Bộ Công Thương bàn giải pháp kích cầu nội địa

Tổng mức bán bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của cả nước giai đoạn 2021-2023 tăng bình quân khoảng 7,2%/năm, thấp hơn một nửa so với mục tiêu đặt ra của ngành Công Thương giai đoạn từ nay đến 2030.

Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) vừa phối hợp với các hiệp hội ngành hàng và một số doanh nghiệp bán lẻ lớn khu vực phía Nam tổ chức họp bàn về các giải pháp đẩy mạnh chương trình kích cầu tiêu dùng trong nước, đẩy mạnh tiêu dùng nội địa, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Tại buổi làm việc này, các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp bán lẻ, hệ thống phân phối lớn… đồng ý với dự thảo Đề án “Kích cầu tiêu dùng nội địa, thúc đẩy thương mại trong nước” mà Bộ Công Thương đang triển khai.

Nửa đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng chỉ tăng 8,6%, thấp hơn khá nhiều so với mục tiêu đặt ra trong chiến lược thương mại trong nước đến năm 2030

Nửa đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng chỉ tăng 8,6%, thấp hơn khá nhiều so với mục tiêu đặt ra trong chiến lược thương mại trong nước đến năm 2030

Ông Phan Văn Chinh, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho hay, việc triển khai các giải pháp kích cầu nội địa hiện nay là khá cấp bách và cần triển khai ngay, lan tỏa ở nhiều địa phương. Bởi từ 2021 đến nay, sức mua trên thị trường trong nước có chiều hướng tăng chậm. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp cũng như thu nhập của người dân theo đó cũng bị ảnh hưởng, kéo theo sự sụt giảm nhu cầu tiêu dùng xã hội.

Theo đó, mặc dù tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giai đoạn 2021-2023 tăng bình quân khoảng 7,2%/năm nhưng thấp hơn khá nhiều so với mục tiêu của ngành Công Thương đã đặt ra tại Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030 là khoảng 13-13,5%/năm.

Để tổ chức đẩy mạnh các hoạt động kích cầu nội địa, ông Chinh cho biết, trong thời gian này Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo các địa phương thúc đẩy triển khai nhanh hàng loạt các chính sách liên quan định hướng phát triển thị trường trong nước, như: Chiến lược phát triển thương mại trong nước đến năm 2030; Đề án Đổi mới phương thức kinh doanh, tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021-2025; Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2021-2025” và Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2021-2025…

Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tăng cường phối hợp với các địa phương và các doanh nghiệp phân phối lớn để tổ chức nhiều hội nghị kết nối cung cầu và định hướng tiêu dùng, triển khai mạnh các biện pháp hỗ trợ hàng doanh nghiệp và người tiêu dùng gặp gỡ, tiếp cận mua bán, trao đổi hàng hóa bằng cả hình thức trực tiếp và trực tuyến, phân phối hàng hóa trên các nền tảng thương mại điện tử.

Thạch Bình

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/bo-cong-thuong-ban-giai-phap-kich-cau-noi-dia-154612.html
Zalo