Bộ Nông nghiệp và Môi trường: Tái cấu trúc để phát triển bền vững
Chiều 19/2, Hội nghị triển khai quyết định hợp nhất hai Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) và Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) được tổ chức dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan và Bộ trưởng Đỗ Đức Duy. Theo kế hoạch, bộ mới sẽ chính thức đi vào hoạt động từ ngày 01/3/2025.

Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan và Bộ trưởng Bộ NN&MT Đỗ Đức Duy chủ trì Hội nghị. (Ảnh Đình Trung)
Hợp nhất để tối ưu hóa hiệu quả quản lý
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nhấn mạnh, việc hợp nhất hai bộ không chỉ là sự thay đổi về cơ cấu tổ chức mà còn là cơ hội để tái cấu trúc, nâng cao hiệu quả quản lý và phát triển bền vững. Ngành nông nghiệp và môi trường có mối liên hệ mật thiết, do đó, sự hợp nhất sẽ giúp tăng cường năng lực trong bảo vệ tài nguyên, kiểm soát ô nhiễm và phát triển nền nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan cho rằng, nông nghiệp không chỉ phụ thuộc vào môi trường mà còn có thể trở thành giải pháp để bảo vệ môi trường. "Nếu chúng ta biết giới hạn, biết tôn trọng tự nhiên, thì nông nghiệp không những không phá hủy môi trường mà còn giúp khôi phục lại những gì đã mất. Không thể chọn giữa phát triển nông nghiệp hay bảo vệ môi trường, mà cần tìm cách để cả hai cùng tồn tại, bổ trợ lẫn nhau", ông nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh Tùng Đinh)
Tái cơ cấu bộ máy tinh gọn, hiệu quả
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy khẳng định, nhiệm vụ sắp xếp, tinh gọn bộ máy là rất khó khăn, đòi hỏi sự đoàn kết và quyết tâm cao từ cán bộ, công chức, viên chức. Bộ mới sẽ có khoảng 2.890 công chức và hơn 12.000 viên chức. Đến nay, đã có 448 cán bộ của hai bộ trước đây bày tỏ nguyện vọng xin nghỉ công tác theo chế độ.
Để đảm bảo bộ máy hoạt động hiệu quả, các đơn vị sẽ được tổ chức theo nguyên tắc tinh gọn, không trùng lắp chức năng. Các đơn vị sự nghiệp sẽ được phân thành ba nhóm: nghiên cứu khoa học, đào tạo nhân lực và dịch vụ công. Các đơn vị sự nghiệp kinh tế sẽ được khuyến khích tự chủ tài chính nhằm giảm phụ thuộc vào ngân sách nhà nước.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh Tùng Đinh)
Công tác cán bộ và tổ chức bộ máy
Dự kiến, Đảng bộ Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ tổ chức họp phiên đầu tiên vào ngày 22-23/2 để triển khai công tác nhân sự. Theo Nghị quyết số 1533 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bộ mới sẽ có tối đa 10 thứ trưởng nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý trong giai đoạn chuyển đổi. Trụ sở chính đặt tại số 10 Tôn Thất Thuyết, phường Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nhấn mạnh, quá trình sắp xếp cán bộ sẽ đảm bảo công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho những người có nguyện vọng tiếp tục cống hiến. "Nhiệm vụ của chúng ta không chỉ là tái cấu trúc bộ máy, mà còn là tái cấu trúc tư duy, hướng đến nền nông nghiệp xanh, bền vững, hài hòa với môi trường", ông khẳng định.

Toàn cảnh Hội nghị.