Bộ Giáo dục vào cuộc về phản ánh dạy thêm, học thêm ở Hà Nội
Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội xác minh thông tin và xử lý nghiêm vi phạm (nếu có) liên quan đến việc dạy thêm, học thêm trên địa bàn thành phố.
Ngày 23-4, Bộ Giáo dục và Đào tạo có văn bản gửi Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đề nghị kiểm tra, xác minh thông tin liên quan đến việc dạy thêm, học thêm trên địa bàn thành phố.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, tại Chương trình chuyển động 24h phát sóng trên Kênh VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam có phóng sự phản ánh về việc tổ chức dạy thêm, học thêm trái với quy định tại Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Ảnh chụp màn hình từ phóng sự VTV.
Theo thông tin phản ánh, một trung tâm bồi dưỡng văn hóa ở phố Chùa Láng, quận Đống Đa, đang dạy thêm cho gần 500 học sinh. Tất cả đều đến từ một trường THCS công lập gần đó.
Học sinh cho biết, các em lui tới trung tâm hàng ngày, học các môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh và Khoa học tự nhiên. Học phí một tháng khoảng 2 triệu đồng. Còn theo phụ huynh, giáo viên tại trung tâm cũng là người trực tiếp dạy học sinh trên lớp.
Về việc này, Bộ Giáo dục và Đào tạo có văn bản đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội kiểm tra, xác minh thông tin và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm (nếu có) theo quy định; báo cáo kết quả xử lý về Bộ Giáo dục và Đào tạo bằng văn bản trước ngày 30-4.
Theo nội dung phát sóng, việc tổ chức dạy thêm, học thêm tại một trung tâm văn hóa ở phố Chùa Láng (quận Đống Đa) chưa nền nếp. Cơ sở vật chất của trung tâm còn chật chội, nhưng vẫn tổ chức dạy thêm cho khoảng gần 500 học sinh của một trường trung học cơ sở ở gần đó với mức tiền học gần 2 triệu đồng/tháng/học sinh.
Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 30-12-2024, có hiệu lực từ ngày 14-2-2025. Theo đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo, sau hai tháng chính thức thi hành, về cơ bản việc quản lý dạy thêm, học thêm đã đi vào nền nếp, góp phần nâng cao chất lượng các giờ học chính khóa.