Bỏ thủ tục cấp phép xây dựng: Những trường hợp có thể áp dụng ngay

Loại bỏ thủ tục xin cấp phép xây dựng với các trường hợp đủ điều kiện là định hướng đột phá, phù hợp với tinh thần cải cách và tiệm cận phương thức quản lý hiện đại.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mới đây đã chỉ đạo cần kiên quyết cắt bỏ các thủ tục không cần thiết, trong đó có thủ tục cấp phép xây dựng. Chủ trương này của Thủ tướng ngay lập tức nhận được nhiều ý kiến ủng hộ từ các chuyên gia, doanh nghiệp.

Có thể áp dụng ngay với các dự án có quy hoạch 1/500

Ông Nguyễn Văn Sử - Trưởng Phòng Kinh tế, Hạ tầng và Đô thị quận Bình Tân (TP.HCM) chia sẻ: Thực tế cho thấy mỗi lần làm thủ tục xin giấy phép xây dựng, nhiều trường hợp người dân mất nhiều thời gian và chi phí. Trong đó có khoản chi phí cho bản vẽ thiết kế và những đề mục khác. Do đó, gợi ý của Thủ tướng Phạm Minh Chính là rất thực tế và mang lại lợi ích thiết thực cho người dân.

Để áp dụng được ngay việc này thì lý tưởng nhất là với các khu nhà ở trong dự án có quy hoạch chi tiết 1/500. Lý do là các dự án này đã có quy mô về số tầng, khoảng lùi, nhà mẫu... Tuy nhiên, khi thực hiện cần thông báo với địa phương để biết nhằm quản lý chặt chẽ. Đối với đất nhóm nhà ở hiện trạng, khi xây dựng cũng nên cho đăng ký với phường, xã để được hướng dẫn rõ ràng cách thực hiện.

 Các dự án có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được quy định rõ quy mô về số tầng, khoảng lùi, nhà mẫu... Ảnh minh họa

Các dự án có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được quy định rõ quy mô về số tầng, khoảng lùi, nhà mẫu... Ảnh minh họa

Ngoài ra, hiện nay TP.HCM có đất quy hoạch dân cư xây dựng mới, đất dân cư ngắn hạn, đất dân cư dài hạn và ở các địa phương đang cấp phép xây dựng chính thức hoặc cấp phép xây dựng tạm. Với những loại hình này, Sở Xây dựng nên nghiên cứu để có hướng dẫn cụ thể đối với từng loại đất.

Một đại diện lãnh đạo UBND quận 1 cũng đánh giá cao chỉ đạo của Thủ tướng liên quan nội dung nêu trên. Tuy nhiên, khi áp dụng vào thực tế khả năng sẽ gặp khó khăn với khu dân cư hiện hữu do chưa có quy hoạch chi tiết 1/500, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan hoạt động xây dựng chưa được điều chỉnh, đồng thời khó khăn trong công tác kiểm tra, giám sát hoạt động xây dựng.

Hiện nay, việc cấp phép xây dựng địa phương tuân thủ theo Luật Xây dựng năm 2014 (được sửa đổi, bổ sung tại Luật số 62/2020/QH14) và Nghị định số 175/2024, trong đó có quy định một số trường hợp công trình được miễn giấy phép xây dựng.

"Việc cắt bỏ thủ tục hành chính liên quan công tác cấp phép xây dựng thuộc trách nhiệm tham mưu, đề xuất của Bộ Xây dựng, UBND quận chỉ thực thi theo đúng quy định tại Luật Xây dựng và Nghị định số 175 của Chính phủ. Để thực hiện việc cắt giảm thủ tục hành chính này thì cần điều chỉnh Luật Xây dựng và Nghị định số 175 của Chính phủ để địa phương có cơ sở triển khai thực hiện"- vị lãnh đạo này chia sẻ.

Cần bước chuyển đồng bộ từ hệ thống quy hoạch

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM đánh giá chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ phản ánh một tinh thần cải cách hành chính mạnh mẽ, dứt khoát và có tầm nhìn dài hạn trong quản lý đô thị.

Trên phương diện tích cực, đây là bước đi đúng đắn nhằm tinh giản những thủ tục hành chính không cần thiết. Việc yêu cầu người dân phải xin phép xây dựng ngay cả khi khu đất đã có quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị rõ ràng là không còn phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Chủ trương mới này có thể giúp cắt giảm đáng kể các thủ tục rườm rà, loại bỏ cơ chế xin – cho dễ phát sinh tiêu cực từ trước đến nay, đồng thời khơi thông quyền chủ động của người dân trong việc cải tạo, xây dựng nhà ở trên đất hợp pháp của mình.

