Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị triển khai gấp một số việc khi chưa tuyển được gần 60.000 biên chế giáo viên
Bộ GD&ĐT yêu cầu các địa phương tiếp tục rà soát, điều chuyển giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu; xác định cụ thể số lượng, cơ cấu giáo viên còn thiếu...
Thông tin trên báo , mới đây Bộ GD&ĐT có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về tình trạng tuyển dụng, quản lý, sử dụng chỉ tiêu biên chế giáo viên mầm non, phổ thông trên cả nước.
Theo công văn, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Bộ Nội vụ báo cáo và được Trung ương chấp thuận bổ sung 65.980 biên chế giáo viên. Tuy nhiên, một thực tế đáng quan tâm là tính đến hết học kỳ I năm học 2024-2025, cả nước vẫn còn khoảng 60.000 biên chế giáo viên được giao nhưng chưa tuyển dụng.
Nghịch lý là trong khi biên chế thừa thì số giáo viên còn thiếu ở các cấp học mầm non và phổ thông công lập đã vượt ngưỡng 120.000 người.

Không tuyển được gần 60.000 biên chế giáo viên, Bộ GD&ĐT có công văn gửi các tỉnh. Ảnh minh họa
Để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên, Bộ GD&ĐT đề nghị UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các đơn vị khẩn trương thực hiện tuyển dụng giáo viên bảo đảm đủ số biên chế được cấp có thẩm quyền giao (bao gồm biên chế được giao chưa sử dụng và biên chế được bổ sung năm học 2024-2025).
"Các địa phương không để công tác sắp xếp, tinh gọn bộ máy ảnh hưởng đến công tác tuyển dụng giáo viên", VTC News dẫn thông tin từ Bộ GD&ĐT chỉ đạo rõ.
Các địa phương cần thực hiện các giải pháp để bảo đảm nguồn tuyển dụng giáo viên như: Thông tin rộng rãi về nhu cầu tuyển dụng; có cơ chế, chính sách thu hút, đặt hàng đào tạo giáo viên; tăng cường bồi dưỡng giáo viên sử dụng thông thạo tiếng dân tộc thiểu số...
Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu tiếp tục rà soát, điều chuyển giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu; xác định cụ thể số lượng, cơ cấu giáo viên còn thiếu theo từng năm học, từng cấp học, môn học từ năm học 2026-2027 đến năm học 2030 - 2031, báo cáo Bộ GD&ĐT.
Đồng thời, các địa phương cần tiếp tục rà soát, sắp xếp lại các cơ sở giáo dục; thu gọn các điểm trường trên nguyên tắc thuận lợi cho người dân và phù hợp với điều kiện thực tế của vùng, miền, địa phương.
Bộ GD&ĐT khuyến khích các tổ chức, cá nhân thành lập các trường tư thục, tham gia xã hội hóa giáo dục để giảm số lượng người hưởng lương từ ngân sách nhà nước.