Bỏ hình thức đình chỉ học: Giải pháp tích cực giúp học sinh sửa sai và tiến bộ
Việc Bộ GD&ĐT dự kiến bỏ hình thức đình chỉ học với học sinh vi phạm được xem là giải pháp tích cực giúp học sinh sửa sai và tiến bộ.

Học sinh Trường THPT Trần Quang Khải tại ngày hội khoa học kỹ thuật cấp trường lần thứ 2.
Nhà trường đồng tình
Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Thông tư về khen thưởng, kỷ luật học sinh. Theo đề xuất, học sinh vi phạm sẽ bị xử lý tùy theo cấp học: bậc tiểu học có thể bị nhắc nhở hoặc yêu cầu xin lỗi; bậc THCS và THPT có thể bị nhắc nhở, phê bình hoặc viết bản tự kiểm điểm.
So với Thông tư số 08/TT của Bộ GD&ĐT ban hành năm 1988, hướng dẫn về việc khen thưởng và thi hành kỷ luật học sinh các trường phổ thông, dự thảo quy định mới sẽ bãi bỏ các hình thức kỷ luật như: khiển trách trước lớp, khiển trách trước hội đồng kỷ luật nhà trường, cảnh cáo trước toàn trường, đình chỉ học tập, đuổi học một tuần, đuổi học một năm,…
Chia sẻ về dự thảo, ông Nguyễn Tấn Tài – Hiệu trưởng Trường THPT Trần Quang Khải (Quận 11, TPHCM) cho rằng, ở lứa tuổi học sinh, tâm sinh lý, suy nghĩ và hành động của các em còn bồng bột. Khi học sinh vi phạm, người lớn, thầy cô, nhà trường cần tìm biện pháp chấn chỉnh, giáo dục để các em nhận ra sai lầm và sửa đổi.
“Việc Bộ GD&ĐT dự kiến bỏ các hình thức kỷ luật như đình chỉ hay đuổi học, theo tôi là hợp lý, bởi môi trường giáo dục phải luôn đặt trọng tâm vào sự phát triển con người. Đặc biệt, cần rèn giũa và dẫn dắt các em trong quá trình hình thành nhân cách. Kỷ luật tích cực sẽ giúp các em sửa sai và tiến bộ”, ông Tài nhấn mạnh.
Tương tự, bà Lê Thị Hồng Anh – Phó Hiệu trưởng Trường THPT Võ Văn Kiệt (Quận 8, TPHCM) cũng ủng hộ việc bỏ hình thức đình chỉ học. Bà đồng tình với các mức độ xử lý vi phạm trong dự thảo, gồm: nhắc nhở, phê bình hoặc viết bản tự kiểm điểm.

Học sinh Trường THPT Bùi Thị Xuân (Quận 1, TPHCM) được yêu cầu đọc sách, viết bài cảm nhận nếu vi phạm nội quy.
“Việc dạy dỗ con trẻ chưa bao giờ là dễ dàng. Trong quá trình dạy học, cả trong và ngoài giờ lên lớp, giáo viên cần có sự tinh tế và quan tâm để học sinh có thể thấu hiểu, đồng cảm và từ đó hiểu nhau hơn. Nhờ vậy, việc quản lý và giáo dục học sinh sẽ hiệu quả hơn, tránh được những sự việc không đáng có.
Đây là những hình thức kỷ luật tích cực, mang tính định hướng, giúp những học sinh chưa ngoan có cơ hội được giáo dục, nhận ra cái sai của mình và sửa đổi. Học sinh ở lứa tuổi phổ thông rất cần được nhà trường định hướng và giáo dục đúng cách,” bà Hồng Anh chia sẻ.
“Bước đi” mang tính nhân văn
Tiến sĩ Bùi Hồng Quân, giảng viên Trường Đại học Sư phạm TPHCM, cho rằng việc xử phạt học sinh vi phạm kỷ luật là điều cần thiết trong giáo dục. Bên cạnh việc động viên, khuyến khích và khen thưởng, vẫn cần có những hình thức kỷ luật phù hợp khi học sinh vi phạm.
"Việc các nhà trường nhắc nhở, kiểm điểm để giúp học sinh tốt hơn, đây thật sự là việc làm thể hiện rõ về cái tính nhân văn trong trong quá trình giáo dục. Từ đó, gợi mở, định hướng những hành động phù hợp để giúp cho các em tự nhận thức được vấn đề và tự điều chỉnh hành vi để trở nên tốt hơn", ông Quân nhấn mạnh.
Cũng theo ông, việc giảm nhẹ các hình thức kỷ luật - cụ thể là đề xuất bỏ hình thức đình chỉ học trong dự thảo của Bộ GD&ĐT thể hiện tính nhân văn trong giáo dục. Bởi trong quá trình học tập, học sinh có thể mắc sai lầm, điều này là khó tránh khỏi.
Ông phân tích thêm, khi nhìn nhận sai phạm ở góc độ các em còn ở lứa tuổi học sinh, đang trong quá trình hình thành và phát triển nhân cách, có những thời điểm các em không kiểm soát được lời nói hay hành vi, nên dẫn đến vi phạm.
“Việc nhà trường nhắc nhở, kiểm điểm để giúp học sinh tiến bộ thật sự thể hiện tính nhân văn trong giáo dục. Từ đó, có thể gợi mở và định hướng những hành động phù hợp, giúp các em tự nhận thức vấn đề và điều chỉnh hành vi để trở nên tốt hơn,” ông nhấn mạnh.

Tiến sĩ Bùi Hồng Quân.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Bùi Hồng Quân cũng lưu ý rằng, trên thực tế, có những trường hợp học sinh vi phạm nhưng hình thức xử lý chưa thật sự thích đáng, không đủ sức răn đe, dẫn đến hành vi vi phạm bị lặp lại. Vì vậy, nếu bỏ hình thức đình chỉ học, cần có sự xem xét kỹ lưỡng trong việc lựa chọn hình thức kỷ luật phù hợp.
"Chẳng hạn, bên cạnh các hình thức kỷ luật hiện có, có thể bổ sung những biện pháp như yêu cầu học sinh giải trình, trình bày minh chứng để thể hiện rằng các em đã nhận thức được lỗi lầm và có sự điều chỉnh hành vi trong thực tế. Để thực hiện được điều này, giáo viên và nhà trường cần theo sát quá trình chuyển biến của học sinh", ông đề xuất.
Bản chất của giáo dục là giúp học sinh ngày càng tốt hơn. Vì vậy, dù lựa chọn hình thức xử lý nào, thầy cô và nhà trường cũng phải luôn ghi nhớ rằng mục tiêu cuối cùng của kỷ luật là giúp học sinh nhận ra sai lầm, sửa đổi và không tái phạm trong tương lai.
Ở góc nhìn của phụ huynh, anh Trần Minh Tuấn (TP Thủ Đức) cho rằng: "Việc kỷ luật bằng hình thức đình chỉ sẽ khiến việc học tập của học sinh bị gián đoạn, gây ra nhiều hệ lụy như tạo tâm lý chán nản, tiêu cực. Từ đó, học sinh có thể bị lôi kéo, sa vào những hoạt động không lành mạnh. Do đó, học sinh càng hư càng cần được tới trường để thầy cô dẫn dắt, giáo dục thay vì bị tước quyền học tập, vì việc đó có thể đẩy tương lai con trẻ về hướng tiêu cực".