Bộ Tài nguyên và Môi trường phát huy các nguồn lực tài nguyên cho phát triển kinh tế-xã hội
Trong năm 2024, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ được giao, đặc biệt là khơi thông các điểm nghẽn về chính sách, bảo đảm quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên, gắn kết chặt chẽ với bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và của từng địa phương.
Ngày 21/12, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị "Tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của ngành tài nguyên và môi trường".
Tham dự hội nghị có lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố; đại diện các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường; Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà dự và phát biểu ý kiến tại hội nghị.
Theo Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy, trong năm 2024, thể chế, chính sách, pháp luật về tài nguyên và môi trường được Bộ tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện, bảo đảm thể chế hóa đầy đủ quan điểm, chủ trương, định hướng của Đảng, đáp ứng yêu cầu quản lý và thực tiễn phát triển của đất nước. Việc tổ chức thực thi chính sách, pháp luật được toàn ngành triển khai thực hiện đồng bộ từ Trung ương đến địa phương.
Cụ thể, trong năm 2024, Bộ đã hoàn thành việc xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành 15 văn bản, gồm ba Luật (Luật Đất đai năm 2024; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của một số Luật, cho phép Luật đất đai năm 2024 có hiệu lực thi hành sớm hơn năm tháng, kể từ ngày 1/8/2024; Luật Địa chất và Khoáng sản năm 2024); 2 Nghị quyết của Quốc hội về quản lý đất đai; 9 Nghị định, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; ban hành theo thẩm quyền 36 thông tư.
Tại các địa phương, cơ quan chuyên môn về tài nguyên và môi trường đã tham mưu, trình Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan tạo lập hệ thống pháp luật về tài nguyên và môi trường ngày càng đồng bộ, thống nhất, đi vào cuộc sống. Đến nay, tất cả các tỉnh, thành phố đã ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai năm 2024 theo thẩm quyền của địa phương.
Đồng thời, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật để kịp thời tổ chức triển khai các chính sách, pháp luật mới về tài nguyên và môi trường.
Mặt khác, hệ thống các quy hoạch ngành quốc gia được xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để phân bổ, bố trí, sử dụng hợp lý không gian và nguồn lực cho phát triển các ngành, lĩnh vực, các vùng kinh tế-xã hội, các địa phương và cả nước; công tác quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên, đáp ứng nhu cầu phát triển, làm nền tảng thúc đẩy các động lực tăng trưởng của nền kinh tế được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện, có chuyển biến tích cực; các chỉ tiêu về môi trường đã trở thành tiêu chí quan trọng đánh giá hiệu quả, tính bền vững kinh tế-xã hội của quốc gia và từng địa phương; các giải pháp về chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế toàn hoàn, kinh tế các-bon thấp đã đạt được kết quả bước đầu.
Ngoài ra, công tác dự báo khí tượng, thủy văn, dự báo, cảnh báo thiên tai luôn chủ động “đi sớm, đi trước”, chất lượng được nâng lên, ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành và triển khai các biện pháp phòng, chống, qua đó góp phần giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản; công tác chuyển đổi số đạt nhiều kết quả tích cực; công tác nghiên cứu khoa học, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, hợp tác quốc tế, thông tin, truyền thông ngày càng đổi mới, thiết thực, hiệu quả, phục vụ đắc lực cho công tác quản lý nhà nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, công tác quản lý nhà nước ngành Tài nguyên và Môi trường cũng còn những mặt tồn tại, hạn chế như: Một số thể chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật không còn phù hợp với thực tiễn phát triển nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung; chất lượng triển khai chính sách, pháp luật không đồng đều giữa các địa phương; nguồn lực tài nguyên ở nhiều nơi chưa được sử dụng hiệu quả, nhất là tài nguyên đất đai, gây nên tình trạng lãng phí; việc vi phạm pháp luật trong hoạt động khoáng sản còn xảy ra ở nhiều nơi.
Đặc biệt, tình trạng ô nhiễm môi trường các lưu vực sông, cụm công nghiệp, làng nghề, ô nhiễm không khí tại các đô thị chưa được quan tâm khắc phục; công tác phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính chưa triệt để; công tác chuyển đổi số trong ngành chưa đáp ứng với yêu cầu quản trị hiện đại; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực, địa bàn còn hạn chế.
Phát biểu ý kiến tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, đánh giá cao, biểu dương sự nỗ lực và những kết quả quan trọng mà tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động toàn ngành tài nguyên và môi trường đã đạt được trong năm 2024. Đồng thời, ghi nhận biểu dương các Bộ, ngành liên quan, các địa phương trong việc phối hợp xây dựng các Luật, các văn bản dưới luật như: Luật Địa chất khoáng sản, Luật Đất đai, Luật Tài nguyên nước.
Về nhiệm vụ thời gian tới, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, Bộ Nông nghiệp và Môi trường sắp tới được thành lập, là cơ quan hợp nhất sẽ thực hiện được mục tiêu tinh gọn, mạnh, tiềm năng và hiệu quả, hiệu lực. Do vậy, tất cả các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của hai Bộ tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương, đoàn kết sáng tạo để thực hiện tốt các nhiệm vụ trên từng vị trí công tác.
Nếu chúng ta tận dụng được thời cơ này đối với ngành tài nguyên và môi trường, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, đây sẽ là động lực để giúp đất nước biến những thách thức thành cơ hội, đưa đất nước ta đạt được mục tiêu tăng trưởng ở mức hai con số vào những năm tiếp theo. Đặc biệt, phấn đấu để Việt Nam trở thành cường quốc trong vấn đề phát triển năng lượng, phát triển xanh và chuyển đổi số trong nền kinh tế.
Đồng thời, sau khi hai Bộ hợp nhất, phải thay đổi và giải quyết được bài toán kinh tế, xã hội và môi trường hài hòa, làm sao để môi trường là nền tảng cho sự phát triển bền vững, sẽ tạo ra những bước đột phá, góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển xanh, bền vững, nơi người dân hạnh phúc và nền kinh tế tăng trưởng vượt bậc.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà mong muốn, trong năm 2025, toàn ngành tài nguyên và môi trường cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, bảo đảm đồng bộ, thống nhất, rõ ràng, minh bạch; từng bước tháo gỡ các nút thắt, điểm nghẽn trong quy định của pháp luật, xây dựng hệ thống quy hoạch đồng bộ để giải phóng, phát huy các nguồn lực tài nguyên cho phát triển kinh tế-xã hội.
Mặt khác, tiếp tục đổi mới tư duy về quản lý môi trường, là chúng ta phải đưa ngay vào từ khâu thiết kế để kiến tạo được cho kinh tế xanh, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế các-bon thấp; tiếp tục thực hiện việc chuyển đổi số, đầu tư trang thiết bị hiện đại để phục vụ cho công tác quản lý tài nguyên và môi trường hiệu quả hơn.