Bỏ cấp huyện, cấp nào sẽ chấm sáng kiến kinh nghiệm các trường mầm non đến THCS?

Sáng kiến kinh nghiệm nên giao cho sở giáo dục và đào tạo chấm, đồng thời siết chặt quy trình thực hiện, đề cao tính trung thực phong trào này.

Theo Bộ Nội vụ đề xuất, chính quyền cấp huyện sẽ chấm dứt thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và dừng hoạt động kể từ ngày 01/7/2025 tới đây. Điều này cũng đồng nghĩa phòng giáo dục và đạo tạo ở các địa phương cũng dừng hoạt động.

Có điều, nhiều năm nay, việc chấm sáng kiến kinh nghiệm của viên chức các trường học từ mầm non đến trung học cơ sở công lập đều do phòng giáo dục và đạo tạo chấm, ủy ban nhân dân huyện ra quyết định công nhận giải. Từ kết quả này, cán bộ, giáo viên, nhân viên các trường học sẽ minh chứng cho việc xét thi đua và xếp loại viên chức.

Khi bỏ cấp huyện, tất nhiên sẽ có nhiều thay đổi, các xã (phường) sẽ có chức năng quản lý nhà nước đối với các trường từ mầm non đến trung học cơ sở công lập; sở giáo dục quản lý về nhân sự, chuyên môn. Vậy, sáng kiến kinh nghiệm của các cấp học này sẽ do cấp nào sẽ đảm nhiệm việc chấm chọn?

Ảnh minh họa

Số lượng viên chức viết sáng kiến kinh nghiệm quá lớn

Trong các phong trào thi đua từ nhiều năm học vừa qua, có lẽ việc viết sáng kiến kinh nghiệm là giản đơn nhất vì các phong trào khác, như: bồi dưỡng học sinh giỏi; thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi…liên quan đến nhiều người, mức độ khó cao hơn.

Trong khi đó, việc viết sáng kiến kinh nghiệm bên cạnh những giáo viên có đầu tư, chia sẻ kinh nghiệm thì nhiều viên chức ở các nhà trường viết chỉ với mục đích lớn nhất là để xét thi đua cuối năm học. Tính khả thi trong từng đề tài không nhiều, nhiều đề tài nhờ ChatGPT làm hộ.

Vì thế, có những cán bộ quản lý, giáo viên viết 3-4 sáng kiến kinh nghiệm để nhằm mục đích hy vọng đạt giải, làm minh chứng cho xét danh hiệu, hình thức thi đua. Ngay cả cô phó hiệu trưởng chuyên môn của nhà trường- nơi người viết bài đang công tác cũng viết đến 4 sáng kiến kinh nghiệm trong năm học 2024-2025 này.

Đa phần những viên chức viết sáng kiến kinh nghiệm với số lượng nhiều lại là cán bộ quản lý nhà trường và những tổ trưởng chuyên môn- những đối tượng thường dễ đạt giải nhất trong những năm vừa qua- nhất là quản lý nhà trường gần như ai viết cũng đạt giải.

Vậy nên, số lượng sáng kiến kinh nghiệm hằng năm ở các trường học gửi về phòng giáo dục và đào tạo rất lớn. Có năm, ủy ban nhân dân huyện nơi người viết đang công tác (huyện có 15 xã, thị trấn) công nhận gần 800 sáng kiến kinh nghiệm đạt giải. Đó là chưa kể số lượng sáng kiến kinh nghiệm không đạt giải còn cao hơn gấp nhiều lần số lượng đạt giải.

Số lượng sáng kiến kinh nghiệm dưới cơ sở nộp về nhiều, số lượng lãnh đạo, chuyên viên phòng giáo dục thì có hơn chục người nên phải phân công thêm một số cán bộ quản lý (hiệu trưởng, phó hiệu trưởng) và một số giáo viên cốt cán tham gia chấm với phòng giáo dục.

Tuy nhiên, năm nào cũng vậy, sáng kiến kinh nghiệm nộp về phòng giáo dục từ đầu tháng 1 nhưng mãi đến cuối tháng 5 mới công bố kết quả.

Thành ra, việc xét loại viên chức, xét thi đua của các nhà trường thường bị động hoặc phải làm đi, làm lại hồ sơ thi đua nhiều lần do khi huyện công bố kết quả sáng kiến kinh nghiệm thì người đậu, người rớt không phù hợp với kết quả xét viên chức, xét thi đua của nhà trường.

Bỏ cấp huyện, cấp nào chấm sáng kiến kinh nghiệm?

Khi bỏ cấp huyện, phòng giáo dục và đào tạo cũng sẽ chấm dứt hoạt động. Chức năng quản lý nhà nước của các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở công lập được giao cho xã (phường) quản lý. Chuyên môn sẽ do sở giáo dục và đào tạo đảm nhận.

