Bộ gen chỉ ra bệnh dịch hạch từng khiến dân số châu Âu sụp đổ trong thời kỳ đồ đá

Khoảng 5.000 năm trước, dân số ở Bắc Âu cũng như các cộng đồng nông nghiệp thời kỳ đồ đá trên khắp khu vực đã sụp đổ. Nguyên nhân của thảm họa này vẫn là vấn đề gây tranh cãi.

Một nghiên cứu mới chỉ ra rằng bệnh dịch hạch có thể đã thúc đẩy sự suy tàn của thời kỳ đồ đá mới. Nghiên cứu dựa trên DNA thu được từ hài cốt của 108 người - 62 nam, 45 nữ và một người chưa xác định, từ các ngôi mộ chôn cất cổ đại ở Scandinavia, Thụy Điển và Đan Mạch. 18 người trong số họ - 17% - bị nhiễm bệnh dịch hạch vào thời điểm tử vong.

 Một trong những bộ xương hoàn chỉnh được tìm thấy trong ngôi mộ ở Falbygden, Thụy Điển. Bộ xương là của một người phụ nữ khoảng 30 - 40 tuổi. Ảnh: Karl-Goeran Sjoegren

Một trong những bộ xương hoàn chỉnh được tìm thấy trong ngôi mộ ở Falbygden, Thụy Điển. Bộ xương là của một người phụ nữ khoảng 30 - 40 tuổi. Ảnh: Karl-Goeran Sjoegren

Các nhà nghiên cứu đã lập biểu đồ phả hệ của 38 người qua 6 thế hệ, kéo dài khoảng 120 năm. 12 người trong số họ - 32% - đã bị nhiễm bệnh dịch hạch. Phát hiện về bộ gen cho thấy cộng đồng của họ đã trải qua 3 đợt dịch hạch riêng biệt ở giai đoạn đầu.

Bằng việc tái tạo lại toàn bộ bộ gen của các chủng vi khuẩn Yersinia pestis gây bệnh dịch hạch, các nhà nghiên cứu xác định rằng làn sóng dịch hạch cuối cùng có thể nghiệm trọng hơn các đợt khác. Họ cũng xác định được các đặc điểm cho thấy căn bệnh này có thể lây lan từ người sang người, tạo thành dịch bệnh.

"Bệnh dịch hạch thời đồ đá mới là tổ tiên của tất cả các dạng bệnh dịch hạch sau này", nhà di truyền học Frederik Seersholm của Đại học Copenhagen, tác giả chính của nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature tuần này, cho biết.

Một dạng sau của tác nhân gây bệnh này đã gây ra bệnh dịch hạch Justinian vào thế kỷ thứ 6 sau Công nguyên và đại dịch Cái chết đen vào thế kỷ 14 đã tàn phá Châu Âu, Bắc Phi và Trung Đông.

Nghiên cứu cũng chứng minh rằng bệnh dịch hạch rất phổ biến và lan rộng ở khu vực được khảo sát. Nhà di truyền học tại Đại học Copenhagen và đồng tác giả nghiên cứu Martin Sikora cho biết: "Tỷ lệ mắc bệnh dịch hạch cao như vậy cho thấy dịch hạch đóng vai trò đáng kể trong sự suy tàn thời kỳ đồ đá mới ở khu vực này".

Thời kỳ đồ đá mới liên quan đến việc áp dụng canh tác và thuần hóa động vật thay cho lối sống săn bắt hái lượm. Sự suy giảm dân số thời kỳ đồ đá mới ở Bắc Âu xảy ra từ khoảng năm 3300 trước Công nguyên đến năm 2900 trước Công nguyên. Vào thời điểm đó, các thành phố và nền văn minh phức tạp đã xuất hiện ở những nơi như Ai Cập và Lưỡng Hà.

Dân số Scandinavia và Tây Bắc Âu cuối cùng đã biến mất hoàn toàn, sau đó được thay thế bởi những người được gọi là Yamnaya di cư từ một vùng thảo nguyên trải dài trên một phần của Ukraine ngày nay. Họ là tổ tiên của người Bắc Âu hiện đại.

Ngọc Ánh (theo Reuters)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/bo-gen-chi-ra-benh-dich-hach-tung-khien-dan-so-chau-au-sup-do-trong-thoi-ky-do-da-post303210.html
Zalo