Bổ sung nhiệm vụ phòng, chống lãng phí cho các cơ quan thanh tra

Chính phủ đề xuất quy định các cơ quan thanh tra thực hiện nhiệm vụ phòng, chống lãng phí theo quy định của pháp luật; bổ sung quy định về kiểm soát quyền lực trong hoạt động thanh tra.

Sáng 26/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi). Đây là dự án luật được sửa đổi toàn diện, giảm 54 điều so với luật hiện hành và đề xuất trình Quốc hội xem xét thông qua ngay tại Kỳ họp thứ 9 theo quy trình thủ tục rút gọn tại một kỳ họp để phục vụ sắp xếp, tinh gọn bộ máy.

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, dự thảo lược bỏ hoàn toàn quy định về Thanh tra bộ, Thanh tra tổng cục, Cục thuộc bộ, cơ quan thanh tra ở cơ quan thuộc Chính phủ, Thanh tra sở, Thanh tra huyện, tổ chức và hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành...

Lý do là triển khai thực hiện Đề án sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra và kết thúc hoạt động của các thanh tra nêu trên, không tổ chức thanh tra chuyên ngành và chuyển sang sang thực hiện kiểm tra chuyên ngành.

Lược bỏ nội dung ở luật để phân quyền cho Chính phủ ban hành Nghị định quy định về cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ và các cơ quan thanh tra, việc bổ nhiệm, miễn nhiệm thanh tra viên; trang phục, thẻ thanh tra; xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra; hồ sơ thanh tra; sửa đổi, bổ sung kế hoạch tiến hành thanh tra; xây dựng đề cương yêu cầu đối tượng thanh tra báo cáo...

Sửa đổi, hoàn thiện quy định về các cơ quan thanh tra, dự thảo quy định gồm: Thanh tra Chính phủ; Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Cơ quan thanh tra trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Thanh tra Cơ yếu; Cơ quan thanh tra được thành lập theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; quy định cụ thể về Thanh tra Bộ Công an, Thanh tra Bộ Quốc phòng, Thanh tra Ngân hàng Nhà nước.

Dự thảo cũng bổ sung 11 điều, trong đó bổ sung nhiệm vụ cho các cơ quan thanh tra trong công tác phòng, chống lãng phí: Các cơ quan thanh tra thực hiện nhiệm vụ phòng, chống lãng phí theo quy định của pháp luật; bổ sung quy định về kiểm soát quyền lực trong hoạt động thanh tra.

Bên cạnh đó bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn cho Thanh tra Chính phủ vì tiếp nhận thêm chức năng, nhiệm vụ của 12 Thanh tra bộ; Thanh tra tỉnh tiếp nhận thêm chức năng, nhiệm vụ của Thanh tra cấp huyện, Thanh tra sở.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi)

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi)

Thẩm tra, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp tán thành việc giao Chính phủ quy định về xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra giữa các cơ quan thanh tra.

Tuy nhiên, cơ quan này đề nghị giữ quy định mang tính nguyên tắc của Luật Thanh tra hiện hành về việc xử lý chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động thanh tra với hoạt động kiểm toán nhà nước vì Kiểm toán nhà nước là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; đồng thời, đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định về xử lý chồng chéo, trùng lặp giữa các hoạt động thanh tra, kiểm tra chuyên ngành và giám sát để tạo thuận lợi trong tổ chức thực hiện.

Giải trình về một số vấn đề được nêu ra liên quan hoạt động thanh tra chuyên ngành, Tổng Thanh tra Chính phủ khẳng định, dự thảo luật quy định thống nhất một hoạt động “thanh tra”, không không phân biệt thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành.

Với quy định của dự thảo luật thì không còn thanh tra chuyên ngành, mà chỉ có kiểm tra chuyên ngành. Hoạt động thanh tra nghĩa là thanh tra chung. Thanh tra Chính phủ và Thanh tra tỉnh tiến hành thanh tra theo trình tự, thủ tục và phương thức cơ bản giống như hiện nay.

Về việc xử lý chồng chéo, trùng lắp giữa hoạt động thanh tra và kiểm toán Nhà nước, ông Đoàn Hồng Phong cho biết dự thảo đã quy định và tiếp thu, kế thừa khoản 1 Điều 55 của Luật Thanh tra 2022. Theo ông, thực tế những năm gần đây, Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước phối hợp rất chặt chẽ và gần như không có sự chống chéo về cùng một đối tượng.

Điều hành phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định kết luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với nội dung chính trong dự thảo luật; đề nghị Chính phủ tiếp tục hoàn thiện hồ sơ dự thảo luật để trình Quốc hội tại kỳ họp 9, dự kiến khai mạc vào ngày 5/5 tới.

Ngọc Thành/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/bo-sung-nhiem-vu-phong-chong-lang-phi-cho-cac-co-quan-thanh-tra-post1195005.vov
Zalo