Bên cạnh đó, việc chuyển từ mô hình tiền kiểm (cấp phép trước khi xây dựng) sang hậu kiểm (kiểm tra sau xây dựng) là phù hợp với xu hướng quản lý hiện đại, nơi mà nhà nước không can thiệp sâu vào các hoạt động chi tiết của người dân mà tập trung kiểm soát bằng quy hoạch và tiêu chuẩn kỹ thuật đã được công khai. Điều này không chỉ góp phần tiết kiệm chi phí, thời gian cho người dân và doanh nghiệp mà còn giảm tải cho bộ máy quản lý nhà nước, vốn đang ngày càng phải tinh gọn, hiệu quả.

Về khó khăn, việc triển khai chủ trương này cũng tiềm ẩn không ít khó khăn và rủi ro nếu không được chuẩn bị kỹ lưỡng về mặt thể chế, tổ chức và con người.

 Để bỏ được cơ chế xin cấp phép xây dựng cần có những điều kiện cụ thể. Ảnh: N.CHÂU

Để bỏ được cơ chế xin cấp phép xây dựng cần có những điều kiện cụ thể. Ảnh: N.CHÂU

Thứ nhất là vướng mắc về quy hoạch chi tiết, đây là nền tảng để thay thế cơ chế cấp phép nhưng hiện chưa có đầy đủ tại nhiều địa phương, nhất là các khu dân cư hiện hữu. Việc miễn cấp phép trong điều kiện thiếu quy hoạch rõ ràng có thể dẫn đến xây dựng tự phát, sai lệch, gây tranh chấp và phá vỡ trật tự đô thị.

Thứ hai là năng lực và trách nhiệm của chính quyền cấp cơ sở (phường, xã) còn là một câu hỏi lớn. Trong bối cảnh không còn cơ chế “chấp thuận trước” bằng giấy phép, vai trò hậu kiểm sẽ đặt nặng lên vai lực lượng thanh tra, cán bộ quản lý địa phương – những người vốn đã quá tải và trong một số trường hợp còn thiếu chuyên môn. Nếu thiếu cơ chế giám sát và chế tài nghiêm khắc, không loại trừ khả năng tiêu cực sẽ xuất hiện ở khâu hậu kiểm, thậm chí còn khó kiểm soát hơn do việc xử lý sau khi công trình đã xây dựng xong luôn phức tạp hơn so với ngăn chặn từ đầu.

Thứ ba, không có rào chắn từ giấy phép xây dựng thì nguy cơ phát sinh các vi phạm như xây vượt tầng, lấn chiếm chỉ giới, sai mật độ… sẽ gia tăng nếu thiếu biện pháp kỹ thuật số hóa và kiểm tra đồng bộ. Khi đó, hậu quả không chỉ là các sai phạm cá nhân mà có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống hạ tầng, quy hoạch chung và quyền lợi cộng đồng.

Nhìn chung, chỉ đạo của Thủ tướng là định hướng đột phá, phù hợp với tinh thần cải cách và tiệm cận phương thức quản lý hiện đại. Tuy nhiên, để chủ trương này phát huy hiệu quả và không tạo ra kẽ hở cho vi phạm, cần một bước chuyển đồng bộ từ hệ thống quy hoạch, năng lực quản lý cơ sở đến các quy định pháp luật liên quan về xử phạt, trách nhiệm của nhà thầu, chủ đầu tư và cơ chế hậu kiểm hiệu quả, minh bạch.

Phải có quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị

Góp ý về việc bỏ thủ tục cấp phép xây dựng, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), nhận định Việt Nam cần học hỏi kinh nghiệm từ các nước phát triển như khối G7.

Tại các quốc gia này, giấy phép xây dựng không còn cần thiết vì họ đã có một nền tảng quy hoạch và quản lý đô thị rất vững chắc, đặc biệt là hệ thống quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị đầy đủ. Nhờ đó, người dân chỉ cần truy cập vào thông tin quy hoạch của lô đất là có thể biết rõ mọi chỉ tiêu xây dựng từ số tầng, mật độ, khoảng lùi cho đến màu sơn mặt tiền mà không cần phải xin phép.

Tại Việt Nam, năm 2018 TP.HCM từng thí điểm miễn giấy phép xây dựng cho nhà ở riêng lẻ tại phường Tân Quy, quận 7 (TP.HCM) không thành công. Lý do là vì thiếu các điều kiện cốt lõi là phải lập quy hoạch chi tiết 1/500 và có thiết kế đô thị.

Đối với nhà ở riêng lẻ ở khu vực chưa có quy hoạch chi tiết 1/500 trên địa bàn 1 phường, Bộ Xây dựng có thể nghiên cứu để ban hành một bộ quy chuẩn kỹ thuật tạm thời. Dựa trên đó, chính quyền sẽ công bố công khai các thông số bắt buộc như chỉ giới đường đỏ, lộ giới, hẻm giới khoảng lùi để người dân tuân thủ…

QUANG HUY ghi

NGUYỄN CHÂU

Nguồn PLO: https://plo.vn/bo-thu-tuc-cap-phep-xay-dung-nhung-truong-hop-co-the-ap-dung-ngay-post852044.html
Zalo