Bộ Nội vụ lý giải cụ thể việc không giữ thị xã, thành phố thuộc tỉnh

'Bộ Chính trị đã ba lần xem xét, cho ý kiến về đề án mô hình tổ chức chính quyền địa phương (CQĐP) hai cấp, trong đó cân nhắc rất kỹ việc không giữ thị xã, thành phố thuộc tỉnh'- Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương Phan Trung Tuấn (Bộ Nội vụ) thông tin.

Tại cuộc họp báo định kỳ do Bộ Nội vụ tổ chức hôm nay, 28/4, một vấn đề được quan tâm lớn là việc không giữ thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Trong đó, khi bỏ cấp huyện thì trong 696 đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện hiện nay có 87 thành phố trực thuộc tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương sẽ không còn. Một số ý kiến cho rằng nên giữ lại tên gọi các thành phố và xem các thành phố này là cấp chính quyền cơ sở (gồm thành phố, xã, phường, đặc khu).

Trước vấn đề này, Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương Phan Trung Tuấn cho hay, đề xuất ban đầu của Bộ Nội vụ vẫn có mô hình thành phố, thị xã và xác định đây là một ĐVHC cấp cơ sở.

Theo đó, ban đầu Bộ đề xuất mô hình tổ chức CqĐP vẫn bảo đảm 2 cấp là cấp tỉnh và cấp cơ sở; cấp cơ sở bao gồm xã, phường, đặc khu, thành phố, thị xã.

Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng đề án, các cấp có thẩm quyền đã cân nhắc rất kỹ lưỡng. Bộ Chính trị đã xem xét đến ba lần khi cho ý kiến về đề án này, đặc biệt cân nhắc rất kỹ việc không giữ lại các thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thị Hà chủ trì họp báo

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thị Hà chủ trì họp báo

“Quyết định kết thúc hoạt động thành phố, thị xã xuất phát từ việc Trung ương đã thống nhất chủ trương bỏ hoàn toàn cấp huyện, tổ chức bộ máy theo mô hình 2 cấp. Việc tiếp tục duy trì các tên gọi gắn với cấp huyện cũ sẽ khiến bộ máy không thống nhất và dễ tạo tâm lý băn khoăn trong Nhân dân là vì sao bỏ cấp huyện mà vẫn còn thành phố, thị xã. Có nhiều ý kiến thắc mắc, vì sao chủ trương của Trung ương là bỏ cấp huyện mà vẫn giữ lại thành phố, thị xã - những đơn vị hiện đang là cấp huyện" - ông Phan Trung Tuấn nhấn mạnh.

Để tránh tâm lý như vậy, theo Vụ trưởng, Trung ương đã cân nhắc rất kỹ vấn đề này, sau đó đi đến thống nhất tổ chức CQĐP 2 cấp, bỏ hoàn toàn cấp huyện, kể cả tên thành phố thuộc tỉnh.

Bộ Chính trị, Trung ương cũng thống nhất tổ chức mô hình tương đối gọn nhẹ, để bảo đảm hướng tới phục vụ người dân tốt nhất và bảo đảm hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, để chính quyền cấp cơ sở thật gần dân, sát dân…

"Cả nước sẽ giữ nguyên chính quyền cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; cấp xã chỉ còn xã, phường, đặc khu (tổ chức ở các địa bàn hải đảo). Dự kiến Việt Nam sẽ có 12 - 13 đặc khu theo phương án trình của các địa phương" - ông Phan Trung Tuấn cho biết.

Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ) Phan Trung Tuấn lý giải việc không giữ thị xã, thành phố thuộc tỉnh

Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ) Phan Trung Tuấn lý giải việc không giữ thị xã, thành phố thuộc tỉnh

Trước đó, Chính phủ đã phê duyệt Đề án sắp xếp, tổ chức lại ĐVHC các cấp và xây dựng mô hình tổ chức CQĐP hai cấp. Trên cơ sở định hướng của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ đã nghiên cứu, hoàn thiện kỹ lưỡng, đa chiều với tư duy đổi mới, từ đó đề xuất các nguyên tắc tổ chức sắp xếp, tổ chức lại các cấp xã hiện nay thành các cấp xã mới.

Cụ thể, cả nước sẽ sắp xếp, tổ chức lại các cấp xã hiện nay theo hướng bỏ cấp trung gian (cấp huyện), hình thành các cấp xã mới, gồm xã, phường và đặc khu. Như vậy, không còn loại hình ĐVHC thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, thị xã, quận, huyện, thị trấn.

Hiện cả nước có 696 ĐVHC cấp huyện, bao gồm 2 thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương (TP Thủ Đức và TP Thủy Nguyên) và 85 thành phố thuộc tỉnh, 52 thị xã, 49 quận, 508 huyện.

Như vậy, dự kiến từ ngày 1/7/2025 sẽ không còn 696 huyện, trong đó có nhiều thành phố thuộc tỉnh và thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương.

"Về việc đặt tên ĐVHC cấp xã sau sắp xếp, theo Nghị quyết 76 về sắp xếp ĐVHC năm 2025, thẩm quyền được giao hoàn toàn cho các địa phương. Bộ Nội vụ không đề xuất quy định chi tiết theo bất kỳ phương án cụ thể nào, nhằm bảo đảm địa phương chủ động quyết định, đồng thời tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước và tạo sự đồng thuận trong Nhân dân"- Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ) Phan Trung Tuấn

Linh Chi

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/bo-noi-vu-ly-giai-cu-the-viec-khong-giu-thi-xa-thanh-pho-thuoc-tinh.688780.html
Zalo