Ngành điện miền Nam đưa vào vận hành loạt công trình điện trọng điểm
Ngành điện miền Nam đóng điện và đưa vào vận hành 8 công trình lưới điện 110kV cấp bách, trọng điểm trên địa bàn các tỉnh phía Nam phục vụ phát triển kinh tế.
Nhằm đảm bảo cung cấp điện ổn định, an toàn, đáp ứng nhu cầu phát triển phụ tải của các địa phương, Tổng công ty Điện lực miền Nam đã và đang dành nhiều nguồn lực để đầu tư xây dựng hàng chục công trình lưới điện. Qua đó, đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư và đời sống người dân trên địa bàn 21 tỉnh, thành phố phía Nam.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, đại diện Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) cho biết, trong quá trình triển khai các dự án, gặp rất nhiều khó khăn, thách thức như điều kiện thời tiết bất lợi, việc thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng kéo dài; đặc biệt là các vướng mắc công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng… Tuy nhiên, với sự chỉ đạo sát sao, tinh thần làm việc không có ngày nghỉ của lãnh đạo Tổng công ty Điện lực miền Nam và các đơn vị thành viên; cùng với sự nỗ lực của cán bộ, công nhân viên làm công tác đầu tư xây dựng trong toàn ngành điện, các nhà thầu trong việc tổ chức lao động hợp lý, tăng ca, tăng kíp và sự hỗ trợ của chính quyền các địa phương, nhiều công trình điện đã triển khai đạt và vượt tiến độ đề ra, đóng điện thành công, đi vào vận hành.
Theo đó, từ ngày 21/10 đến 31/10/2024, Tổng công ty Điện lực miền Nam đã đóng điện thành công và đưa vào vận hành 8 công trình lưới điện 110 kV cấp bách, trọng điểm trên địa bàn các tỉnh như: Long An, Bình Thuận, Ninh Thuận, Trà Vinh, Lâm Đồng, An Giang, Sóc Trăng và Đồng Nai. Qua đó, góp phần quan trọng đảm bảo cung cấp điện ổn định, an toàn, đáp ứng nhu cầu phát triển phụ tải của các địa phương.
Riêng trong 3 ngày cuối tháng 10 năm 2024 (từ 29-31/10/2024), Tổng công ty Điện lực miền Nam đã đóng điện thành công, đưa vào vận hành 4 công trình lưới điện trọng điểm, cấp bách, góp phần quan trọng trong việc nâng cao độ tin cậy cung cấp điện trên địa bàn.
Cụ thể, ngày 31/10/2024, công trình Lộ ra 110 kV Trạm biến áp 220 kV Bến Lức (tỉnh Long An), tổng vốn đầu tư hơn 94 tỷ đồng, được đóng điện thành công. Đây là một trong những dự án quan trọng nhằm đảm bảo cung cấp điện ổn định và tăng cường năng lực truyền tải điện cho khu vực Bến Lức và các vùng lân cận, đặc biệt là trong bối cảnh nhu cầu sử dụng điện trên địa bàn bàn tỉnh Long An ngày càng tăng cao.
Công trình khi đi vào vận hành sẽ chống quá tải cho Trạm biến áp 220 kV Long An và Phú Lâm; thực hiện cấp điện cho các trạm 110 kV trên địa bàn huyện Bến Lức như: Chungshing, Formosa, các Khu công nghiệp Phú An Thạnh, Bến Lức, Rạch Chanh và Long Hiệp. Đồng thời, giảm thiểu nguy cơ quá tải điện trong các tháng cao điểm mùa khô và nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư của tỉnh Long An.
Cũng trong ngày 31/10, Điện lực miền Nam đã đóng điện thành công dự án “Đường dây 110 kV đấu nối sau trạm biến áp 220 kV Vĩnh Hảo, tỉnh Bình Thuận”. Dự án có tổng mức đầu tư gần 14 tỷ đồng, khi đi vào vận hành, sẽ góp phần giải tỏa các nhà máy điện năng lượng tái tạo trong khu vực.
Đồng thời, tăng cường nguồn cung cấp điện từ Trạm biến áp 220 kV Vĩnh Hảo cho khu vực tỉnh Bình Thuận, đảm bảo nhu cầu phát triển phụ tải điện và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; đáp ứng nhu cầu cấp điện trong khu vực theo tiêu chí N-1 (đáp ứng các tiêu chuẩn vận hành, giới hạn vận hành cho phép và cung cấp điện an toàn, liên tục khi có sự cố một phần tử xảy ra trong hệ thống điện…).
Trước đó, ngày 30/10/2024, tại tỉnh Ninh Thuận, ngành điện miền Nam đóng điện thành công, đưa vào vận hành công trình Trạm biến áp 110 kV khu công nghiệp Du Long và đường dây đấu nối. Công trình có tổng mức đầu tư 91 tỷ đồng, có quy mô đầu tư 2 máy biến áp với dung lượng 2x40 MVA, giai đoạn này lắp 1 máy biến áp 1x40 MVA, dự trù quy mô công suất 2x63 MVA trong tương lai.
