Bổ sung nội dung giám sát về chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031
Sáng 23.4, tiếp tục thực hiện chương trình Phiên họp thứ 44, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo kết quả thực hiện Chương trình giám sát năm 2024 và những tháng đầu năm 2025, dự kiến Chương trình giám sát năm 2026 của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Đạt được nhiều kết quả quan trọng
Báo cáo Kết quả thực hiện Chương trình giám sát năm 2024 và những tháng đầu năm 2025, dự kiến Chương trình giám sát năm 2026 của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện và Giám sát Dương Thanh Bình cho biết, trên cơ sở các nghị quyết về Chương trình giám sát năm 2024, năm 2025, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn ĐBQH và ĐBQH đã tổ chức triển khai toàn diện, đồng bộ với nhiều cải tiến, đổi mới, điều chỉnh linh hoạt để phù hợp với tình hình thực tiễn; qua đó, đạt được những kết quả quan trọng.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Hồ Long
Cụ thể, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế tiếp tục được quan tâm thực hiện, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn, góp phần tháo gỡ “điểm nghẽn” trong triển khai thi hành các quy định của pháp luật về hoạt động giám sát. Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội, phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục khẳng định là hình thức giám sát trực tiếp, hiệu quả với nhiều đổi mới quan trọng. Hoạt động giám sát chuyên đề tiếp tục được triển khai toàn diện, đạt được nhiều kết quả tích cực.
“Đáng lưu ý, trong năm 2024, Quốc hội tổ chức giám sát ngay khi các dự án quan trọng quốc gia đang trong quá trình triển khai thực hiện có ý nghĩa quan trọng trong việc đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án, phát hiện khó khăn, vướng mắc để tháo gỡ kịp thời, bảo đảm tiến độ các dự án quan trọng quốc gia”, Chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện và Giám sát nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương điều hành nội dung. Ảnh: Hồ Long
Chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện và Giám sát cho biết, hoạt động xem xét việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn được triển khai với tinh thần phát huy tối đa những kết quả đã đạt được trong hoạt động “giám sát lại” của Quốc hội tại Kỳ họp thứ Sáu. Giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị cử tri ngày càng được tăng cường và trở thành hoạt động thường xuyên.
Giám sát, hướng dẫn hoạt động của HĐND đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm triển khai, ngày càng đi vào nền nếp, mang tính thường xuyên. Việc chỉ đạo, điều hòa hoạt động giám sát được quan tâm chỉ đạo sát sao, kịp thời. Các Đoàn ĐBQH, các ĐBQH đã tích cực triển khai các hoạt động giám sát; trong đó, các Đoàn ĐBQH đã lựa chọn 76 nội dung chuyên đề giám sát, khảo sát có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những vấn đề phát sinh từ thực tiễn, gắn với tình hình thực tế của địa phương, thu hút được sự quan tâm của đông đảo cử tri địa phương.
Căn cứ đặc điểm, tình hình đặc thù của năm 2026, Thường trực Ủy ban Dân nguyện và Giám sát kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội cho phép không đề xuất nội dung giám sát chuyên đề trong Chương trình giám sát năm 2026 của Quốc hội.
Chú ý triển khai giám sát công tác chuẩn bị bầu cử
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ghi nhận, báo cáo đã được Ủy ban Dân nguyện và Giám sát chuẩn bị công phu; đồng thời, lưu ý, cần bổ sung trong Chương trình giám sát năm 2025 nội dung về giám sát công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XVI, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031; nêu rõ đây là vấn đề chúng ta phải dồn sức tập trung.
Lưu ý về các nội dung cần triển khai giám sát trong năm 2025, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý, cần triển khai giám sát việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn từ năm 2021 - 2025. Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội cần có kế hoạch giám sát về nội dung này để báo cáo với Quốc hội.
Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban tiến hành giám sát việc thực hiện chính sách tài khóa, huy động các nguồn lực ngoài ngân sách; về công tác lập pháp, hoàn thiện thể chế theo sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; phòng, chống tham nhũng; giải quyết khiếu nại, tố cáo...

Chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện và Giám sát Dương Thanh Bình trình bày Báo cáo Kết quả thực hiện Chương trình giám sát năm 2024 và những tháng đầu năm 2025, dự kiến Chương trình giám sát năm 2026 của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Hồ Long
Về giám sát công tác bầu cử, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, đây là vấn đề trọng tâm, cần giám sát việc thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia và tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XVI, đại biểu HĐND các cấp để bảo đảm minh bạch, dân chủ, công khai. Chú ý đánh giá việc thực hiện Đề án đổi mới bầu cử để bảo đảm quyền lợi của cử tri, tính công bằng trong bầu cử.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, khi tiến hành giám sát công tác chuẩn bị và thực hiện bầu cử "không phải lập đoàn đi rình rang, mà bằng nhiều cách để làm sao khắc phục được những hạn chế như trong báo cáo phản ánh".
Về giám sát văn bản quy phạm pháp luật, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, công tác giám sát này hiện chủ yếu dựa vào báo cáo của Chính phủ, bộ, ngành, nên các cơ quan của Quốc hội cần đa dạng nguồn thông tin trong thời gian tới. Bởi, giám sát văn bản quy phạm pháp luật không phải chỉ nêu ra vấn đề để Chính phủ, bộ, ngành, địa phương khắc phục, mà cũng là để Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội tự sửa. Các cơ quan của Quốc hội phải tiền phong, gương mẫu, thực hiện đúng đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, Ủy ban Dân nguyện và Giám sát tăng cường đội ngũ cán bộ; kết nối với các đơn vị trong Quốc hội, với các địa phương để thực hiện công tác một cách bài bản và tốt hơn; sử dụng công nghệ thông tin nhiều hơn...

Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Hồ Long
Để hoàn thiện báo cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải cũng cho rằng, bên cạnh tăng cường tập huấn, bồi dưỡng về thẩm quyền, trách nhiệm của ĐBQH trong giám sát, về quy trình giám sát và kỹ năng thực hiện quyền giám sát cho ĐBQH, cán bộ thực hiện thuộc Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND thì cần tăng cường bồi dưỡng cho cán bộ thuộc Vụ chuyên môn của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.
Đồng thời, chú ý áp dụng chuyển đổi số trong thực hiện giám sát để bảo đảm chất lượng, tăng hiệu quả, giảm thời gian; nghiên cứu đưa ra biện pháp để nâng cao hiệu quả, chất lượng giám sát của HĐND các cấp...
Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị, Ủy ban Dân nguyện và Giám sát cần tiếp thu các ý kiến tại phiên họp để hoàn thiện Báo cáo.
Về công tác giám sát trong năm 2025, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cần tập trung khắc phục hạn chế, tồn tại đã nêu trong báo cáo; phát huy cơ chế tự giám sát, nêu gương của các cơ quan của Quốc hội như chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội. Trên cơ sở rà soát kế hoạch của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban, cần chú ý giám sát chỉ định HĐND cấp xã của đơn vị hành chính mới; tiến hành kiểm tra, giám sát việc chuẩn bị và tổ chức bầu cử ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp theo chỉ thị của Bộ Chính trị, Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND, kế hoạch của Hội đồng Bầu cử quốc gia; giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, các bộ ngành...
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với đề xuất của Ủy ban Dân nguyện và Giám sát về không đề xuất nội dung giám sát chuyên đề trong Chương trình giám sát năm 2026 của Quốc hội.