Bộ Tài chính quyết liệt tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy xử lý hiệu quả trụ sở dôi dư
Trước phản ánh của Báo Tiền Phong ngày 06/5/2025 về tình trạng hàng loạt trụ sở cấp xã, huyện bỏ hoang tại Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh, Bộ Tài chính đã nhanh chóng vào cuộc, đề nghị các Sở Tài chính, đặc biệt Sở Tài chính Hà Tĩnh khẩn trương phối hợp các cơ quan, báo cáo UBND tỉnh xử lý; đồng thời báo cáo cụ thể những vướng mắc về Bộ để phối hợp xử lý.

Đã có đầy đủ văn bản hướng dẫn triển khai việc sắp xếp, bố trí, xử lý nhà, đất tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị khi tinh gọn bộ máy.
Bộ Tài chính vừa gửi Văn bản số 6770/BTC-QLCS ngày 19/5/2025, báo cáo Chủ tịch Quốc hội về nội dung này.
Theo đó, Bộ Tài chính nêu rõ, ngay sau khi nhận thông tin Báo Tiền Phong phản ánh, Bộ đã có văn bản đề nghị Sở Tài chính các địa phương phối hợp cơ quan liên quan, báo cáo UBND cấp tỉnh xử lý các cơ sở nhà, đất dôi dư theo quy định của pháp luật và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 125/CĐ-TTg, Công văn số 91/VPCP-KHTH và các văn bản hướng dẫn của Bộ.
Bộ Tài chính đã giao Cục Quản lý công sản làm việc trực tiếp với Sở Tài chính các địa phương để làm rõ nội dung phản ánh. Qua trao đổi, các địa phương xác nhận những tồn tại nêu trong bài báo là những khó khăn thực tế phát sinh trong giai đoạn đầu thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã (giai đoạn 2019 - 2021).
Sau giai đoạn này, trên cơ sở đánh giá tình hình cụ thể tại các địa phương, hệ thống văn bản pháp luật liên quan đã được điều chỉnh, bổ sung. Chính phủ, Bộ Tài chính cũng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn nhằm tháo gỡ kịp thời các vướng mắc từ thực tiễn.
Đơn cử như, Quốc hội khóa XV đã ban hành Luật Đất đai năm 2024 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến tài chính - ngân sách, trong đó có Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Chính phủ đã ban hành Nghị định số 114/2024/NĐ-CP, Nghị định số 03/2025/NĐ-CP và Nghị định số 50/2025/NĐ-CP với nhiều quy định cụ thể nhằm phân định rõ trách nhiệm, thẩm quyền, phương án xử lý nhà, đất công.
Đáng chú ý, báo cáo của 3 địa phương về việc thực hiện Công điện số 125/CĐ-TTg ngày 01/12/2024 của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cho thấy, hiện không còn vướng mắc nào liên quan đến quy định pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công trong quá trình sắp xếp, xử lý nhà, đất khi tinh gọn bộ máy. Tuy nhiên, việc xử lý trụ sở, tài sản công dôi dư vẫn còn chậm do một số nguyên nhân chủ yếu: tiến độ điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các quy hoạch xây dựng còn chậm; công tác rà soát, cập nhật các quy hoạch này phải thực hiện định kỳ theo quy định chuyên ngành; số lượng trụ sở, cơ sở phát sinh dôi dư lớn; một số cơ quan, đơn vị chưa thực sự quyết liệt trong quá trình triển khai thực hiện.
Bộ Tài chính cho biết thêm, bên cạnh việc hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật như đã nêu trên, thời gian vừa qua, Thủ tướng Chính phủ, Đảng ủy Bộ Tài chính, Bộ Tài chính đã có nhiều giải pháp tăng cường hướng dẫn, chỉ đạo, điều hành liên quan đến vấn đề này.
Bộ Tài chính cũng đã tổ chức hội nghị trực tuyến ngày 09/4/2025 với các bộ, ngành, địa phương, hướng dẫn xây dựng phương án sắp xếp, xử lý tài sản công. Cùng với đó, nhiều văn bản hướng dẫn quan trọng đã được ban hành như: Công văn số 2950/BTC-QLCS yêu cầu xây dựng kế hoạch xử lý tài sản công không sử dụng, sử dụng kém hiệu quả, không đúng mục đích; Công văn số 2454/BTC-QLCS và 4891/BTC-QLCS hướng dẫn sắp xếp, bố trí, xử lý tài sản công dôi dư, ưu tiên chuyển đổi công năng phục vụ mục đích công cộng như y tế, giáo dục, thiết chế văn hóa, thể thao…
Có thể khẳng định rằng, đến nay đã có đầy đủ các văn bản hướng dẫn triển khai việc sắp xếp, bố trí, xử lý nhà, đất tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị khi tinh gọn bộ máy theo quy định của pháp luật và chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Bộ Tài chính nhấn mạnh, thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục thực hiện rà soát, báo cáo cấp có thẩm quyền hoàn thiện chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, bảo đảm phù hợp với yêu cầu sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị; đồng thời, sẽ theo dõi sát tình hình, đôn đốc, hướng dẫn theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền hướng dẫn bổ sung để giải quyết các vấn đề phát sinh trong thực tiễn.