Công trình đưa vào vận hành đảm bảo tăng cường cấp điện cho phụ tải tập trung của Khu công nghiệp Du Long, các phụ tải quan trọng huyện Thuận Bắc như: Nhà máy Xi măng Luks, khu du lịch biển Bình Tiên, khu du lịch Vĩnh Hy và phụ tải khu vực lân cận huyện Thuận Bắc. Đồng thời, góp phần chống quá tải các Trạm biến áp 110 kV Ninh Hải, Tháp Chàm hiện hữu, hoàn thiện kết lưới 110 kV, giảm tổn thất điện năng, nâng cao độ tin cậy và an toàn cung cấp điện cho khu vực.
Ngày 29/10/2024, Công ty Điện lực Trà Vinh cũng đóng điện thành công đưa vào vận hành máy biến áp số 2 Trạm biến áp 110 kV Cầu Ngang (tỉnh Trà Vinh) thuộc công trình “Lắp máy biến áp T2-40 MVA trạm biến áp 110 kV Cầu Ngang”, vượt tiến độ 2 tháng so với kế hoạch. Công trình có tổng mức đầu tư gần 24 tỷ đồng. “Mặc dù thi công trong điều kiện thời tiết không thuận lợi, song với sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Tổng công ty, sự nỗ lực, trách nhiệm cao, phối hợp tốt giữa Công ty Điện lực Trà Vinh cùng các đơn vị liên quan, dự án đã về đích vượt tiến độ 2 tháng” - đại diện Tổng công ty Điện lực miền Nam nhấn mạnh.
Việc đưa vào vận hành máy biến áp số 2, Trạm biến áp 110 kV Cầu Ngang hoàn thành có ý nghĩa quan trọng, tăng độ linh hoạt trong vận hành nhờ vào việc chuyển tải qua lại giữa các MBA trong trạm 110 kV Cầu Ngang nói riêng và các trạm 110 kV khu vực nói chung.
Cùng với đó, đáp ứng nhu cầu phụ tải khu vực huyện Cầu Ngang; hỗ trợ truyền tải công suất từ trạm 220 kV Trà Vinh 2 đến trạm biến áp 110 kV Cầu Ngang; nhu cầu phụ tải phát triển mạnh của huyện Cầu Ngang. Đồng thời giảm tổn thất điện năng qua đó cải thiện chất lượng điện áp, nâng cao độ tin cậy cấp điện cho khu vực theo tiêu chí N-1.
Ngoài các công trình lưới điện nêu trên, Tổng công ty Điện lực miền Nam cũng cho biết, từ ngày 21/10 - 28/10/2024, đơn vị cũng đã đóng điện thành công và đưa vào vận hành 4 công trình lưới điện 110 kV trên địa bàn các tỉnh như: Lâm Đồng, Sóc Trăng, An Giang, Đồng Nai, gồm: Trạm biến áp 110 kV Xuân Thọ và đường dây 110 kV đấu nối; Công trình “Phân pha dây dẫn Đường dây 110 kV 2 mạch Sóc Trăng 2 - Sóc Trăng từ AC240 thành 2xAC240”; Công trình "Cải tạo Trạm biến áp 110kV Long Xuyên"; Công trình lộ ra 110 kV trạm 220 kV An Phước.
Theo ghi nhận, ngoài các dự án đã đóng điện, đưa vào vận hành, ngành điện cũng đang triển khai hàng chục công trình trên lưới điện 110 kV trên địa bàn 21 tỉnh, thành phố phía Nam. Đây đều là các dự án điện trọng điểm, cấp bách nhằm đáp ứng nhu cầu tăng trưởng phụ tải của các địa phương.
Tuy nhiên, hiện nhiều dự án vẫn gặp khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Đáng chú ý, có nhiều dự án theo kế hoạch đóng điện trong năm 2024, thời gian còn lại rất ngắn nhưng hiện nhiều vị trí trụ vẫn chưa có mặt bằng để thi công.
Có thể khẳng định, việc đóng điện thành công, đưa vào các công trình điện đúng tiến độ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu tăng trưởng phụ tải của các địa phương, nâng cao chất lượng điện năng và đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng sử dụng điện.
Nếu các dự án chậm tiến độ, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến công tác cung ứng điện. Do đó, Tổng công ty Điện lực miền Nam mong nhận được sự hỗ trợ, đồng hành của chính quyền các địa phương 21 tỉnh, thành phố phía Nam trong công tác đầu tư xây dựng các dự án điện. Đặc biệt là vào cuộc quyết liệt trong việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để cùng ngành điện đưa các dự án về đích đúng tiến độ.
Trong 10 tháng đầu năm 2024, Tổng công ty Điện lực miền Nam đã khởi công 34 công trình và đóng điện 25 công trình lưới điện 110 kV. Qua đó, góp phần đảm bảo cung cấp điện an toàn, tin cậy, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư và đời sống nhân dân trên địa bàn 21 tỉnh, thành phố phía Nam.