Xây dựng thế trận phòng không nhân dân hiệu quả, bảo vệ đất nước từ sớm, từ xa

Sáng 27/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng không nhân dân (PKND).

Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Dương Khắc Mai (Đắk Nông) cho rằng, lịch sử dân tộc Việt Nam đã trải qua hàng ngàn năm chiến tranh chống kẻ thù xâm lược. Mỗi giai đoạn lịch sử đều xuất hiện những phương pháp, cách thức tiến hành chiến tranh riêng biệt. Đặc biệt, trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân và chống đế quốc đã xuất hiện một loại hình chiến tranh mới, đó là phương tiện chiến tranh đường không.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung thảo luận.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung thảo luận.

"Với cách đánh sáng tạo, kiên cường, các lực lượng của ta đã làm thất bại hoàn toàn cuộc chiến tranh đường không của địch. Góp phần vào chiến thắng ấy có lực lượng PKND", ông đánh giá và cho rằng, ngày nay với nền khoa học công nghệ phát triển như vũ bão, đã xuất hiện những phương tiện chiến tranh mới nguy hiểm, đặc biệt về đường không. Để bảo vệ đất nước từ sớm, từ xa trong cục diện mới, nếu có chiến tranh xảy ra thì việc xây dựng Luật PKND là cần thiết.

ĐBQH Ngô Trung Thành (Đắk Lắk) nhận định, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ đã và sẽ cho ra đời nhiều loại vũ khí tiến công đường không hiện đại, độ chính xác cao, trong đó đặc biệt có máy bay không người lái với số lượng lớn, giá rẻ vừa tác chiến diện rộng, vừa có thể tấn công được mục tiêu rất nhỏ như xe tăng, xe thiết giáp..., thậm chí là các mục tiêu nằm sâu trong nội địa của đối phương. "Như vậy, trong tương lai, nếu có chiến tranh xảy ra, khu vực không gian tầm thấp chắc chắn sẽ là chiến trường nhộn nhịp không thua kém vùng chiến địa dưới mặt đất", đại biểu nêu quan điểm.

ĐBQH Dương Khắc Mai thảo luận tại hội trường.

ĐBQH Dương Khắc Mai thảo luận tại hội trường.

Từ đó ông cho rằng, đối với nước ta, với mục tiêu xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân thì vai trò của PKND trong tham gia chiến đấu với lực lượng phòng không quốc gia, phòng không lục quân để ngăn ngừa đánh địch ở khu vực không gian tầm thấp là hết sức quan trọng. "Chúng ta cần phải có chính sách, thể chế hoàn thiện để xây dựng tổ chức hiệu quả thế trận PKND, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới", ông bổ sung thêm.

Đề cập khái niệm tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ quy định tài khoản 6 và khoản 7, Điều 2 dự thảo luật, ĐBQH Nguyễn Hải Anh (Đồng Tháp) đề nghị rà soát, tham chiếu các khái niệm của quốc tế và một số khái niệm đã được quy định tại các văn bản của Chính phủ để đảm bảo sự thống nhất; phân định rõ về khái niệm và cách hiểu, cũng như khi triển khai thực hiện.

ĐBQH Nguyễn Minh Tâm góp ý tại phiên thảo luận.

ĐBQH Nguyễn Minh Tâm góp ý tại phiên thảo luận.

Đồng thời, đảm bảo bao quát, đầy đủ và phù hợp với tính đa dạng của các loại phương tiện này, cũng như dự liệu được sự phát triển mạnh mẽ của các loại phương tiện này trong tương lai, nhất là trong ứng dụng đối với các hoạt động kinh tế - xã hội. Ông cũng đề nghị nghiên cứu bổ sung một số nội hàm để hai khái niệm này được đầy đủ hơn, bao gồm tính năng vận hành của phương tiện, tự điều khiển bằng hệ thống máy tính lắp sẵn trên phương tiện hoặc được điều khiển từ xa...

Quan tâm đến thiết kế, sửa chữa, bảo dưỡng, thử nghiệm kinh doanh tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ (khoản 4, Điều 28), ĐBQH Nguyễn Thị Lan Anh (Lào Cai) đề nghị làm rõ nội hàm của "kinh doanh" tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ; đồng thời, việc quy định "thiết kế, sửa chữa, bảo dưỡng, thử nghiệm" có thuộc nội hàm của "kinh doanh" không? Cùng với đó, làm rõ mối quan hệ giữa Bộ Quốc phòng, Bộ Công an trong cấp giấy chứng nhận cho cơ sở thiết kế, sửa chữa, bảo dưỡng, thử nghiệm, kinh doanh tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ để đảm bảo thống nhất trong quản lý Nhà nước theo quy định của pháp luật, tránh chồng chéo giữa các bộ.

Bộ trưởng Phan Văn Giang phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề ĐBQH nêu.

Bộ trưởng Phan Văn Giang phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề ĐBQH nêu.

Cũng thảo luận vấn đề này, ĐBQH Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) đề nghị bổ sung "và Bộ Công an" vào sau cụm từ "theo quy định của Bộ Quốc phòng" để tương thích với thẩm quyền của Bộ Công an được quy định tại khoản 3 Điều 28. "Theo đó, Bộ Công an có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận kinh doanh cho các cơ quan thuộc thẩm quyền quản lý. Vì vậy, việc tổ chức, cá nhân khi thử nghiệm thực tế tính năng bay của tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ phải tuân thủ các quy định của Bộ Công an là cần thiết và phù hợp", bà lý giải.

Quỳnh Vinh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/xay-dung-the-tran-phong-khong-nhan-dan-hieu-qua-bao-ve-dat-nuoc-tu-som-tu-xa-i735640/
Zalo