Bỏ dần tiền mặt

Giao dịch thanh toán không tiền mặt tăng trưởng ấn tượng trong những năm qua và dự báo còn 'bùng nổ' trong thời gian tới, cho thấy người dân đang bỏ dần thói quen sử dụng tiền mặt.

QR Code “len lỏi” khắp nơi

QR Code “len lỏi” khắp nơi

Thay đổi thói quen thanh toán

Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ và đẩy mạnh chuyển đổi số của ngành ngân hàng, người tiêu dùng Việt Nam đã chuyển dần xu hướng thanh toán từ tiền mặt sang thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM).

Theo nghiên cứu của VISA - tập đoàn dịch vụ thẻ thanh toán đa quốc gia, có 56% người dùng Việt tham dự khảo sát cho biết ít mang theo tiền mặt hơn so với năm trước, thể hiện sự chủ động nắm bắt các công nghệ tài chính mới của người tiêu dùng. Đặc biệt, người dùng là khách hàng trẻ Gen X và Gen Y hiện đóng vai trò như thế hệ tiên phong thúc đẩy đà tăng trưởng TTKDTM, với 89% người tham gia khảo sát đã tiếp cận thành công các phương thức thanh toán kỹ thuật số trong đời sống hàng ngày.

Còn theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối năm 2023, số lượng tài khoản thanh toán của cá nhân là hơn 182,88 triệu tài khoản, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm 2022; TTKDTM tăng gần 50% về số lượng so với năm 2022, ngoại trừ qua ATM, các phương thức TTKDTM khác đều tăng trưởng mạnh. Tiếp nối đà tăng trưởng ấn tượng này, trong tháng 1/2024 so với cùng kỳ năm 2023, giao dịch TTKDTM tăng 63,3% về số lượng và 41,45% về giá trị, trong đó qua kênh internet tăng 57,85% về số lượng và 32,43% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng 68,54% về số lượng và 41,12% về giá trị; qua phương thức QR code tăng 892,95% về số lượng và 1.062,01% về giá trị; qua POS tăng 16,87% về số lượng và 13,65% về giá trị; qua ATM giảm 15,14% về số lượng và giảm 18,76% về giá trị.

Cũng trong tháng 1/2024, giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng tăng 6,02% về số lượng và tăng 54,42% về giá trị so với cùng kỳ; qua hệ thống bù trừ, chuyển mạch giao dịch tài chính tăng 51% về số lượng và 34,96% về giá trị.

Điều tích cực là dịch vụ hóa đơn - nơi người dân quen thuộc với cách thanh toán truyền thống bằng tiền mặt - cũng đã có bước chuyển dịch lớn. Nhiều người dân đã chủ động cài đặt tính năng thanh toán tự động qua ứng dụng ngân hàng để thanh toán các hóa đơn cố định hàng tháng như điện, nước, truyền hình, internet..., thay vì chờ đợi nhân viên của nhà cung cấp dịch vụ đến thu tiền tận nhà.

Là đơn vị có hơn 15 năm triển khai thanh toán hóa đơn trên cả 2 nền tảng trực tuyến và trực tiếp, Payoo ghi nhận tỷ lệ thanh toán trực tiếp thường cao gấp 3 lần so với online, nhưng chỉ trong thời gian ngắn gần đây, thanh toán hóa đơn online qua ứng dụng ngân hàng, ví điện tử không những đuổi kịp, mà có lúc còn vượt qua thanh toán trực tiếp.

Tuy nhiên, theo phản ánh của các đơn vị trung gian thanh toán, do chưa có cơ chế tài chính phù hợp nên mức phí mà các đơn vị được thu hộ, nhất là các đơn vị Nhà nước chia sẻ cho các trung gian thanh toán còn khá khiêm tốn. Mức chi phí được chia sẻ trên mỗi giao dịch này chưa đủ bù chi phí vận hành hệ thống nói chung, nên nhiều đơn vị trung gian thanh toán vẫn đang chấp nhận chịu lỗ để xây dựng mạng lưới, mở rộng thị phần.

Nhìn nhận vấn đề này, Payoo đề xuất, các đơn vị nhà nước cần có các chính sách linh hoạt về phí. Chẳng hạn, khoản tiết kiệm có được nhờ cắt giảm các nhân viên thu hộ tận nhà có thể được trích ra một phần để chia sẻ đến các nền tảng thanh toán, hỗ trợ các đơn vị này có được một khoản phí để tái tạo, duy trì dịch vụ và tạo ra sự chuyển dịch nhanh chóng, đồng bộ hơn trong lĩnh vực thanh toán hóa đơn không tiền mặt.

Tiếp tục bùng nổ phương thức thanh toán mới

Nghiên cứu về thái độ thanh toán của người tiêu dùng do VISA thực hiện một lần nữa khẳng định xu hướng phát triển nhanh chóng của giao dịch không tiếp xúc, tương đồng với mức tăng 53% các giao dịch không tiếp xúc được tiến hành thông qua thẻ Visa.

Bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc VISA Việt Nam và Lào

Nghiên cứu từ VISA cho thấy, những xu hướng thanh toán đang định hình nền kinh tế không dùng tiền mặt tại Việt Nam, đồng thời mở ra bước tiến quan trọng, hứa hẹn sẽ mang tới sự chuyển đổi đáng kể cho ngành thanh toán - tài chính trong thời gian tới.

VISA cho biết, Việt Nam nằm trong tốp đầu ở Đông Nam Á về số lượt người dùng mới sử dụng ví điện tử như một phương thức thanh toán yêu thích, góp phần thúc đẩy tăng trưởng tài chính số. Báo cáo cho thấy, hơn 80% người tiêu dùng Việt sử dụng ví điện tử thường xuyên, trong đó phần lớn là thế hệ người dùng Gen X và nhóm tiêu dùng hạng sang. Đồng thời, mua trước trả sau đang ngày một phổ biến rộng rãi và được nhiều người dùng Việt Nam quan tâm nhờ khả năng mang đến những phương án thanh toán linh hoạt.

Với thẻ tín dụng, tuy ít được sử dụng để nạp tiền cho ví điện tử, nhưng lại trở thành lựa chọn ưu tiên hàng đầu cho thanh toán mua trước trả sau tại Việt Nam. Bởi phương thức này dễ sử dụng, nhiều mã giảm giá miễn phí, chương trình điểm thưởng và khả năng theo dõi thanh toán dễ dàng.

Theo bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc VISA Việt Nam và Lào, làn sóng nền kinh tế không dùng tiền mặt tại Việt Nam đang mang đến nhiều tiềm năng tăng trưởng và đổi mới, mở ra cơ hội cho cả người tiêu dùng và doanh nghiệp trong bối cảnh TTKDTM đang thay đổi từng ngày.

“Nghiên cứu về thái độ thanh toán của người tiêu dùng do VISA thực hiện nêu trên một lần nữa khẳng định xu hướng phát triển nhanh chóng của giao dịch không tiếp xúc, tương đồng với mức tăng 53% các giao dịch không tiếp xúc được tiến hành thông qua thẻ Visa. Thêm vào đó, tổng giá trị giao dịch qua thẻ Visa phát hành tại Việt Nam tăng 19%, cùng với sự gia tăng của giá trị giao dịch xuyên biên giới cho thấy hoạt động kinh tế và kết nối đang gia tăng trong khu vực, cũng như triển vọng sắp tới”, bà Dung chia sẻ.

Với xu hướng ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số vào hoạt động ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước đã khuyến khích các tổ chức tín dụng triển khai chuyển đổi số, kết nối, hợp tác với các ngành, lĩnh vực khác nhau để hình thành và mở rộng hệ sinh thái số cung ứng sản phẩm, dịch vụ lấy khách hàng làm trung tâm, cung cấp trải nghiệm giao dịch liền mạch, cá nhân hóa. Đặc biệt, khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách cho hoạt động TTKDTM, hoạt động ngân hàng số tiếp tục được rà soát, bổ sung, hoàn thiện, tạo sự đồng bộ và điều kiện thuận lợi cho phát triển TTKDTM, thúc đẩy hoạt động ngân hàng số, ứng dụng công nghệ mới và đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán.

Ngân hàng Nhà nước khẳng định, sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp tại Đề án Phát triển TTKDTM giai đoạn 2021 - 2025, Kế hoạch Chuyển đổi số ngành ngân hàng và Chiến lược Phát triển các hệ thống thanh toán Việt Nam đến năm 2030.

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng cho biết, phát triển TTKDTM, phổ cập tài chính toàn diện, thúc đẩy thị trường thanh toán điện tử nhằm đáp ứng tốt nhu cầu ngày càng tăng của người dân và doanh nghiệp là một nhiệm vụ quan trọng của ngành ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước đã chủ động nghiên cứu, ban hành, trình ban hành nhiều quy định phù hợp nhằm thúc đẩy TTKDTM như kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng, tiêu chuẩn kỹ thuật QR code, thẻ chip, chuẩn hóa tính liên thông trong ngành ngân hàng, giữa ngân hàng với các lĩnh vực khác...

Các ngân hàng được khuyến khích nghiên cứu, đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng công nghệ, giải pháp kỹ thuật, kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia và các lĩnh vực khác trong nền kinh tế, thiết lập hệ sinh thái số để có các sản phẩm an toàn, nâng cao trải nghiệm khách hàng, đem lại lợi ích lớn cho khách hàng. Đồng thời, tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn và bảo mật hoạt động thanh toán, ngân hàng, phối hợp xử lý tội phạm công nghệ cao, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bên trong TTKDTM.

Quỳnh Nguyễn / Theo Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng Việt Nam 2024

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/bo-dan-tien-mat-post347234.html
Zalo