Bổ sung kiến thức pháp luật hữu hiệu qua phiên tòa giả định
Năm qua, thông qua mô hình phiên tòa giả định được Đoàn Luật sư TP Hà Nội và Sở Tư pháp TP Hà Nội phối hợp tổ chức đã mang lại hiệu quả trong công tác tuyên truyền pháp luật cho học sinh trên địa bàn TP. Năm 2025, Đoàn Luật sư TP Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh mô hình này, nhằm nâng cao kiến thức pháp luật cho lứa tuổi học sinh.

Học sinh Trường THCS và THPT Marie Curie, quận Nam Từ Liêm tham gia phiên tòa giả định. Ảnh: N.T
Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hà Nội, luật sư Nguyễn Văn Hà cho biết, mô hình phiên tòa giả định đạt kết quả rất tốt trong năm 2024 và đã được các cơ quan, sở, ngành của TP Hà Nội ghi nhận và đánh giá tính hiệu quả, thiết thực. Có thể nói đây là một mô hình mới với phương thức tổ chức mới và Đoàn cũng là đơn vị tiên phong cùng đồng hành với Sở Tư pháp TP Hà Nội thực hiện hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) bằng phiên tòa giả định trên địa bàn TP trong năm 2024.
Năm 2024, Đoàn Luật sư TP Hà Nội phối hợp với Sở Tư pháp TP Hà Nội đã tổ chức 38 buổi tuyên truyền PBGDPL qua phiên tòa giả định tại các nhà trường trung học cơ sở (THCS), trung học phổ thông (THPT) trên địa bàn TP Hà Nội.
Luật sư Nguyễn Văn Hà khẳng định, năm 2025, Đoàn Luật sư TP Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, PBGDPL, trong đó tập trung phổ biến rộng rãi mô hình phiên tòa giả định với mong muốn phiên tòa được thực hiện tốt, chất lượng thì ngoài việc diễn cho học sinh xem trực quan, hiểu về hoạt động, vai trò, chức trách của thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư thì một mục tiêu cần hướng tới là để cho các em học sinh hiểu được chính sách nhân đạo, khoan hồng của pháp luật Việt Nam đối với người chưa thành niên phạm tội.
Cùng với đó, việc diễn án cũng nhằm mục đích giáo dục, phòng ngừa tội phạm, ngăn chặn và hạn chế tình trạng bạo lực học đường, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng, các hành vi vi phạm liên quan đến an toàn giao thông, phòng, chống ma túy, phòng, chống hút thuốc lá, thuốc lá điện tử…
Vừa qua, Đoàn Luật sư TP Hà Nội đã phối hợp với Trường THCS và THPT Marie Curie, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội tổ chức phiên tòa giả định về 3 chủ đề: an toàn giao thông, an ninh mạng và phòng, chống bạo lực học đường cho gần 800 học sinh của 3 khối 10, 11 và 12 của trường.
Các em học sinh lần đầu theo dõi diễn biến phiên tòa từ đầu tới cuối với sự xuất hiện đầy đủ của hội đồng xét xử, gồm: thẩm phán, hội thẩm Nhân dân, viện kiểm sát, bị cáo, gia đình bị cáo, người bị hại… Dựa trên những câu chuyện thực tế, gần gũi với lứa tuổi vị thành niên, chương trình đã mang tới cái nhìn trực quan, sinh động; giúp học sinh nhận thức được việc cần tuân thủ và nâng cao hiểu biết pháp luật để bảo vệ bản thân, gia đình và những người xung quanh. Không chỉ vậy, kết thúc phiên tòa, các em còn được tham gia trò chơi thử tài trí nhớ về các chi tiết trong bản án vừa tuyên.
Sau khi theo dõi phiên tòa, em Minh Khang, học sinh lớp 10E5 chia sẻ: “Chương trình giúp em biết rõ tiến trình của một phiên tòa sẽ như thế nào. Việc trực tiếp chứng kiến quá trình xét xử đã giúp em dễ hiểu, dễ ghi nhớ các kiến thức pháp luật được học”.
Cô giáo Hồng Mai, giáo viên chủ nhiệm lớp 11E0 đánh giá cao tính chân thực mà chương trình mang lại. Đây là cách học pháp luật rất hữu hiệu, học sinh vừa được trải nghiệm không khí làm việc chuyên nghiệp, nghiêm túc của một phiên tòa, lại vừa được tác động sâu sắc về việc chấp hành nghiêm chỉnh các điều luật.
Trước những hiệu quả thiết thực trong công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật cho học sinh mà phiên tòa giả định mang lại, cùng với sự hào hứng, tự tin của học sinh Trường THCS và THPT Marie Curie khi tham gia chương trình, cô giáo Đỗ Thị Y Linh, Hiệu trưởng nhà trường mong muốn thời gian tới tiếp tục nhận được sự quan tâm của Đoàn Luật sư TP Hà Nội trong hoạt động tuyên truyền pháp luật.
Trong những năm qua, Đoàn Luật sư TP Hà Nội đã làm tốt công tác tuyên truyền, PBGDPL. Ngoài phiên tòa giả định, Đoàn còn có nhiều mô hình hay, hiệu quả như mô hình học sinh Thủ đô với pháp luật; “Luật sư Thủ đô đồng hành với nhóm người dễ bị tổn thương”; “Luật sư và Nhân dân Thủ đô với chuẩn tiếp cận pháp luật”; “Luật sư Thủ đô với công tác hòa giải ở cơ sở”…