Bỏ cấp quận/huyện, quản lý trường mầm non đến trung học cơ sở ra sao?
Công văn 1581 về phân cấp quản lý, Sở GDĐT quản lý về chuyên môn, UBND cấp xã quản lý về hành chính, địa bàn đối với các trường mầm non đến trung học cơ sở.
Ngày 08/4/2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo có Công văn 1581/BGDĐT-GDPT về việc đảm bảo duy trì, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục công lập tại các đơn vị hành chính khi thực hiện chính quyền địa phương 02 cấp.
Công văn 1581 có nhiều chỉ đạo, định hướng về phân cấp quản lý các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở khi không còn cấp huyện trong thời gian tới.

Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn
Cấp xã sẽ quản lý hành chính, địa bàn với các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở
Hiện nay, các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở sẽ do Phòng Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân huyện quản lý.
Trong thời gian tới khi không còn cấp huyện, sẽ chuyển giao quản lý của các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở về cấp xã quản lý.
Tại mục 3 Tổ chức thực hiện của Công văn 1581 nêu rõ: “Thực hiện giữ nguyên các đơn vị sự nghiệp giáo dục và chuyển giao cho chính quyền cấp xã thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giáo dục đối với các trường trung học cơ sở, tiểu học, mầm non theo Kết luận số 137-KL/TW ngày 28/3/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp.
Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn ban hành văn bản hướng dẫn nội dung quản lý nhà nước về giáo dục do cấp huyện đang quản lý chuyển cho các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân cấp xã khi thực hiện sắp xếp, tổ chức lại chính quyền địa phương 02 cấp theo phụ lục đính kèm.
- Chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị triển khai trong toàn ngành giáo dục để quán triệt và tổ chức thực hiện hiệu quả các nội dung quản lý nhà nước về giáo dục ngay sau khi thực hiện chính quyền địa phương 02 cấp; thành lập các tổ công tác để thường xuyên, liên tục tiếp nhận thông tin, tư vấn, giải quyết các nội dung phát sinh trong thực tiễn triển khai, hướng dẫn thực hiện và báo cáo kịp thời đến đến cơ quan cấp trên đối với các nội dung vượt thẩm quyền quản lý…”
Tại Kết luận 137-KL/TW năm 2025, Bộ Chính trị cũng đã chỉ đạo tổ chức đơn vị sự nghiệp công lập giáo dục như sau: “Giữ nguyên các đơn vị sự nghiệp giáo dục, y tế và thực hiện chuyển giao cho chính quyền cấp xã quản lý các trường trung học cơ sở, tiểu học, mầm non, trạm y tế của đơn vị cơ sở mới để bảo đảm công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân ngay tại cơ sở và bảo đảm đủ trường, lớp cho học sinh trên địa bàn cơ sở….”
Tại mục 2 Nguyên tắc thực hiện có nêu “các nội dung quản lý nhà nước về giáo dục được giao cho cấp nào có đủ nguồn lực cơ sở vật chất, tài chính, nhân lực để đảm bảo duy trì và phát triển sự nghiệp giáo dục, phân biệt rõ nhiệm vụ chuyên môn (giao Sở Giáo dục và Đào tạo trực tiếp thực hiện), nhiệm vụ hành chính, địa bàn (giao Ủy ban nhân dân cấp xã trực tiếp thực hiện), gắn phân cấp với cơ chế kiểm tra, giám sát, nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục trong điều kiện tốt nhất ở địa phương”.
Như vậy, các nhiệm vụ chuyên môn được giao cho Sở Giáo dục trực tiếp thực hiện.
Nhiệm vụ của Ủy ban nhân dân xã là quản lý hành chính, địa bàn gắn với các nhiệm vụ được quy định tại
Về đội ngũ nhà giáo, nhân viên tại mục 4 Phụ lục phương án phân cấp quản lý Nhà nước về lĩnh vực giáo dục nêu rõ nhiệm vụ của Ủy ban nhân dân cấp xã đối với cấp mầm non đến trung học cơ sở gồm:
“1. Trực tiếp quản lý về tổ chức, nhân sự của trung tâm học tập cộng đồng….
