Bộ GD&ĐT lý giải vì sao 'tuýt còi' việc tuyển sinh vào lớp 6

Theo ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT), những năm qua, các trường tuyển sinh lớp 6 thực hiện việc tuyển sinh chủ yếu dựa vào tổ chức việc 'kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh' như một kì thi tuyển sinh là không thỏa đáng.

Ngày 30/12/2024, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 30 về Quy chế tuyển sinh THCS – THPT trong đó quy định tuyển sinh vào lớp 6 tất cả các trường bằng phương thức xét tuyển. Thông tư có hiệu lực từ ngày 14/2 tới.

Điều này gây nhiều tranh cãi bởi một số địa phương hiện đang tồn tại trường THCS chất lượng cao, trường tư có lượng hồ sơ đăng ký đầu vào lớn hơn chỉ tiêu tuyển sinh sẽ gặp khó trong tuyển sinh.

Ông Nguyễn Xuân Thành nói rằng, trước đây, Thông tư số 11/2014 của Bộ GD&ĐT quy định tuyển sinh THCS hằng năm theo hình thức xét tuyển. Quy định này bảo đảm việc tuyển sinh vào THCS được thực hiện thuận lợi, hiệu quả, thiết thực đối với cấp học cần huy động 100% học sinh vào học theo mục tiêu phổ cập giáo dục.

Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT).

Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT).

Đến năm 2018, trước thực tế có một số trường THCS có uy tín, được đông đảo học sinh đăng kí vào học khiến việc xét tuyển theo tiêu chí chung chưa đáp ứng được mục tiêu tuyển sinh, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 05/2018 quy định “Tuyển sinh THCS theo phương thức xét tuyển. Trường hợp cơ sở giáo dục có số học sinh đăng ký vào học lớp 6 nhiều hơn chỉ tiêu tuyển sinh, Sở GD&ĐT hướng dẫn thực hiện phương án tuyển sinh theo phương thức xét tuyển hoặc kết hợp xét tuyển với kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh”.

Thời điểm khi ban hành Thông tư số 05/2018, Bộ GD&ĐT cũng đã nêu rõ việc kiểm tra, đánh giá năng lực khác với một kỳ thi. Nghĩa là khi thực hiện xét tuyển vào một trường THCS, nếu số lượng học sinh đáp ứng yêu cầu của tiêu chí xét tuyển chung vẫn vượt so với chỉ tiêu nhà trường được giao thì nhà trường được kết hợp thực hiện việc kiểm tra, đánh giá năng lực để bổ sung tiêu chí xét tuyển áp dụng đối với những số học sinh đã đáp ứng yêu cầu của tiêu chí xét tuyển chung, chứ không phải tổ chức cả kỳ thi với nhiều môn thi đối với 100% học sinh đăng ký vào trường.

Tuy nhiên, qua thực tế triển khai trong những năm qua, có một số trường đã thực hiện việc tuyển sinh chủ yếu dựa vào tổ chức việc “kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh” như một kì thi tuyển sinh dành cho 100% học sinh đăng kí vào trường; vai trò của việc “xét tuyển” trong phương thức kết hợp với “kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh” theo quy định tại Thông tư số 05 chưa được thực hiện thỏa đáng.

Sở GD&ĐT xây dựng bộ tiêu chí xét tuyển

Cũng theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Thông tư số 30 mới ban hành tiếp tục quy định phương thức tuyển sinh THCS là xét tuyển cùng với quy định giao cho các Sở GD&ĐT hướng dẫn cụ thể tiêu chí xét tuyển, bảo đảm thực hiện việc xét tuyển công bằng, khách quan, minh bạch, phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương.

Theo đó, các Sở GD&ĐT phải xây dựng bộ tiêu chí xét tuyển áp dụng cho tất cả các trường; đồng thời có hướng dẫn tiêu chí riêng đối với các trường sau khi thực hiện việc xét tuyển theo tiêu chí chung vẫn có số học sinh đáp ứng yêu cầu nhiều hơn chỉ tiêu nhà trường được giao.

Hàng nghìn học sinh dự thi vào Trường THCS - THPT Nguyễn Tất Thành. (ảnh: Hiếu Duy)

Hàng nghìn học sinh dự thi vào Trường THCS - THPT Nguyễn Tất Thành. (ảnh: Hiếu Duy)

Tiêu chí riêng không chỉ là các yêu cầu trong hồ sơ xét tuyển mà còn cần đánh giá trực tiếp học sinh theo nhiều hình thức khác nhau như: hỏi - đáp, viết, thuyết trình, thực hành, thí nghiệm, hồ sơ học tập, các sản phẩm, hoạt động của học sinh (các hình thức này đã được quy định tại các Thông tư ban hành quy chế đánh giá học sinh của Bộ GD&ĐT) hoặc bài kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh bảo đảm việc tuyển sinh được thực hiện công bằng, công khai, minh bạch, phù hợp với điều kiện thực tiễn như Thông tư 30 đã quy định.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học cũng lưu ý thêm, đối với việc tuyển sinh ở bất kỳ trường THCS nào theo nguyên tắc Thông tư số 30 đều phải thực hiện nhiệm vụ phổ cập trên địa bàn. Đó cũng là căn cứ để các Sở GD&ĐT xây dựng tiêu chí xét tuyển bảo đảm yêu cầu tuyển sinh chính xác, công bằng, công khai và minh bạch.

Hà Linh

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/bo-gddt-ly-giai-vi-sao-tuyt-coi-viec-tuyen-sinh-vao-lop-6-post1708416.tpo
Zalo