Bổ sung các cơ chế hỗ trợ cho hoạt động đổi mới sáng tạo
Sáng 15/4, tại phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự thảo Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Giảm thủ tục hành chính, tăng cường hậu kiểm, chuyển đổi số toàn diện
Theo Tờ trình Dự thảo Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng trình bày tại phiên họp, việc xây dựng Luật nhằm thể chế hóa đầy đủ, kịp thời đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để phát triển lĩnh vực này là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và các Phó Chủ tịch Quốc hội chủ trì phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn
Cùng với đó, mở rộng phạm vi, đối tượng điều chỉnh của luật sang khu vực ngoài công lập để thúc đẩy nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo, trong đó doanh nghiệp làm trung tâm, các đại học và viện nghiên cứu là các chủ thể hỗ trợ cùng hướng tới mục tiêu hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ trực tiếp phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng.
Lần đầu tiên, đổi mới sáng tạo được đưa vào và đứng ngang với khoa học, công nghệ. Dự thảo Luật bổ sung các cơ chế hỗ trợ cho hoạt động đổi mới sáng tạo, đặc biệt là trong doanh nghiệp; thúc đẩy sự phát triển của các tổ chức hỗ trợ đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp khởi nghiệp, quỹ đầu tư mạo hiểm.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Dự thảo Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo gồm 8 chương và 95 điều, tăng 14 điều so với Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013 do bổ sung nội dung đổi mới sáng tạo và cấu trúc lại Luật nên về hình thức có nhiều thay đổi so với luật hiện hành.
Dự thảo Luật được thiết kế theo nguyên tắc giảm thủ tục hành chính, tăng cường hậu kiểm, chuyển đổi số toàn diện trong quản lý và hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Thay đổi tư duy quản lý theo hướng quản lý hiệu quả, không quản lý quá trình. Thu hút nguồn đầu tư ngoài ngân sách Nhà nước cho khoa học và công nghệ thông qua việc khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, tài trợ kinh phí cho nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ. Đồng thời, bổ sung chính sách ưu đãi về thuế thu nhập cá nhân, chính sách thưởng cho các nghiên cứu cơ bản, chính sách chia lợi nhuận từ thương mại hóa kết quả nghiên cứu cho nhân lực trong nước; cơ chế thỏa thuận lương, ưu đãi, tạo thuận lợi về giấy phép lao động, cấp thị thực để thu hút chuyên gia nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài tham gia thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ trọng điểm tại Việt Nam, giúp giải quyết các vấn đề mà chuyên gia trong nước chưa giải quyết được...
Trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy nêu rõ, Thường trực Ủy ban tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, đề nghị cần tiếp tục bám sát và thể chế hóa đầy đủ tinh thần của Nghị quyết số 57-NQ/TW; thực hiện đổi mới tư duy xây dựng pháp luật; thể hiện rõ ràng “chủ thuyết” phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong Dự thảo Luật, bởi đây được coi là đạo luật gốc trong lĩnh vực này…
Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng cơ bản tán thành với phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật, song có ý kiến cho rằng, phạm vi điều chỉnh và toàn bộ nội dung dự thảo Luật “còn nặng tư duy hành chính” - quản lý hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đối với việc sử dụng ngân sách Nhà nước - mà chưa thực sự làm nổi bật các cơ chế, chính sách đủ mạnh để khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư, ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo vào sản xuất, kinh doanh.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu thảo luận. Quochoi.vn
Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục rà soát phạm vi sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan để bảo đảm thống nhất, tránh bỏ sót hoặc trùng lặp. Đối với các quy định tháo gỡ vướng mắc, đột phá, vượt trội trong các luật chuyên ngành, đề nghị nghiên cứu, đề xuất Chính phủ nên quy định sửa đổi, bổ sung ngay trong dự án Luật. Riêng đối với các luật có liên quan cũng được trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9 thì cần sửa đổi, bổ sung đồng bộ trong các luật này, bảo đảm thể chế hóa đầy đủ Nghị quyết của Đảng (nhất là Nghị quyết số 57-NQ/TW) và có tính khả thi cao, thực hiện được ngay khi các luật này có hiệu lực.
Nên tập trung vào những nội dung người dân, nhà khoa học cần
Qua thảo luận tại phiên họp, đa số Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành việc xây dựng, ban hành Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; cho rằng, Dự thảo Luật đã thể hiện được tinh thần đổi mới, bám sát chủ trương của Đảng, theo Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Phát biểu thảo luận, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định, Dự thảo Luật này rất được các nhà khoa học quan tâm, kỳ vọng và trông chờ.
Theo Chủ tịch Quốc hội, trong Dự thảo Luật đang đưa vào quá nhiều vấn đề trong khi thời gian đánh giá tác động, xem xét chưa nhiều nên cần tập trung vào những nội dung đã chín, đã rõ, những gì người dân, nhà khoa học cần, có thể triển ngay được sau Kỳ họp thứ 9 sắp tới.
Về tên gọi của Luật, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị nên giữ tên Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi) còn phần đổi mới, sáng tạo nên đưa vào nội hàm của Luật, có thể xây dựng một chương riêng để làm rõ vấn đề này.
Nhấn mạnh đây là luật phức tạp và còn nhiều ý kiến khác nhau, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu các thành viên Chính phủ liên quan cùng các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cùng thảo luận, làm rõ, sáng tỏ vấn đề để thực hiện tốt.
“Thậm chí, nếu có vấn đề khó, vướng mắc vượt thẩm quyền, tôi có thể cùng Thủ tướng và các Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách vấn đề này sẵn sàng ngồi lại để tháo gỡ” - Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nói.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu. Ảnh: Quochoi.vn
Về vấn đề tạp chí khoa học, công nghệ trong Dự thảo Luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị nghiên cứu vì trong Luật Báo chí chỉ có tạp chí khoa học mà không có chữ “công nghệ”.
“Tôi đồng ý tên tạp chí khoa học và công nghệ nhưng đề nghị xem lại để có sự đồng bộ đối với Luật Báo chí” - Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nói.
Về quy định các tổ chức có thể hình thành một hay nhiều tạp chí, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị nghiên cứu lại vấn đề này bởi có thể hình thành tạp chí một cách tràn lan, thiếu hiệu quả.
Cùng quan điểm trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng, tạp chí khoa học và công nghệ là nguồn thông tin về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, để cho doanh nghiệp, người dân tra cứu, áp dụng, ứng dụng.
Cho rằng cần thiết duy trì tạp chí khoa học và công nghệ, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần tập trung để tạp chí có hiệu quả hơn, nếu để tản mát quá nhiều tạp chí thì cũng gây khó khăn cho tra cứu, ứng dụng vào thực tiễn.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng làm rõ một số vấn đề tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn
Làm rõ về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, hiện nay 80% cơ quan báo chí là tạp chí, 50% tạp chí là của các viện nghiên cứu khoa học. “Đề xuất trong Dự thảo Luật lần này là các cơ quan tạp chí khoa học và công nghệ của các viện nghiên cứu thì không phải là cơ quan báo chí. Nhưng tạp chí của các viện nghiên cứu lại hết sức quan trọng”, Bộ trưởng nói.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu các cơ quan liên quan cần chuẩn bị đầy đủ hơn các quy định để có thể thông qua dự thảo Luật này trong Kỳ họp thứ 9 sắp tới.