộ kinh doanh nhỏ chưa tốt, không có điều kiện sử dụng sổ sách kế toán để ghi nhận doanh thu thực tế nên cần ước tính doanh thu để tính thuế. Khi đó, thuế khoán từng là giải pháp hữu hiệu để huy động đầy đủ các nguồn thu vào ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, trong điều kiện phát triển của nền kinh tế số hiện nay, khi hạ tầng thanh toán không dùng tiền mặt và các công cụ hỗ trợ quản lý doanh thu kinh doanh phát triển mạnh, đảm bảo các điều kiện để chuyển sang phương thức kê khai thuế, việc bỏ thuế khoán không chỉ đảm bảo tính minh bạch, bình đẳng về chế độ thuế giữa hộ kinh doanh và doanh nghiệp mà còn tạo động lực để các doanh nghiệp đổi mới phát triển.
Nêu quan điểm về chủ trương xóa bỏ thuế khoán theo các nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội tư vấn Thuế Việt Nam cho rằng, chủ trương xóa bỏ hình thức thuế khoán đối với hộ và cá nhân kinh doanh có ý nghĩa rất quan trọng, đảm bảo sự bình đẳng trước pháp luật giữa các đối tượng kinh doanh, dù là cá nhân hay doanh nghiệp. Việc chuyển từ thuế khoán sang kê khai thực tế giúp nâng cao tính minh bạch, công bằng hơn. Đồng thời, đảm bảo người nộp thuế có trách nhiệm cao hơn với số liệu mình khai báo. Đây là một thay đổi tích cực và cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
Dưới góc nhìn đại diện cho doanh nghiệp, ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội cho rằng, việc bỏ hình thức thuế khoán sẽ thúc đẩy các hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp - đây là giải pháp quan trọng để đạt mục tiêu có thêm 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2030 mà Nghị quyết 68-NQ/TW đã đề ra.
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đề ra, ngoài các giải pháp hỗ trợ về thuế, cần xây dựng một môi trường pháp lý thuận lợi, minh bạch, đồng hành với hộ kinh doanh trong quá trình chuyển đổi và phát triển bền vững. Việc gỡ bỏ được các rào cản thể chế, hộ kinh doanh cá thể hoàn toàn có thể trở thành lực lượng doanh nghiệp năng động, đóng góp tích cực cho mục tiêu phát triển kinh tế tư nhân và tăng trưởng bền vững.
Tạo thuận lợi cho hộ kinh doanh yên tâm chuyển đổi
Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, chủ trương bỏ thuế khoán để hộ kinh doanh chuyển sang phương thức kê khai sẽ rõ ràng hơn, quản trị hoạt động kinh doanh cũng bài bản hơn. Tuy nhiên, cũng không ít hộ kinh doanh đang do dự và cho rằng, việc khai báo thuế, ghi sổ kế toán, lập chứng từ sẽ mất thời gian và phát sinh nhiều chi phí, trong khi có những hộ kinh doanh chỉ buôn bán nhỏ lẻ, với doanh thu chưa thực sự cao.
Tìm hiểu và khảo sát một vòng qua các hộ kinh doanh tạp hóa tại một số tuyến phố trên địa bàn Hà Nội của phóng viên cho thấy, có khá nhiều cửa hàng tạp hóa, kinh doanh chuyên biệt rượu, bia trong nước và nhập khẩu đã áp dụng phương thức bán hàng qua hệ thống máy tính tiền.
Rất nhanh sau khi người mua lựa chọn xong hàng hóa cần mua mang ra quầy tính tiền, chủ hàng chỉ cần sử dụng máy quét mã vạch vào sản phẩm là đã ra được giá và in được hóa đơn cho khách hàng. Điều này cho thấy, việc tính tiền bán hàng, xuất hóa đơn điện tử cho khách hàng diễn ra rất nhanh chóng, thuận tiện.
Tuy nhiên, đối với những hộ kinh doanh chưa áp dụng các phương thức điện tử được hỏi vẫn tỏ ra rất băn khoăn vì chưa nắm được quy định, quy trình kê khai, ghi sổ kế toán, lập chứng từ khai báo thuế ra sao nên sợ dẫn đến sai sót, bị phạt vi phạm hành chính khi cơ quan thuế đến kiểm tra.
Nói về những băn khoăn trên của hộ, cá nhân kinh doanh, ngành Thuế cho biết, cơ quan thuế đã sẵn sàng nhiều phương thức hỗ trợ các hộ kinh doanh như phần mềm chuyên biệt trên nhiều thiết bị điện tử, cập nhật mọi lúc, mọi nơi, các thủ tục cũng đơn giản và dễ thực hiện, cùng với đó là sự trợ giúp trực tiếp từ các cán bộ thuế đối với người nộp thuế.
Tại Nghị quyết số 139/NQ-CP, Chính phủ giao Bộ Tài chính nghiên cứu, hoàn thiện khung khổ pháp lý về kinh doanh cá thể theo hướng: quy định mô hình quản trị, chế độ tài chính, kế toán... có chính sách cung cấp miễn phí các nền tảng số, phần mềm kế toán dùng chung, dịch vụ tư vấn pháp lý, đào tạo về quản trị doanh nghiệp, kế toán, thuế, nhân sự, pháp luật.
Phó Cục trưởng Cục Thuế Mai Sơn cho biết, phần mềm kế toán miễn phí cho hộ kinh doanh đã được Bộ Tài chính chỉ đạo để triển khai kịp thời, đồng bộ liên quan đến các ứng dụng về khai, về nộp và sự chia sẻ cơ sở dữ liệu để tạo ra các tờ khai giúp cho hộ kinh doanh thuận lợi trong việc đối chiếu dữ liệu kê khai của mình.
Ông Lê Hồng Quang - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Misa chia sẻ, Misa đã cam kết đầu tư 2.500 tỷ đồng để xây dựng hạ tầng tính toán, phát triển nhân lực AI và đặc biệt là tạo ra mô hình ngôn ngữ lớn thuần Việt với kho tri thức chuyên sâu về thuế, tài chính, sản xuất và quản trị doanh nghiệp, phục vụ tư vấn tự động cho người dân và doanh nghiệp.