Bộ Công Thương: Chống lãng phí, khơi thông nguồn lực phát triển

là chủ đề của Diễn đàn do Báo Công Thương tổ chức sáng 23/12, tại Hà Nội.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu khai mạc.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu khai mạc.

Chủ động triển khai nhiều giải pháp chống lãng phí

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều Nghị quyết, Chỉ thị về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và thực hiện, cụ thể hóa những quan điểm này bằng các pháp lệnh, luật thực hiện hiện chống lãng phí.

Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, công tác tiết kiệm, chống lãng phí đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần tiết kiệm nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân.

Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cũng thông tin, là một bộ kinh tế đa ngành, Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo và các công chức viên chức của Bộ Công Thương không chỉ bám sát và tuân thủ những chỉ đạo của Trung ương về phát triển kinh tế ngành, mà còn nhận thức sâu sắc về quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác tiết kiệm, phòng chống lãng phí; coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục và có ý nghĩa hết sức quan trọng của ngành để nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành, góp phần tạo nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội.

Ngành Công Thương chiếm tỷ trọng rất lớn của nền kinh tế nên nếu ngành làm tốt nhiệm vụ tiết kiệm, chống lãng phí, sẽ tạo nguồn lực khơi thông cho phát triển kinh tế đất nước.

Quang cảnh Diễn đàn.

Quang cảnh Diễn đàn.

Hàng năm, Bộ Công Thương đều ban hành và triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Trong đó chỉ đạo các đơn vị trong Bộ, doanh nghiệp trong ngành quán triệt và triển khai thực hiện, đồng thời đẩy mạnh truyền thông nâng cao ý thức của cán bộ, công chức, viên chức người lao động trong công tác tiết kiệm, phòng chống lãng phí.

Đặc biệt, năm 2024, dưới sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp kịp thời, hiệu quả của các Ban, Bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các địa phương, ngành Công Thương đã chủ động, tích cực triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các giải pháp theo chức năng, nhiệm vụ được giao và đã đạt nhiều kết quả tích cực, toàn diện trên các mặt công tác.

“Năm 2024, Bộ cũng đã chủ động, quyết liệt “tinh, gọn, mạnh” bộ máy theo tinh thần tổng kết Nghị quyết 18, đề xuất tinh giản gần 18% số đầu mối đơn vị thuộc Bộ và tinh gọn mạnh bộ máy hoạt động từ bên trong”, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nêu rõ.

Tinh thần chống lãng phí giúp doanh nghiệp linh hoạt hơn trong triển khai các hoạt động

Tham luận tại Diễn đàn, PGS.TS Lê Hải Bình, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản nhấn mạnh, trong lịch sử đất nước chúng ta, triều đại nào biết tiết kiệm thì triều đại đó phát triển, hưng thịnh; ngược lại triều đại nào tiêu pha, xây dựng nhiều đền đài lãng phí sức dân thì triều đại đó suy tàn.

PGS.TS Lê Hải Bình, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản tham luận tại Diễn đàn.

PGS.TS Lê Hải Bình, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản tham luận tại Diễn đàn.

PGS.TS Lê Hải Bình nhấn mạnh, các quốc gia đều thực hành việc chống lãng phí dựa trên một số yếu tố mang tính căn bản. Đó là một hành lang pháp lý chặt chẽ kết hợp với công nghệ hiện đại trong quản trị nguồn lực, từ giáo dục và nâng cao ý thức người dân cùng với quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ. Các quốc gia phát triển đã chứng minh rằng phòng chống lãng phí không chỉ là mục tiêu kinh tế mà còn là trách nhiệm xã hội. Chống lãng phí không chỉ là vấn đề kỹ thuật mà còn là sự thay đổi trong văn hóa, quan niệm và nhận thức.

Trong bối cảnh toàn cầu và sự gia tăng của các vấn đề về nguồn lực, tài nguyên, lãng phí đã trở thành một vấn đề nghiêm trọng mà nhiều quốc gia đang nỗ lực giải quyết trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. PGS.TS. Lê Hải Bình cho rằng, Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế chung đó.

Ông Phạm Lê Phú, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) chia sẻ về hiệu quả của việc đẩy nhanh tiến độ các dự án đường dây 500kV mạch 3.

Ông Phạm Lê Phú, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) chia sẻ về hiệu quả của việc đẩy nhanh tiến độ các dự án đường dây 500kV mạch 3.

Ông Phạm Lê Phú, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNPT) cho biết, việc đẩy nhanh tiến độ các dự án đường dây 500kV mạch 3 đã mang lại nhiều hiệu quả và kết quả rõ rệt, đặc biệt là trong việc tiết kiệm, chống lãng phí nguồn điện và tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên. Cụ thể, việc đẩy nhanh tiến độ đường dây 500kV mạch 3 giúp phân bổ lại tải giữa các tuyến, giảm tình trạng quá tải, giảm tổn thất điện năng và nâng cao hiệu quả truyền tải.

Theo ông Phạm Lê Phú, nếu như đường dây 500kV mạch 1 được triển khai đầu tư xây dựng bằng tinh thần dám làm, dám chịu trách nhiệm, đường dây 500kV mạch 2 bằng tinh thần phát huy nội lực, khả năng tự cường dân tộc, thì Dự án đường dây 500kV mạch 3 được triển khai trên tinh thần phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị từ Chính phủ, các Bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp và người dân.

Tại Diễn đàn, đại diện các Ban, Bộ, ngành Trung ương và địa phương, các chuyên gia, hiệp hội và doanh nghiệp đã thảo luận về những khó khăn, vướng mắc, chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp thiết thực để đẩy mạnh công tác phòng chống lãng phí. Qua đó, các ý kiến đóng góp đã giúp quán triệt và lan tỏa những chỉ đạo mạnh mẽ và thông điệp đổi mới của Tổng Bí thư Tô Lâm về công tác chống lãng phí. Đồng thời, hỗ trợ Bộ Công Thương cũng như các Bộ, ngành, địa phương hoàn thiện cơ chế, chính sách, nâng cao hiệu quả phòng chống lãng phí, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.

Diệu Linh

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/bo-cong-thuong-chong-lang-phi-khoi-thong-nguon-luc-phat-trien-391427.html
Zalo