Bộ Công Thương: Dồn lực cho sửa chữa hệ thống, khôi phục cung cấp điện
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương, các đơn vị thuộc Bộ, NSMO và toàn ngành điện đang tập trung sửa chữa, khôi phục nhanh nhất hệ thống điện, bảo đảm cấp điện cho sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân. Trong đó, ưu tiên bảo đảm cấp điện cho bệnh viện, cơ sở y tế, các hoạt động sản xuất quan trọng trong vùng bị ảnh hưởng.
Chủ động chuẩn bị phương án, triển khai nhiều biện pháp dự phòng
Trước thông tin về diễn biến phức tạp, nghiêm trọng của bão số 3 Yagi, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 88/CĐ-TTg ngày 6/9/2024 về việc tập trung ứng phó bão số 3 và mưa lũ sau bão, Bộ Công Thương đã chủ động chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Bộ và toàn ngành Công Thương, phối hợp với các địa phương và các đơn vị liên quan để chuẩn bị sẵn sàng phương án ứng phó với bão, đặc biệt là trong lĩnh vực điện lực.
Sáng 6/9, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì cuộc họp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện và thị trường điện Quốc gia (NSMO) và các đơn vị thuộc Bộ về công tác ứng phó với bão số 3. Trước diễn biến phức tạp của cơn bão và hoàn lưu bão, ngay chiều 6/9, Thứ trưởng Trương Thanh Hoài đã đến kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó với cơn bão số 3 tại NSMO.
Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ, trước khi bão số 3 đổ bộ, NSMO đã triển khai nhiều biện pháp dự phòng để đảm bảo hệ thống điện vận hành ổn định nhất có thể, như: sẵn sàng phương án ứng phó, xử lý đối với việc vận hành hệ thống điện tách đôi, cũng như tình huống mất điện tại khu vực Đông Bắc Bộ do ảnh hưởng của bão lớn. Đồng thời, tổ chức họp khẩn cấp để quán triệt phương án ứng phó, phối hợp xử lý nhuần nhuyễn nhất không chỉ trong nội bộ NSMO mà còn với EVN và các đơn vị khác.
"Bên cạnh việc triển khai thử nghiệm chuyển trung tâm điều khiển sang trung tâm dự phòng để bảo đảm sẵn sàng ứng phó nếu trụ sở chính xảy ra sự cố, NSMO đã tăng cường lực lượng nhân viên vận hành hỗ trợ, lãnh đạo các phòng, lãnh đạo cơ quan xuyên suốt trong thời gian bão để hỗ trợ xử lý sự cố trong những trường hợp cần thiết", đại diện NSMO cho biết.
EVN đã yêu cầu các nhà máy điện tăng cường công tác bảo vệ hạ tầng, đồng thời đảm bảo cung cấp điện tại các khu vực trọng yếu như bệnh viện, cơ quan chính phủ và khu dân cư. Các đội công tác được triển khai tại các khu vực trọng điểm để kịp thời xử lý các sự cố phát sinh. Việc phân bổ nguồn điện dự phòng và điều chỉnh phụ tải được thực hiện để đảm bảo an toàn cho hệ thống điện quốc gia cả trước, trong và sau cơn bão.
Nỗ lực khôi phục cấp điện
Trong thời gian bão Yagi diễn ra, Bộ Công Thương đã khẩn trương triển khai các biện pháp nhằm giảm thiểu tối đa ảnh hưởng tới hệ thống điện, trong đó có việc chỉ đạo Công ty NSMO thực hiện nhiều biện pháp để hạn chế nhất ảnh hưởng của bão đến vận hành an toàn hệ thống điện và đảm bảo khôi phục cấp điện trở lại cho người dân một cách nhanh nhất.
Các biện pháp khẩn cấp đã được thực hiện để bảo vệ các cơ sở hạ tầng quan trọng, đảm bảo an toàn cho nhân viên vận hành và người dân.
