Bộ GD&ĐT và Đại học Bách khoa Hà Nội cảnh báo giả mạo
Mới đây, Bộ GD&ĐT cùng Đại học Bách khoa Hà Nội đăng tin cảnh báo giả mạo trong việc sử dụng con dấu và chữ ký của Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng.
Cụ thể, vào ngày 3/1, Bộ GD&ĐT và nhà trường phát hiện một văn bản giả mạo có nội dung "Triển khai học bổng Đại học Bách khoa Hà Nội". Theo đó, văn bản nêu sẽ cấp 5 suất học bổng cho sinh viên trường với giá trị là 30.000 USD/sinh viên.
Về việc tổ chức xét duyệt, văn bản này yêu cầu sinh viên tham dự hội thảo do nhà trường tổ chức và nộp hồ sơ trực tiếp. Hồ sơ bao gồm các giấy tờ như: Mẫu chứng nhận tài sản, đảm bảo tài chính; đơn xin cấp học bổng; bảng điểm và bản photo giấy chứng nhận/bằng khen (nếu có).
Chưa dừng lại ở đó, văn bản giả mạo còn đặt ra hạn chót nộp hồ sơ là trước 23h59 ngay 3/1, ký tên Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng và đóng dấu mộc đỏ.
Đại học Bách khoa Hà Nội và Bộ GD&ĐT khẳng định văn bản này là giả mạo. Các văn bản chính thức đều được đăng tải lên trang Facebook chính thức và Cổng thông tin điện tử của Bộ GD&ĐT.
Trong thời gian vừa qua, loạt trường đại học cũng phải ra thông báo cảnh báo hành vi làm giả công văn của trường để lừa đảo học sinh, sinh viên. Kẻ lừa đảo thường mượn danh nhà trường, thông báo các chương trình học bổng, du học để lừa sinh viên đóng một khoản tiền lớn.
Các cơ sở giáo dục đã đăng cảnh báo lừa đảo bao gồm: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Giao thông Vận tải TP.HCM, Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM), Đại học FPT, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM).
Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM cảnh báo thêm các thủ đoạn lừa đảo phổ biến. Nhà trường liệt kê 3 dạng lừa đảo mà sinh viên dễ mắc phải gồm: Mạo danh các đơn vị, viên chức, người lao động của trường để liên hệ với người học; lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua điện thoại; lừa đảo trên không gian mạng.
Theo đó, để phòng ngừa, ngăn chặn và hạn chế các thiệt hại xảy ra, nhà trường khuyên cán bộ, giảng viên, sinh viên, người học nên tuân thủ Quy tắc 6 không trong Cẩm nang nhận diện và phòng, chống lừa đảo trực tuyến do Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) đưa ra, cụ thể như sau.
1. Không cung cấp thông tin cá nhân, địa chỉ, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng của mình cho đối tượng không quen biết; thận trọng rà soát và kiểm tra kỹ thông tin trước khi thực hiện các giao dịch chuyển tiền.
2. Không kết bạn và nói chuyện với người lạ, đặc biệt là những tài khoản có hình ảnh ngoại hình đẹp và bắt mắt. Tuyệt đối không nhận lời mời tham gia các hội nhóm mà không rõ mục đích đối tượng.
3. Không truy cập, đăng nhập vào các đường dẫn, liên kết, website, ứng dụng hoặc mở tệp đính kèm đến từ người gửi không xác định, không rõ nguồn gốc.
4. Không cán bộ cơ quan nhà nước, Bộ Công an, Viện Kiểm sát, tòa án hay đơn vị tài chính nào gọi điện để điều tra qua điện thoại, yêu cầu phải cung cấp thông tin cá nhân hay đóng tiền.
5. Không thực hiện chuyển khoản trước, tuyệt đối không đặt cọc, chuyển khoản tiền cho các đối tượng lạ trong bất cứ trường hợp nào.
6. Không tham lam những tài sản, món quà không rõ nguồn gốc có thể nhận được một cách dễ dàng, những lợi nhuận “phi thực tế” mà không tốn sức lao động, những lời mời chào, dụ dỗ “việc nhẹ lương cao”...