Bỏ cấp huyện, người dân có thể đối thoại với chính quyền cơ sở qua mạng xã hội
Đó là một hình thức đối thoại giữa chính quyền địa phương cơ sở với Nhân dân khi tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, được đề xuất tại dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi, do Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến.
Dự luật này dự kiến được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9.
Theo Bộ Nội vụ, để triển khai thực hiện chủ trương của Đảng về tinh gọn tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị (không tổ chức cấp huyện, thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp), Đảng ủy Quốc hội đang chỉ đạo việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.
Tại tờ trình mới đây, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nêu rõ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025 (hiệu lực từ ngày 1/3/2025) đã được sửa đổi, bổ sung toàn diện. Tuy nhiên, quy định về đơn vị hành chính và mô hình tổ chức chính quyền địa phương tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện hành đang được thiết kế theo 3 cấp (gồm cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã).
Vì vậy, theo Bộ Nội vụ, phải sửa đổi, bổ sung các quy định để thực hiện theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp và những vấn đề phát sinh.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh chủ trì hội nghị đối thoại với nông dân Thủ đô năm 2024
Đáng chú ý, tại dự thảo, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương được nêu rõ tại Chương IV. Trong đó, Bộ Nội vụ đề xuất hình thức đối thoại giữa chính quyền địa phương cấp cơ sở với Nhân dân.
Cụ thể, hằng năm, chính quyền địa phương cấp cơ sở có trách nhiệm tổ chức ít nhất một lần hội nghị đối thoại với Nhân dân thông qua hình thức trực tiếp, trực tuyến hoặc thông qua mạng xã hội hoạt động hợp pháp theo quy định pháp luật, để trao đổi về tình hình hoạt động của chính quyền địa phương và những vấn đề liên quan quyền và nghĩa vụ của công dân ở địa phương.
Trường hợp tổ chức hình thức trực tiếp, nếu quy mô đơn vị hành chính cấp cơ sở quá lớn, có thể tổ chức trao đổi, đối thoại với Nhân dân theo từng cụm thôn, tổ dân phố.
UBND cấp cơ sở chịu trách nhiệm phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp tổ chức hội nghị đối thoại quy định tại khoản 1 Điều này, cùng đại diện Thường trực HĐND chủ trì hội nghị đối thoại; mời đại diện cấp ủy, Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp tham gia hội nghị đối thoại và phải thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng về thời gian, địa điểm, nội dung và cách thức tham dự hội nghị đối thoại với Nhân dân chậm nhất là 7 ngày trước ngày tổ chức hội nghị.
Nội dung kết quả hội nghị đối thoại với Nhân dân phải được UBND thông báo đến người dân thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, niêm yết tại trụ sở của chính quyền địa phương cấp cơ sở và gửi đến Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố chậm nhất là 10 ngày kể từ ngày tổ chức hội nghị.