Bộ Tài chính lên tiếng về đề xuất đánh thuế giao dịch vàng
Chiều 18/6, tại họp báo thường kỳ quý II của Bộ Tài chính, nhiều vấn đề liên quan đến giao dịch vàng được quan tâm, thảo luận.
Tại buổi họp báo, nhiều câu hỏi liên quan đến giao dịch vàng được nêu ra, trong đó vấn đề đánh thuế giao dịch vàng được đặc biệt quan tâm khi nhiều chuyên gia cho rằng đây là biện pháp quan trọng giúp minh bạch thị trường vàng.
Theo đó, vừa qua các chuyên gia đề xuất đánh thuế với giao dịch vàng để giảm bớt nhu cầu của một số bộ phận nhà đầu tư và thị trường, đặc biệt mục đích đầu cơ, thao túng giá. Dẫn chứng từ các lĩnh vực đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản đều đang chịu thuế thu nhập cá nhân, nhưng giao dịch vàng thì chưa.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, hiện Bộ Tài chính đã tiếp thu và sẽ có đánh giá cụ thể trên tất cả các mặt. Việc đưa thêm một quy định về chính sách thuế cần được đánh giá chi tiết ở nhiều khía cạnh khác nhau. Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu và có báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định và thực hiện nếu hợp lý.
Về công tác quản lý thuế trong hoạt động kinh doanh vàng, ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế đã có thông tin trao đổi với báo chí.
Theo ông Minh, như nhiều ngành nghề khác, hoạt động kinh doanh vàng chịu sự quản lý của cơ quan Nhà nước, trong đó có cơ quan thuế. Ngành thuế thời gian qua đã đẩy mạnh quản lý trong lĩnh vực này.
Lãnh đạo Tổng cục Thuế cho biết thêm, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc kiểm soát xuất hóa đơn trong thực hiện các giao dịch mua, bán vàng, ngành thuế đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó có việc áp dụng hóa đơn điện tử từ máy tính tiền để kiểm soát các giao dịch mua, bán vàng.
Bên cạnh tăng cường quản lý về thuế, đại diện Tổng cục Thuế cho biết Bộ Tài chính đề xuất thanh toán không dùng tiền mặt đối với hoạt động mua bán vàng. "Hiện nay, thông thường người dân mang nhiều tiền mặt đến các cửa hàng đều có thể mua được vàng, tới đây chúng tôi kiến nghị hoạt động mua bán vàng không dùng tiền mặt, cần thanh toán qua tài khoản", ông Minh nói.
Trao đổi với PV báo Sức khỏe và Đời sống, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho biết, những biện pháp liên tiếp trong thời gian ngắn vừa qua của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên qua là cần thiết và đúng trọng tâm. Việc siết chặt xuất hóa đơn từng lần với cửa hàng kinh doanh vàng sẽ làm minh bạch số lượng vàng mua vào bán ra của cửa hàng, hạn chế việc đầu cơ, buôn lậu, thu mua vàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.
"Các cửa hàng mua vào bao nhiêu, bán ra bao nhiêu sẽ được thể hiện ra hết, nếu mua vào ít nhưng bán ra nhiều hơn thì phần chênh lệch đó cửa hàng lấy từ đâu (?!). Quản lý chặt sẽ rõ ra tất cả, cũng giống như thị trường xăng dầu, xuất hóa đơn sẽ làm thị trường vàng minh bạch hơn rất nhiều", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh chia sẻ.
Ngoài ra, vị chuyên gia nhận định, những biện pháp mạnh tay, đồng bộ như thời gian vừa qua sẽ giúp làm giảm bớt chênh lệch giá vàng trong nước và giá vàng thế giới, từ đó hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư và ngăn chặn tình trạng đầu cơ vàng.
Trước đó từ ngày 3/6, bốn ngân hàng thương mại Nhà nước (Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank) cùng Công ty SJC bắt đầu mở bán vàng miếng cho người dân theo phương án của Ngân hàng Nhà nước.
Phương án này bước đầu đã cho thấy hiệu quả "bình ổn" khi giá vàng trong nước liên tục được kéo giảm, đồng thời thu hẹp đáng kể chênh lệch với giá vàng thế giới.
Tuy nhiên, từ khi triển khai, tại các điểm giao dịch bán vàng của các ngân hàng thường xuyên ghi nhận tình trạng chen lấn của người dân có nhu cầu mua vàng. Nhiều khách hàng cho biết, họ phải chờ đợi lâu mà vẫn không biết có mua được vàng hay không.
Đến ngày 17/6, toàn bộ 4 ngân hàng đã triển khai bán vàng trực tuyến cho người dân. Theo đó, ngân hàng chỉ cung cấp dịch vụ bán vàng miếng SJC cho khách đã đăng ký thành công mua vàng miếng SJC trực tuyến trên website của ngân hàng.