Bộ GDĐT lý giải yêu cầu quy đổi điểm tương đương giữa các phương thức xét tuyển ĐH

Năm 2025, quy chế tuyển sinh đại học mới quy định, cơ sở đào tạo sử dụng nhiều phương thức tuyển sinh phải xác định quy tắc quy đổi tương đương ngưỡng đầu vào và điểm trúng tuyển của các phương thức tuyển sinh, phương thức xét tuyển, tổ hợp xét tuyển theo hướng dẫn chung của Bộ GD-ĐT.

Như vậy, năm 2025, các trường không phải phân bổ chỉ tiêu cho các phương thức xét tuyển như những năm trước. Bộ GD-ĐT cho rằng cách làm này sẽ tránh được những rủi ro khi xét tuyển theo chỉ tiêu như độ lệch điểm giữa các phương thức quá lớn, có phương thức điểm trúng tuyển rất cao, điểm trúng tuyển học bạ thấp hơn điểm trúng tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông…

Quy chế của Bộ GD-ĐT cũng quy định, quy tắc quy đổi tương đương phải được công bố công khai muộn nhất cùng thời gian công bố ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn đã có trao đổi với VOV.VN về nội dung này.

PV: Thưa Thứ trưởng, quy định về quy đổi điểm tương đương trong xét tuyển đại học đang nhận được nhiều quan tâm từ các trường đại học cũng như thí sinh cả nước, bên cạnh những ý kiến ủng hộ cũng có không ít những băn khoăn rằng quy định này liệu có đảm bảo công bằng khi mỗi phương thức xét tuyển có một tính chất khác nhau, xin Thứ trưởng cho biết thêm về quy định này?

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn: Trong quy chế xét tuyển đại học, cao đẳng mầm non năm nay có 2 điểm mới nổi bật là bỏ xét tuyển sớm và quy đổi điểm tương đương. Với việc quy đổi điểm tương đương, Bộ cũng đã lấy ý kiến các trường đại học, đặc biệt là những chuyên gia, cán bộ trực tiếp làm công tác tuyển sinh và nhận được sự đồng thuận cao từ các trường.

Nếu một ngành, một chương trình chỉ có một phương thức xét tuyển, các trường sẽ không cần phải thay đổi. Nhưng nếu dùng 2 phương thức xét tuyển khác nhau cho cùng 1 ngành, thì cần đặt câu hỏi vì sao điểm chuẩn theo điểm thi tốt nghiệp THPT lấy 25 điểm, mà điểm chuẩn theo kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQGHN lại lấy 120/150 điểm, hay kỳ thi đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội lấy 70, 80 điểm... Một ngành có nhiều phương thức xét tuyển, điểm chuẩn phải đánh giá được năng lực của thí sinh trúng tuyển vào ngành đó. Vì vậy Bộ GD-ĐT đưa ra yêu cầu quy đổi điểm tương đương giữa các phương thức xét tuyển. Tất nhiên yêu cầu này cũng xuất phát từ chính những bất cập trong các mùa tuyển sinh trước, khi các trường lấy điểm chuẩn trúng tuyển theo chỉ tiêu.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn

Thực tế việc phân chia chỉ tiêu giữa các phương thức rất khó có căn cứ nhưng điểm chuẩn lại được quyết định bởi chỉ tiêu tuyển sinh. Giữa việc quy định điểm chuẩn theo chỉ tiêu và quy đổi điểm tương đương, thì cách quy đổi điểm tương đương khoa học, đảm bảo tính công bằng hơn. Bởi bản chất của việc phân chia chỉ tiêu vốn đã không có căn cứ khoa học.

Phải khẳng định lại quy chế của Bộ không bắt buộc quy đổi tương đương tất cả các phương thức xét tuyển mà chỉ quy đổi điểm trúng tuyển trong phạm vi nào đó với các ngành, chương trình đào tạo có nhiều phương thức xét tuyển.

Cũng có một số ý kiến cho rằng không thể quy đổi kết quả của các kỳ thi khác nhau như thi tốt nghiệp THPT, thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy… Đây là ý kiến phản biện được nêu khá nhiều trong thời gian gần đây.

Chúng tôi cũng đồng ý với ý kiến đó, nếu như các kỳ thi đánh giá các năng lực hoàn toàn khác nhau của thí sinh. Nhưng nếu đã là phương thức để tuyển sinh cho 1 ngành, thì cần đặt ra những yêu cầu giống nhau, hoặc chỉ khác nhau một phần nhỏ nào đó. Về cơ bản các phương thức xét tuyển khác nhau phải đánh giá được năng lực cốt lõi của thí sinh vào một ngành cụ thể. Điều này đã được ghi rõ trong quy chế tuyển sinh và cũng là nguyên tắc cao nhất trong tuyển sinh.

Nếu kết quả thi đó không đánh giá đúng được năng lực cốt lõi cần có khi theo học một chương trình đào tạo thì việc sử dụng các phương thức này không có căn cứ. Như vậy, các phương thức dùng để xét tuyển vào một ngành dù khác nhau về cách đánh giá nhưng phải cùng năng lực cốt lõi của thí sinh, vì vậy điểm chuẩn trúng tuyển phải quy đổi được.

PV: Thưa Thứ trưởng, việc quy đổi điểm tương đương sẽ được thực hiện theo nguyên tắc, hay phương pháp nào để đảm bảo tính khoa học, công bằng trong tuyển sinh?

