Bộ Công Thương: Chuyển đổi tư duy xây dựng và thi hành pháp luật
Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị liên quan tập trung thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư về chuyển đổi tư duy trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật.
Xây dựng chương trình pháp luật bám sát '2 yêu cầu', '3 bảo đảm'
Bộ Công Thương vừa ban hành công văn số 10839/BCT-VP thông báo ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc quán triệt, triển khai thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư Tô Lâm về chuyển đổi tư duy trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật.
Công văn nêu rõ, xét đề nghị của Vụ Pháp chế tại Báo cáo số 3272/PC-TH ngày 18/12/2024 về nội dung hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2024, nhằm quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc kết luận của Tổng Bí thư Tô Lâm về chuyển đổi tư duy trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật tại Thông báo số 108-TB/VPTW ngày 18/11/2024 của Văn phòng Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao tập trung, thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao.
Trong đó, Vụ Pháp chế, phổ biến, quán triệt đến cấp ủy, lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ có chức năng, nhiệm vụ liên quan đến xây dựng pháp luật toàn văn nội dung chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về chuyển đổi tư duy trong xây dựng và thi hành pháp luật, trọng tâm vào 3 nội dung như: Thứ nhất, việc xây dựng Chương trình pháp luật hàng năm cần bám sát '2 yêu cầu', đồng thời phải thực hiện đủ '3 bảo đảm'; Thứ hai, Phải “coi việc lãnh đạo thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng thành pháp luật và lãnh đạo công tác thi hành pháp luật để bảo đảm thượng tôn Hiến pháp, pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của các cấp ủy, tổ chức đảng, của mỗi đảng viên”.
Thứ ba, thường xuyên đánh giá hiệu quả pháp luật sau ban hành, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và xây dựng cơ chế hữu hiệu để chủ động phát hiện, tháo gỡ nhanh nhất những điểm nghẽn có nguyên nhân từ các quy định của pháp luật. Căn cứ các quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư và yêu cầu thực tiễn của ngành Công Thương để hoàn thiện, trình Ban cán sự đảng, Bộ trưởng quyết định ban hành Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Công Thương năm 2025 và các Chương trình công tác năm 2025 có liên quan khác.
Phát triển nguồn nhân lực làm công tác xây dựng pháp luật
Công văn của Bộ Công Thương cũng yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương bám sát chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật. Ngoài ra, quán triệt việc thực hiện các nội dung như: Phát triển nguồn nhân lực làm công tác tham mưu xây dựng pháp luật. Tăng nguồn lực đầu tư, có cơ chế tài chính đặc thù cho công tác nghiên cứu chính sách, xây dựng pháp luật, đáp ứng nhiệm vụ chính trị ngày càng cao trong kỷ nguyên mới; hiện đại hóa môi trường và điều kiện làm việc để đội ngũ cán bộ, công chức tham mưu xây dựng pháp luật yên tâm công tác, tận tụy cống hiến cho sự nghiệp chung. Nghiên cứu, đề xuất cơ chế phù hợp thu hút nhân lực chất lượng cao cho công tác xây dựng.
Xử lý các vấn đề pháp lý phát sinh trong quá trình hội nhập quốc tế, trong đó chú trọng “Nâng cao vai trò của Bộ, ngành Tư pháp trong tham gia xây dựng thể chế và pháp luật về quốc tế, nâng cao trách nhiệm phòng ngừa, giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế, xử lý hiệu quả các vấn đề pháp lý phát sinh trong quá trình hội nhập quốc tế, kịp thời bảo vệ lợi ích quốc gia – dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của cá nhân, tổ chức, cơ quan nhà nước Việt Nam”.
Công văn chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng yêu cầu Vụ Kế hoạch – Tài chính tham mưu cho lãnh đạo Bộ Công Thương, xem xét, bố trí nguồn nhân lực đầy đủ, tương xứng cho công tác xây dựng pháp luật, công tác pháp chế ở tất cả các đơn vị trong Bộ và nhất là cho các Đề án về công tác pháp chế đã được Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt, ban hành.
Chi tiết văn bản xem tại đây!