Bộ Nội vụ đề xuất được làm việc đến 70 tuổi với lĩnh vực nào?

Bộ Nội vụ cho rằng, Việt Nam nên tham khảo kinh nghiệm các quốc gia trong việc quy định về nghỉ hưu trước tuổi và đối với một số lĩnh vực yêu cầu kỹ thuật cao, chuyên gia, cố vấn có thể kéo dài tuổi nghỉ hưu đến 70.

Chính phủ vừa ban hành nghị quyết, thống nhất thông qua dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) do Bộ Nội vụ trình. Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm tiếp thu ý kiến, hoàn thiện hồ sơ, thay mặt Chính phủ ký tờ trình gửi Quốc hội.

Dự thảo luật được gửi Bộ Tư pháp thẩm định trước đó đề xuất một số chính sách mới về việc nghỉ hưu trước tuổi và kéo dài tuổi nghỉ hưu đến 70 tuổi với một số lĩnh vực.

Đề xuất một số lĩnh vực kéo dài tuổi nghỉ hưu đến 70 tuổi (Ảnh minh họa)

Đề xuất một số lĩnh vực kéo dài tuổi nghỉ hưu đến 70 tuổi (Ảnh minh họa)

Theo Bộ Nội vụ, một số nước quy định tuổi nghỉ hưu 60 – 65 tuổi, nhưng có chế độ nghỉ hưu sớm khi công chức đã đảm bảo số năm công tác, muốn tập trung kinh doanh, chăm sóc bố mẹ già, con cái. Ngược lại, tuổi nghỉ hưu một số lĩnh vực về kỹ thuật, chuyên gia, có thể kéo dài tới 75 tuổi.

Cơ quan này dẫn chứng, ở Trung Quốc, quy định những trường hợp công chức được nghỉ hưu trước tuổi khi tự nguyện xin nghỉ hưu và được cơ quan quản lý chấp thuận khi đã làm việc 30 năm.

Còn tại Mỹ, công chức nghỉ hưu đúng tuổi khi đủ 60 tuổi và có 30 năm làm việc hoặc đủ 62 tuổi và có 20 năm làm việc. Sau khi hoàn thành 25 năm phục vụ hoặc đủ 50 tuổi và hoàn thành 20 năm phục vụ, công chức cũng có thể được nghỉ hưu sớm.

Tại Nhật Bản, công chức hành chính nghỉ hưu từ 60 tuổi, nhưng với các vị trí công việc đặc thù, khó bổ sung nhân sự, độ tuổi nghỉ hưu hơn 60 tuổi nhưng không được quá 65 tuổi.

Còn ở khu vực Đông Nam Á, như Thái Lan, công chức nghỉ hưu nếu đủ 60 tuổi, nhưng đối với những vị trí kỹ thuật hoặc các nhiệm vụ đòi hỏi kỹ năng cá nhân có thể tiếp tục phục vụ tới 70 tuổi.

Tại Việt Nam, tuổi nghỉ hưu của cán bộ, công chức thực hiện theo Bộ luật Lao động 2019.

Cụ thể, từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu tăng theo lộ trình mỗi năm 3 tháng với lao động nam, 4 tháng với lao động nữ trong điều kiện làm việc bình thường cho tới khi nam đạt 62 tuổi vào năm 2028 và nữ đạt 60 tuổi vào năm 2035.

Đối với lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao và một số trường hợp đặc biệt có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn, song không quá 5 tuổi so với quy định tại thời điểm nghỉ hưu.

Từ kinh nghiệm quốc tế, Bộ Nội vụ cho rằng, Việt Nam nên tham khảo kinh nghiệm các quốc gia trong việc quy định về nghỉ hưu trước tuổi và đối với một số lĩnh vực yêu cầu kỹ thuật cao, chuyên gia, cố vấn có thể kéo dài tuổi nghỉ hưu đến 70.

Ngoài ra, Bộ Nội vụ cũng đề xuất công chức có thể làm việc bán thời gian, làm việc ở nhà. Cụ thể, một số công việc không đòi hỏi tiếp xúc trực tiếp với người dân; công chức nuôi con nhỏ, chăm sóc cha mẹ già yếu...thì nên cho phép làm việc từ xa.

Theo đó, khi làm việc tại nhà không chỉ giúp tiết kiệm chi phí vận hành cho cơ quan nhà nước, mà còn tạo điều kiện cho công chức cân bằng giữa công việc và cuộc sống gia đình.

Nghị quyết của Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Nội vụ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội; chủ động báo cáo, giải trình trong quá trình thẩm tra, tiếp thu ý kiến về dự án luật theo đúng quy định và chịu trách nhiệm về nội dung báo cáo.

Luân Dũng

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/bo-noi-vu-de-xuat-duoc-lam-viec-den-70-tuoi-voi-linh-vuc-nao-post1735333.tpo
Zalo