Bộ Công an đề nghị xây dựng 2 dự án Luật

Bộ Công an vừa có Tờ trình số 313/TTr-BCA và Tờ trình số 314/TTr-BCA gửi Chính phủ về đề nghị xây dựng dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi); đề nghị xây dựng dự án Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và cấm đi khỏi nơi cư trú.

Đổi mới phương thức quản lý, giám sát, giáo dục đối với người thi hành án hình sự tại cộng đồng

Theo Bộ Công an, mục đích xây dựng Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) nhằm tiếp tục nâng cao, bảo đảm hiệu quả công tác thi hành án hình sự; tiếp tục cụ thể hóa quy định về quyền con người theo Hiến pháp năm 2013; thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng trong hoàn thiện cơ chế thi hành án hình sự và việc áp dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ - thông tin trong quốc phòng, an ninh.

Đồng thời, đổi mới phương thức quản lý, giám sát, giáo dục đối với người thi hành án hình sự tại cộng đồng góp phần đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ lợi ích của tổ chức, cá nhân.

Với mục đích trên, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật được giữ nguyên so với Luật Thi hành án hình sự năm 2019. Cụ thể: Luật quy định nguyên tắc, trình tự, thủ tục, tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, người có thẩm quyền trong thi hành bản án, quyết định về hình phạt tù, tử hình, cảnh cáo, cải tạo không giam giữ, cấm cư trú, quản chế, trục xuất, tước một số quyền công dân, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, án treo, tha tù trước thời hạn có điều kiện, hình phạt đình chỉ hoạt động có thời hạn, đình chỉ hoạt động vĩnh viễn, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định, cấm huy động vốn, biện pháp tư pháp; quyền, nghĩa vụ của người, pháp nhân thương mại chấp hành án hình sự, biện pháp tư pháp; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong thi hành án hình sự, biện pháp tư pháp.

 Viện kiểm sát cấp huyện trực tiếp kiểm sát tại Nhà tạm giữ Công an cùng cấp. (Ảnh minh họa)

Viện kiểm sát cấp huyện trực tiếp kiểm sát tại Nhà tạm giữ Công an cùng cấp. (Ảnh minh họa)

Đề nghị xây dựng dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) nêu 3 chính sách gồm: Chính sách 1: Quy định thực hiện giám sát điện tử đối với người chấp hành án hình sự tại cộng đồng; Chính sách 2: Hoàn thiện quy định về mô hình cơ sở giam giữ; Chính sách 3: Hoàn thiện các quy định của Luật Thi hành án hình sự còn vướng mắc, bất cập để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

3 chính sách trong đề nghị xây dựng dự án Luật

Đối với đề nghị xây dựng dự án Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và cấm đi khỏi nơi cư trú, theo Bộ Công an, việc xây dựng Luật này nhằm mục đích tiếp tục nâng cao, bảo đảm hiệu quả công tác thi hành tạm giữ, tạm giam và cấm đi khỏi nơi cư trú; tiếp tục cụ thể hóa quy định về quyền con người theo Hiến pháp năm 2013; thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng trong việc áp dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ thông tin trong quốc phòng, an ninh.

Đồng thời, đổi mới phương thức quản lý, giám sát đối với người bị áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú góp phần đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đề cao hiệu quả phòng ngừa trong việc xử lý người phạm tội, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ lợi ích của tổ chức, cá nhân.

Về phạm vi điều chỉnh, dự án Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và cấm đi khỏi nơi cư trú điều chỉnh về hệ thống tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam, cấm đi khỏi nơi cư trú; chế độ quản lý giam giữ; chế độ của người bị tạm giữ, người bị tạm giam, người bị kết án tử hình đang bị tạm giam; người bị tạm giữ, người bị tạm giam là người dưới 18 tuổi, phụ nữ có thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi; thi hành quyết định cấm đi khỏi nơi cư trú; khiếu nại tố cáo trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam; trách nhiệm quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam, cấm đi khỏi nơi cư trú.

Tuy nhiên, Luật mới sẽ sửa đổi cơ bản các quy định trong Luật thi hành tạm giữ, tạm giam hiện hành nhằm giải quyết những tồn tại, khó khăn trong quá trình thực hiện Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin trong công tác này.

Đề nghị xây dựng dự án Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và cấm đi khỏi nơi cư trú nêu 3 chính sách gồm: Chính sách 1: Mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật, bổ sung quy định về thi hành biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú; Chính sách 2: Nâng cao hiệu quả sử dụng và vận hành mô hình cơ sở giam giữ; Chính sách 3: Hoàn thiện các quy định của Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam còn vướng mắc, bất cập để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

P.V

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/cai-cach-tu-phap/dien-dan/bo-cong-an-de-nghi-xay-dung-2-du-an-luat-163911.html
Zalo