Bộ Công Thương: 'Sẽ phát triển điện hạt nhân quy mô nhỏ trên cả nước, không chỉ tại Ninh Thuận'

Bộ trưởng Bộ Công Thương khẳng định: Việt Nam sẽ phát triển hạt nhân tập trung, hạt nhân quy mô nhỏ trên phạm vi cả nước.

Tại cuộc họp tham vấn ý kiến Hội đồng thẩm định đề án điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) diễn ra vào tối 12/2, ông Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết: Việt Nam đã xác định mục tiêu đưa tăng trưởng kinh tế đạt mức tối thiểu 8% vào năm 2025, phấn đấu tăng trưởng hai con số vào những năm tiếp theo.

Đến năm 2030, Việt Nam phải hoàn thành mục tiêu phát triển quy mô gấp 2,5 - 3 lần công suất điện hiện tại, tiến tới quy mô gấp 5 - 7 lần vào năm 2050.

 Ông Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công Thương. (Ảnh: CT)

Ông Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công Thương. (Ảnh: CT)

Để thực hiện các mục tiêu này, tăng trưởng năng lượng phải đồng bộ với quy mô kinh tế, đồng thời đáp ứng cam kết quốc tế về trung hòa carbon vào năm 2050. Điều này đòi hỏi phải nhanh chóng điều chỉnh Quy hoạch điện VIII, dù mới được phê duyệt vào năm 2023 để phù hợp với nhu cầu tăng trưởng mạnh và xu hướng chuyển dịch năng lượng sạch.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo tối đa hóa tiềm năng năng lượng tái tạo, bao gồm điện gió trên bờ, điện gió ngoài khơi, điện mặt trời tập trung và điện mặt trời áp mái. Bên cạnh đó, cần phát triển hợp lý các nguồn năng lượng nền như điện khí hóa lỏng và từng bước khôi phục, phát triển điện hạt nhân để đảm bảo nguồn cung điện ổn định, sạch và bền vững.

3 mục tiêu chính của Quy hoạch điện VIII được xác định rõ ràng: Đáp ứng nhu cầu phụ tải trong nước theo từng vùng miền, thúc đẩy mua bán điện trực tiếp và xuất khẩu điện sạch sang các nước lân cận. Hiện Việt Nam đã ký kết một số hợp đồng xuất khẩu điện với Singapore và Malaysia, tạo tiền đề cho việc mở rộng thị trường năng lượng sạch trong khu vực.

Cũng theo Bộ trưởng, Bộ Công Thương thống nhất phát triển tối đa tiềm năng của năng lượng tái tạo, tuy nhiên cũng phải tính đến tiềm năng và lợi thế ở vùng nào, miền nào tốt nhất để phát triển.

Về thủy điện và thủy điện tích năng, Bộ trưởng đề nghị khai thác triệt để, tối đa nguồn này vì vừa là năng lượng sạch, vừa là nguồn điện nền.

Về điện sinh khối, Bộ trưởng lưu ý cần phải theo tiêu chí 15 MW/triệu dân. Ngoài ra, nếu sử dụng những nguyên liệu từ rừng trồng hay phế thải, rác thải công nghiệp hay rác thải sinh hoạt phải tính theo định mức. Đặc biệt chú ý phát triển năng lượng mới. Điện, khí bao gồm cả khí tự nhiên trong nước và khí hóa lỏng và điện hạt nhân.

“Chúng ta sẽ phát triển hạt nhân tập trung, hạt nhân quy mô nhỏ trên phạm vi cả nước. Vì thế trong quy hoạch lần này đề nghị là đến năm 2030 cũng phải xác định không phải chỉ là Ninh Thuận mà ít nhất phải có 3 trong 8 điểm đã được xác định có thể xây dựng nhà máy điện hạt nhân”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Ngoài ra, Bộ trưởng cũng đồng tình với việc một số mỏ khí tự nhiên trong nước chậm tiến độ vẫn có thể đầu tư bình thường theo kế hoạch và sử dụng giai đoạn đầu là khí hóa lỏng. Như vậy mới bảo đảm được an ninh năng lượng và nguồn điện nền. Đồng thời cũng cần chú trọng nguồn điện qua pin lưu trữ.

Về truyền tải, Bộ trưởng đề nghị trong Quy hoạch điện VIII điều chỉnh phải áp dụng lưới điện thông minh và triển khai rộng rãi. Bên cạnh đó, truyền tải liên miền phải tính đến phương án cáp ngầm, kể cả ngầm trên bờ và ngầm dưới nước, dưới đáy đại dương.

Về giải pháp, Bộ trưởng đồng tình với những ý kiến của các thành viên phản biện nêu. Đồng thời, khẳng định tiến tới thị trường điện cạnh tranh cả ba cấp độ: Phát điện cạnh tranh, bán buôn điện cạnh tranh và bán lẻ điện cạnh tranh, có giá điện hai thành phần trong đó có cả giá mua và giá bán. Cũng như xác định khung giá theo giờ; xác định rõ khung giá cho tất cả các loại hình điện năng, kể cả những cái đã có và những cái chưa có.

Bộ trưởng cũng đề nghị Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam phải đề xuất ngay lập tức giá điện, thủy điện tích năng. Đồng thời, Bộ trưởng đề nghị khẩn trương tách bạch được giá truyền tải ra khỏi cái giá thành điện năng theo hướng thị trường, tính đúng, tính đủ, tính hết chi phí của giá truyền tải.

“Như vậy mới có thể huy động được nguồn lực xã hội hóa trong lĩnh vực truyền tải, kể cả truyền tải liên miền và truyền tải nội miền. Đặc biệt cần phải có cơ chế đặc thù cho từng loại hình điện năng, nhất là nguồn điện nền và nguồn năng lượng mới”, Bộ trưởng nêu rõ.

Định Trần

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/bo-cong-thuong-se-phat-trien-dien-hat-nhan-quy-mo-nho-tren-ca-nuoc-khong-chi-tai-ninh-thuan-post334255.html
Zalo