Bộ Tài chính trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Gia Lai

Bộ Tài chính trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Gia Lai liên quan trồng rừng sản xuất, giải quyết tồn đọng của dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tránh Chư Sê và kinh phí xóa mù chữ.

* Kiến nghị:

Đề nghị sửa đổi Thông tư số 55/2023/TT-BTC ngày 15/8/2023 của Bộ Tài chính: “Quy định rõ mức hỗ trợ chi phí xây dựng hồ sơ thiết kế, dự toán trồng rừng sản xuất bằng cây lấy gỗ, cây lâm sản ngoài gỗ” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025.

Ảnh minh họa: Internet

Ảnh minh họa: Internet

* Trả lời:

Tại khoản 6 Điều 9 Thông tư Số 55/2023/TT-BTCquy định: “Hỗ trợ trồng rừng phòng hộ đối với diện tích đất được quy hoạch trồng rừng phòng hộ đã giao cho hộ gia đình theo quy định hiện hành. Hộ gia đình được hưởng lợi từ rừng theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp và các quy định có liên quan: Mức hỗ trợ thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg ngày 14 tháng 9 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành một số chính sách bảo vệ phát triển rừng và đầu tư hỗ trợ kết cấu hạ tầng, giao nhiệm vụ công ích đối với các công ty nông, lâm nghiệp. ”

Tại khoản 1 Điều 6 Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg quy định: “Mức kế hoạch vốn từ ngân sách trung ương là 30 triệu đồng/ha; mức đầu tư cụ thể được xác định trên cơ sở định mức kinh tế kỹ thuật và dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cơ quan quyết định đầu tư trung ương tự cân đối bổ sung phần ngân sách còn thiếu theo dự toán được duyệt... ”

Theo đó, chi phí xây dựng hồ sơ thiết kế, dự toán trồng rừng sản xuất bằng cây lấy gỗ được phân bổ theo quy mô và tổng mức đầu tư dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt tại từng địa phương theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg.

*Kiến nghị:

“Cử tri tỉnh Gia Lai đề nghị Bộ Tài chính sớm tham mưu Chính phủ xem xét, bố trí nguồn vốn giải quyết kiến nghị của người dân liên quan đến Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tránh Chư Sê, tỉnh Gia Lai (bổ sung vốn hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi và tìm kiếm việc làm cho các hộ dân bị thu hồi đất, thực hiện theo Nghị quyết số 109/2023/QH15 ngày 29/11/2023 của Quốc hội là 26,117 tỷ đồng”.

*Cử tri:

1. Ngày 08/12/2023, tại văn bản số 14133/BGTVT-KHĐT gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải đề nghị phương án cân đối 11.134,68 tỷ đồng nguồn vốn Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 để xử lý nợ đọng XDCB, thu hồi ứng trước kế hoạch và các nhiệm vụ, dự án mới, có phát sinh của Bộ Giao thông vận tải, trong đó đề nghị cân đối trong phương án điều chỉnh 26,116 tỷ đồng để bổ sung kinh phí hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi và tìm kiếm việc làm cho các hộ dân bị thu hồi đất thuộc Dự án Hồ Chí Minh đoạn tránh Chư Sê, tỉnh Gia Lai.

2. Theo đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đã có công văn số 401/BTC-ĐT ngày 10/01/2024 tham gia ý kiến về phương án đề xuất trên của Bộ Giao thông vận tải, trong đó đối với khoản bổ sung 26,116 tỷ đồng kinh phí hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi và tìm kiếm việc làm cho các hộ dân bị thu hồi đất thuộc Dự án Hồ Chí Minh đoạn tránh Chư Sê, tỉnh Gia Lai, Bộ Tài chính đã có ý kiến như sau:

“Tại điểm 2.6 Nghị quyết số 109/2023/QH15 của Quốc hội về tiếp tục thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn, Quốc hội giao Chính phủ: “Bố trí nguồn vốn và thực hiện nhiệm vụ chi thanh toán chi phí giải phóng mặt bằng cho Dự án đường Hồ Chí Minh, đoạn tránh qua huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai, hoàn thành trước ngày 30 tháng 5 năm 2024 để giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc cho người dân, tránh khiếu kiện kéo dài.

Đề nghị Bộ Giao thông vận tải phối hợp với UBND tỉnh Gia Lai rà soát, xác định chính xác nhu cầu vốn cần bổ sung, đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành có liên quan ”,

3. Hiện nay, phương án điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của Bộ Giao thông vận tải đang được giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì rà soát, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định (văn bản số 1472/VPCP-KTTH ngày 07/3/2024 của Văn phòng Chính phủ).

Vì vậy, đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai có ý kiến đề nghị ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai phối hợp làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải để khẩn trương báo cáo cấp có thẩm quyền bố trí vốn cho Dự án theo đúng Nghị quyết số 109/2023/QH15 của Quốc hội.

*Kiến nghị:

Do nguồn ngân sách địa phương gặp nhiều khó khăn trong khi kinh phí xóa mù chữ ngân sách trung ương cấp về còn dư. Kiến nghị Bộ Tài chính cho phép địa phương sử dụng kinh phí xóa mù chữ từ nguồn ngân sách trung ương trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để bố trí chi trả tiền công cho người tham gia dạy các lớp xóa mù chữ.

Nhờ các lớp xóa mù chữ và học nói thông thạo tiếng phổ thông, nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số mạnh dạn, tự tin trong giao tiếp. Ảnh: Minh Châu

Nhờ các lớp xóa mù chữ và học nói thông thạo tiếng phổ thông, nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số mạnh dạn, tự tin trong giao tiếp. Ảnh: Minh Châu

*Trả lời:

1. Căn cứ Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; ngày 14/10/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1719/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 (Chương trình). Theo đó, giai đoạn từ năm 2022 đến năm 2024, trung ương đã bố trí kinh phí sự nghiệp hỗ trợ tỉnh Gia Lai để thực hiện Tiểu dự án 1thuộc Dự án 5 của Chương trình là 31.363 triệu đồng (trong đó có nhiệm vụ xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số).

2. Theo quy định tại khoản 7 Điều 20 Thông tư số 55/2023/TT-BTC ngày 15/8/2023 của Bộ Tài chính về quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách nhà nước thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025: “Chi tiền công đối với người tình nguyện tham gia giảng dạy các lớp xóa mù chữ (nến có) từ nguồn ngân sách địa phương thực hiện theo quy định tại điểm đ khoản 6 Điều 5 Thông tư số 17/2022/TT-BTC ngày 08 tháng 3 năm 2022 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030 ”

3. Từ tình hình trên, đề nghị tỉnh bố trí ngân sách địa phương chi tiền công đối với người tình nguyện tham gia giảng dạy các lớp xóa mù chữ theo đúng quy định tại Thông tư số 55/2023/TT-BTC ngày 15/8/2023 của Bộ Tài chính. Trường hợp, nguồn kinh phí ngân sách trung ương hỗ trợ thực hiện Tiểu dự án 1 thuộc Dự án 5 còn dư, đề nghị tỉnh thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Nghị quyết số 111/2024/QM15 ngày 05/02/2024 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

GLO

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/bo-tai-chinh-tra-loi-kien-nghi-cua-cu-tri-tinh-gia-lai-post293339.html
Zalo