Dù vậy, ảnh hưởng của cơn bão vẫn là quá nặng nề. Thống kê cho thấy, bão số 3 gây sự cố cho 23 tổ máy nhiệt điện than với tổng công suất khoảng 7.200MW, 13 sự cố lưới điện 500kV, 44 sự cố lưới điện 220kV, tập trung chủ yếu khu vực Quảng Ninh, Hải Phòng - 2 địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão.
Sau khi bão suy yếu, ưu tiên hàng đầu mà Bộ Công Thương quán triệt là khôi phục cấp điện cho người dân một cách nhanh chóng, đảm bảo điều kiện vận hành an toàn hệ thống điện.
Việc đánh giá mức độ ảnh hưởng đến hệ thống điện đã được tiến hành ngay lập tức sau khi điều kiện thời tiết đảm bảo an toàn. Lực lượng kỹ thuật cùng với các lực lượng xung kích tình nguyện đã nhanh chóng được triển khai để hòa lưới lại các tổ máy và khắc phục các sự cố trên lưới điện khi đã đảm bảo các điều kiện kỹ thuật.
Sự đồng lòng quyết tâm của các lực lượng kỹ thuật khôi phục cấp điện lại cho các khu vực một cách đồng thời đã giúp rất nhiều địa phương có điện trở lại chỉ sau nửa ngày đến 1 ngày từ khi bão đi qua. Đường dây 220kV Thái Bình - Đồng Hòa - Vật Cách - Tràng Bạch đã nhanh chóng đóng điện lại để khôi phục lưới điện và các nhà máy khu vực Hải Phòng, Quảng Ninh.
Thống kê sơ bộ cho thấy, tính đến hết ngày 10/9, đã khôi phục được khoảng 4.400/7.225 MW các tổ máy bị sự cố (tương đương với 61% công suất sự cố), 11/13 phần tử trên lưới điện 500kV, 40/44 phân tử trên lưới điện 220kV, phụ tải điện đã được khôi phục trên 90%.
Trong đó, tại TP. Hà Nội, đến nay toàn bộ 100% các khách hàng bị gián đoạn cung cấp điện do ảnh hưởng bão số 3 đã được khôi phục cung cấp điện, theo thông tin từ Tổng Công ty Điện lực TP Hà Nội. Một số tỉnh như Thái Bình, Nam Định, Bắc Ninh, Hưng Yên cũng đã khôi phục gần như toàn bộ phụ tải phục vụ sản xuất và dân sinh.
Tại Quảng Ninh, đã khôi phục 40-45% phụ tải sự cố toàn tỉnh, đặc biệt đã cơ bản khôi phục cung cấp điện cho các phụ tải quan trọng toàn tỉnh (bệnh viện, thông tin liên lạc, cấp nước sạch…).
NSMO cho biết, tính đến thời điểm hiện tại công suất đỉnh phụ tải miền Bắc đạt khoảng 19.000MW, gần tương đương các ngày thời tiết bình thường có cùng nền nhiệt độ trước bão.
Tiếp tục đối diện thách thức từ mưa lũ
Từ ngày 9/9, hoàn lưu bão số 3 gây mưa lớn, dẫn đến đổ cột, hư hỏng nhiều thiết bị điện trên lưới điện, ngập lụt diện rộng nhiều tỉnh/thành phố (Thái Nguyên, Yên Bái, Bắc Kạn, Lào Cai, Lạng Sơn, Tuyên Quang,…) vì vậy vẫn còn một bộ phận khách hàng vẫn đang gián đoạn cung cấp điện trong điều kiện bất khả kháng.
Diễn biến thời tiết khó lường cùng tình hình mưa lớn trên diện rộng ở Bắc Bộ dẫn đến lũ lụt ở các tỉnh miền núi và trung du Bắc Bộ, gây thiệt hại to lớn về tính mạng, tài sản, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của người dân và gây khó khăn cho hoạt động khắc phục sự cố.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương, các đơn vị thuộc Bộ, NSMO và toàn ngành điện đang tập trung sửa chữa, khôi phục nhanh nhất hệ thống điện, bảo đảm cấp điện cho sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân. Trong đó, ưu tiên bảo đảm cấp điện cho bệnh viện, cơ sở y tế, các hoạt động sản xuất quan trọng trong vùng bị ảnh hưởng.