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn: Việc quy đổi tương đương khá đơn giản, có nhiều phương pháp để tính. Giả sử, chúng ta lấy một số đông học sinh trong dữ liệu của Bộ GD-ĐT có cả kết quả thi theo phương thức xét học bạ, đánh giá năng lực, đánh giá tư duy, thi tốt nghiệp THPT. Nếu lấy những thí sinh thuộc top 1% điểm cao nhất trong 10.000 em, sẽ được 100 em. Vậy điểm để đạt top 1% của kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH QGHN là bao nhiêu điểm và của kỳ thi tốt nghiệp THPT là bao nhiêu? Tiếp theo ta lấy đến các mốc 5% hay 10%, 20%... Đây là phương pháp phân vị, xác định vị trí của thí sinh theo phân vị, khi đó sẽ đưa ra được mức điểm tương đương giữa các phương thức của thí sinh thuộc top 1%.

Phương pháp thứ 2 là hồi quy tuyến tính, ta chia các khoảng điểm, ví dụ trong khoảng từ 20-30 điểm thi tốt nghiệp THPT, thì lấy tiếp khoảng từ 20-21 điểm xem những thí sinh này thi đánh giá năng lực được khoảng bao nhiêu điểm, từ đó dùng công thức xấp xỉ tuyến tính để tính. Tức quy đổi 20, 21 điểm ở phương thức này sang mức điểm tương ứng ở phương thức kia. Khi chia các khoảng càng nhỏ sẽ càng chính xác. Ngoài ra sẽ còn những phương thức khác trong toán học để có thể tính được mức điểm tương đương giữa các phương thức xét tuyển. Về mặt khoa học, tính toán điểm tương đương giữa các phương thức khá đơn giản, các trường đều làm được việc này.

PV: Như Thứ trưởng vừa chia sẻ ở trên, quy định về quy đổi điểm tương đương cũng xuất phát từ chính những bất cập trong các mùa tuyển sinh trước, khi các trường lấy điểm chuẩn trúng tuyển dựa theo chỉ tiêu từng ngành, từng phương thức, ông có thể nói rõ hơn về những bất cập này?

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn: Những năm trước, việc quyết định điểm chuẩn trúng tuyển các ngành dựa theo chỉ tiêu giữa các phương thức, điều này không chặt chẽ, thiếu minh bạch. Ví dụ 1 ngành có chỉ tiêu 200, nhưng có 2 phương thức xét tuyển, mỗi phương thức dự kiến là 100 chỉ tiêu. Tuy nhiên, trong tuyển sinh có yếu tố ảo, nên không trường nào gọi đúng 100 chỉ tiêu, mà có thể gọi lên 150, sau đó lọc ảo còn 110, 120, hay 90 chỉ tiêu, nhưng giá trị cuối cùng không bao giờ là 100 chỉ tiêu như đã công bố vì còn tính đến độ ảo khi các em nhập học. Do đó, việc một trường nâng chỉ tiêu của một nhóm ngành, hay phương thức nào đó lên hoặc giảm chỉ tiêu của các phương thức còn lại xuống ai đảm bảo việc này minh bạch? Đây là kẽ "hở" cho tiêu cực, cần khắc phục.

PV: Nhiều ý kiến cho rằng, việc quy định này ảnh hưởng đến quyền tự chủ tuyển sinh của các trường, quan điểm của Bộ GD-ĐT về vấn đề này như thế nào?

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn: Khi nói về tự chủ tuyển sinh cần đặt ra câu chuyện thế nào là tự chủ và mục đích của tự chủ là gì? Mọi quyền tự chủ của các trường đều phải tuân theo những nguyên tắc tối cao trong luật là bảo đảm chất lượng, độ tin cậy và công bằng. Tự chủ cũng luôn gắn với trách nhiệm giải trình.

Bộ cũng chỉ hướng dẫn việc quy đổi điểm tương đương, còn lại các trường phải giải trình được nguyên tắc quy đổi, ví dụ 25 điểm ở phương thức này tương đương với bao nhiêu điểm ở phương thức khác.

Khi Bộ đưa ra hướng dẫn, một số ý kiến cho rằng, các ngành có đặc thù khác nhau nên việc quy đổi chung một công thức không phù hợp. Điều này hoàn toàn đúng, Bộ không có ý định đưa ra một công thức quy đổi cho tất cả ngành và tất cả các trường. Thay vào đó, Bộ sẽ đưa ra khung quy đổi cho những phương thức phổ biến như giữa điểm học bạ, điểm thi tốt nghiệp phổ thông với các tổ hợp khác nhau cũng như một số kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy của các trường. Trên cơ sở đó, các trường hoàn toàn có thể điều chỉnh theo đặc thù của trường, ngành. Bộ cũng sẽ đưa ra phương pháp tính toán để các trường lấy dữ liệu của mình và quy đổi.

Bên cạnh đó, Bộ cũng sẽ hướng dẫn các trường khi quy đổi cần căn cứ vào kết quả học tập của sinh viên đã qua 1- 2 năm học theo các phương thức trúng tuyển khác nhau. Các trường bắt buộc phải làm việc này, phải đánh giá tương quan giữa kết quả đầu vào và kết quả học tập sau đó, từ đó điều chỉnh việc quy đổi điểm tương đương theo yêu cầu của riêng mình. Bộ không thể làm cho tất cả các trường, tất cả các ngành cũng như là tất cả các phương thức. Đây là trách nhiệm của các trường và cũng chỉ các trường biết rõ nhất, đồng thời đây cũng là quyền tự chủ của các trường.

PV: Xin cảm ơn Thứ trưởng.

Nguyễn Trang/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/bo-gddt-ly-giai-yeu-cau-quy-doi-diem-tuong-duong-giua-cac-phuong-thuc-xet-tuyen-dh-post1189433.vov
Zalo