2. Cập nhật thông tin về đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục,…
3.Thực hiện đầy đủ và kịp thời chế độ báo cáo định kỳ hàng năm...
4. Chỉ đạo tuyển dụng giáo viên mầm non theo biên chế được cấp thẩm quyền phê duyệt
5. Quyết định số lượng hợp đồng lao động,…”
Về các nội dung khác về đội ngũ nhà giáo, tuyển dụng, bổ nhiệm nhân sự,…sẽ do Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện hoặc phân cấp cho thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp thực hiện.
Sở Giáo dục sẽ sắp xếp, điều động, biệt phái, phát triển đội ngũ nhà giáo
Trong Công văn số 1581/BGDĐT-GDPT, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ thực hiện rà soát, xác định các nội dung quản lý nhà nước về giáo dục hiện nay cấp huyện đang thực hiện để điều chỉnh chuyển về cấp tỉnh (Sở Giáo dục và Đào tạo) hay Ủy ban nhân dân xã quản lý; thực hiện các hoạt động hành chính liên quan đến giáo dục hoạt động bình thường, thông suốt, liên tục không gián đoạn, không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của xã hội, người dân, doanh nghiệp.
Nội dung quản lý nhà nước về lĩnh vực giáo dục phải được giao cho cơ quan có chuyên môn bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ về quyết định vị trí việc làm, định mức tài chính về giáo dục thực hiện giao biên chế, phân bổ ngân sách cho giáo dục trên địa bàn tỉnh. Bảo đảm phân cấp mạnh nhưng không buông lỏng; không bỏ sót, không gián đoạn, không chia cắt nội dung quản lý về chuyên môn về giáo dục, điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Thống nhất thực hiện nội dung quản lý nhà nước về giáo dục đối với chuyên môn của ngành; tuyển dụng, sắp xếp, điều động, biệt phái, phát triển đội ngũ nhà giáo do cơ quan chuyên môn cấp tỉnh (Sở Giáo dục và Đào tạo) thực hiện thống nhất trên toàn tỉnh để thực hiện điều tiết chung, xử lý tình huống thừa thiếu giáo viên cục bộ.
Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu giao các nhiệm vụ chuyên môn như quản lý nhân sự, ngân sách, biên chế, vị trí việc làm cho cơ quan chuyên môn cấp tỉnh. Sở Giáo dục và Đào tạo là đơn vị chủ trì thực hiện, điều này nhằm bảo đảm tính thống nhất, tránh chia cắt, gián đoạn trong toàn hệ thống.
Việc tuyển dụng, điều động, biệt phái và phát triển đội ngũ giáo viên phải được thực hiện tập trung tại cấp tỉnh, đây là cách để xử lý hiệu quả tình trạng thừa-thiếu giáo viên cục bộ, đồng thời, giúp cân đối nhân lực trong toàn ngành.
Cụ thể tại mục 4 Phụ lục phương án phân cấp quản lý Nhà nước về lĩnh vực giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo có các nhiệm vụ về Đội ngũ nhà giáo, nhân viên như sau (trích lược):
“1. Tham mưu cấp có thẩm quyền quyết định vị trí việc làm, biên chế, tổng số người làm việc trong các cơ sở giáo dục công lập…
2. Chủ trì hoặc phân cấp tuyển dụng, sử dụng, bổ nhiệm, thay đổi chức danh nghề nghiệp, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá đối với nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên,…
4. Quyết định công nhận, bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, thay đổi vị trí việc làm, khen thưởng, kỷ luật đối với người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu các cơ sở giáo dục công lập….”
Như vậy, theo Công văn 1581 về phân cấp quản lý có thể hiểu Sở Giáo dục và Đào tạo quản lý về chuyên môn, việc tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ quản lý, thay đổi chức danh nghề nghiệp,…Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện hoặc ủy quyền cho cấp xã hoặc thủ trưởng đơn vị thực hiện, Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý về hành chính, địa bàn đối với các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở.