Bỏ đèn đếm ngược khác nào 'bẫy' người tham gia giao thông?

Khi đang di chuyển đến nút giao, muốn dừng lại cần có khoảng thời gian nhất định. Nếu không báo hiệu trước khi chuyển tín hiệu đèn thì chẳng khác nào cái bẫy người tham gia giao thông.

Sau bài “Tránh phạt vượt đèn đỏ, có nên lắp đèn đếm ngược tại các nút giao?”, báo VietNamNet nhận được nhiều phản hồi từ độc giả với 2 luồng trái ngược nhau.

Bạn đọc Hải Nam kiến nghị, cơ quan chức năng không nên vì một số người cố tình vọt ga khi đèn xanh còn vài giây mà phải thay đổi cả một hệ thống đèn đếm ngược. Nếu bỏ đèn đếm giây, tài xế sẽ không thể biết khi nào đèn chuyển vàng để mà xử lý, sẽ rất nguy hiểm nếu phanh đột ngột với tình trạng giao thông như ở Việt Nam hiện nay, đặc biệt là tại các thành phố lớn.

Đồng tình với quan điểm này, một bạn đọc cũng cho rằng cần đồng hồ đếm ngược để tài xế chủ động. Đèn xanh mà nhảy vèo sang đèn vàng, xe đi tốc độ 30km/h không phanh kịp. Lúc này, tài xế vẫn bị tính vượt đèn đỏ, chưa kể nếu phanh gấp quá rất dễ gây tai nạn cho xe phía sau. Nếu xảy ra va chạm, xe ở phía sau sẽ bị lỗi không giữ khoảng cách an toàn, mức phạt 20 triệu đồng.

Nhiều người tranh luận về việc có nên bỏ đèn đếm ngược giao thông. Ảnh: Hoàng Hà

Nhiều người tranh luận về việc có nên bỏ đèn đếm ngược giao thông. Ảnh: Hoàng Hà

Nhiều ý kiến khác cũng bày tỏ không nên bỏ hệ thống đèn giao thông đếm ngược bởi hệ thống đèn này giúp người lái xe chủ động về tốc độ.

Đưa ra phân tích, một chuyên gia giao thông cho biết, nghị định NĐ168 quy định người tham gia giao thông đường bộ được đi khi đèn màu xanh. Tín hiệu đèn màu vàng, người tham gia giao thông phải dừng lại trước vạch dừng, trường hợp đang đi trên vạch dừng hoặc đã đi qua vạch dừng mà tín hiệu đèn màu vàng thì được đi tiếp. Như vậy trường hợp tín hiệu đèn màu xanh hoặc đèn màu vàng nhưng đang đi trên vạch dừng hoặc đã đi qua vạch dừng thì được đi tiếp.

Tuy nhiên, với trường hợp tín hiệu đèn màu vàng, người tham gia giao thông phải dừng lại trước vạch dừng. Chúng ta đều biết khi đang di chuyển muốn dừng lại cần phải có một khoảng thời gian nhất định.

“Khi tín hiệu đèn màu xanh chuyển sang đèn màu vàng bắt buộc phải có báo hiệu trước để người tham gia giao thông giảm tốc độ, phanh và dừng trước vạch dừng. Hiện nay chúng ta đang dùng báo hiệu bằng đồng hồ đếm giây, trường hợp bỏ đồng hồ đếm giây thì phải có cách thức báo hiệu khác (ví dụ khi đèn màu xanh nhấp nháy vài giây thì tín hiệu chuyển từ đèn màu xanh sang đèn màu vàng). Nếu không có báo hiệu trước khi chuyển tín hiệu đèn thì chẳng khác nào cái bẫy người tham gia giao thông”, vị này nói.

Tăng thời gian đèn vàng, bỏ đèn đếm ngược

Trái ngược với quan điểm trên, nhiều ý kiến bày tỏ đồng tình ủng hộ bỏ đèn đếm ngược. Độc giả Lê Văn Tuấn thừa nhận ở các nước phát triển không áp dụng đèn đếm ngược. Soi chiếu với hệ thống đèn tín hiệu giao thông ở Việt Nam, anh Tuấn cho rằng cần tăng thêm thời gian cho đèn vàng vì chỉ có 3 giây là không đủ để xe giảm tốc độ và ngừng hẳn.

Vì thế, anh Tuấn kiến nghị cần rà soát lại tất cả các đèn giao thông cho chính xác, CSGT khi thực hiện nhiệm vụ cũng phải đứng ở vị trí thông thoáng để quan sát vi phạm hoặc có dấu hiệu ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm.

Từ thực tế ghi nhận nhiều trường hợp cố tình tăng ga khi đèn xanh còn vài giây tại các giao lộ gây xung đột, thậm chí tai nạn giao thông, do đó, bạn đọc Lê Thoại viết: “Khi có đồng hồ đếm ngược hầu như các tài xế đều tăng ga rất nguy hiểm. Do đó, tôi đồng tình với đề xuất nên bỏ đồng hồ đếm ngược”.

Một lần nữa, TS. Khương Kim Tạo nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia - người đề xuất bỏ đèn đếm ngược bảo lưu quan điểm. Ông cho rằng, không nên dùng đèn đếm ngược tại các nút giao thông mà cần rà soát, điều chỉnh thời lượng đèn vàng tại các nút giao cho phù hợp.

Theo ông Tạo, tại nút giao lắp đặt hệ thống đèn giao thông thông minh sẽ tự động điều chỉnh thời lượng của các pha đèn (xanh, đỏ, vàng) theo tình hình giao thông thực tế nhằm đảm bảo nút giao vận hành an toàn nhất, hiệu quả nhất.

Tốc độ và chiều dài của từng dòng xe đến nút giao là căn cứ để tối ưu hóa thời lượng cho mỗi pha đèn. Việc tối ưu hóa thời lượng của mỗi pha đèn sẽ đảm bảo nút giao được vận hành với khả năng thông hành cao nhất, hạn chế va chạm giao thông tại nút và hỗ trợ người lái xe không bị dính lỗi vượt đèn đỏ.

Các xe đến nút giao có tốc độ khác nhau nên thời gian phanh của các xe cũng khác nhau. Do vậy yêu cầu về thời lượng đèn vàng tương thích tại các giao lộ cũng khác nhau. Thời lượng đèn vàng sẽ tự động điều chỉnh lớn hơn thời gian phanh của các xe tương ứng.

"Việc điều chỉnh thời lượng đèn vàng theo tốc độ của các xe đến nút vừa đảm bảo các xe có thể dừng lại trước vạch dừng khi đèn chưa chuyển từ vàng sang đỏ và tăng khả năng thông hành của nút giao, góp phần giảm tải ùn tắc giao thông”, ông Tạo nói.

N. Huyền

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/bo-den-dem-nguoc-khac-nao-bay-nguoi-tham-gia-giao-thong-2361626.html
Zalo