Nếu tiếp tục duy trì viết sáng kiến kinh nghiệm và số lượng cán bộ, giáo viên, nhân viên ở các trường học vẫn viết nhiều như hiện nay thì số lượng sáng kiến kinh nghiệm từ cấp mầm non đến trung học phổ thông trong cả tỉnh (thành) mới sẽ lớn vô cùng.

Nếu sở giáo dục và đào tạo đảm nhận việc chấm sáng kiến kinh nghiệm của cả 4 cấp học: từ mầm non đến trung học phổ thông sẽ dẫn đến quá tải công việc vì có thể đến chục ngàn sáng kiến kinh nghiệm.

Nếu giao việc chấm sáng kiến kinh nghiệm cho cấp xã hoặc cấp trường chấm và công nhận giải, những đề tài được giải có giá trị giống như cấp huyện hiện nay e rằng sẽ khó thuyết phục. Vì xã hay trường chấm, cuối cùng cũng là những nhân sự của các trường chấm bởi bộ phận chuyên môn cấp xã về lĩnh vực giáo dục rất mỏng, không đủ nhân sự.

Một khi nhà trường chấm, tính khách quan sẽ không còn vẹn nguyên vì nó sẽ dẫn đến tình trạng tôi chấm cho anh, anh chấm cho tôi, số lượng sáng kiến kinh nghiệm đạt giải sẽ nhiều vô cùng. Lúc đó, gánh nặng về khen thưởng cho những người đạt giải, rồi những giải này dùng để xét danh hiệu thi đua, hình thức thi đua sẽ dẫn đến quá tải cho ngân sách.

Trong khi đó, việc những đề tài sáng kiến kinh nghiệm đạt giải, không đạt giải lâu nay ở các nhà trường vẫn là chuyện có nhiều ý kiến trái chiều bởi rất ít đề tài áp dụng cho công việc thực tế.

Viết, chấm, công nhận giải, xét thi đua xong thì những đề tài, những ý tưởng hoa mĩ trong sáng kiến kinh nghiệm đã từng đạt giải A, giải B cấp huyện…đi về đâu, thực hiện ra sao cũng là điều gây băn khoăn.

Nên chăng, cách thực hiện viết, chấm sáng kiến kinh nghiệm cần thay đổi

Theo quan điểm của người viết bài này, nếu vẫn duy trì việc viết sáng kiến kinh nghiệm như hiện nay thì nên giao về cho sở giáo dục và đào tạo chấm nhưng cần yêu cầu cao hơn để siết chặt quy trình thực hiện và đề cao tính trung thực, hiệu quả phong trào này.

Thứ nhất: sở giáo dục và đào tạo ban hành hướng dẫn viết sáng kiến kinh nghiệm theo hướng mới, đề cao tính thực tiễn, hiệu quả. Quy trình viết một sáng kiến kinh nghiệm cần thực hiện nghiên cứu như một đề tài khoa học nhằm tránh tình trạng viết tràn lan, số lượng nhiều nhưng tính khả thi, hiệu quả thì không cao.

Thứ hai: cương quyết với những trường hợp gian lận trong quá trình thực hiện sáng kiến kinh nghiệm. Nếu phát hiện cán bộ, giáo viên, nhân viên các nhà trường không trung thực cần có hình thức kỉ luật thật nặng và cắt thi đua năm học đó và thông báo về đơn vị công tác.

Thứ ba: việc chấm sáng kiến kinh nghiệm nên giao cho từng bộ phận cụ thể. Lãnh đạo sở, phòng, ban chấm những đề tài của cán bộ quản lý các trường học trên địa bàn.

Riêng những đề tài của giáo viên viết về chuyên môn giao cho hội đồng cốt cán từng môn học thực hiện việc chấm chọn. Việc chấm chọn sẽ thực hiện chéo với nhau theo từng địa bàn, khu vực, không để yếu tố thân quen, nhờ vả tác động.

Thứ tư: thang điểm chấm cần được thiết kế rõ ràng, cụ thể, có tính định lượng, không chung chung, mơ hồ để người chấm căn cứ vào những tiêu chí cụ thể để siết chặt quy trình chấm. Từ đó, mới chọn ra được những đề tài xứng đáng nhằm tôn vinh việc viết sáng kiến kinh nghiệm ở các nhà trường.

Mục tiêu của sáng kiến kinh nghiệm là nâng cao hiệu quả lao động, sản xuất nhưng những năm vừa qua công việc này ở một số địa phương vẫn đang thật- giả lẫn lộn.

Năm học tới đây không còn cấp huyện cũng đồng nghĩa việc chấm chọn sáng kiến kinh nghiệm đối với các cấp học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở có những xáo trộn nhất định. Vì thế, giáo viên dưới cơ sở chúng tôi rất mong muốn các sở giáo dục mới sẽ có những kế hoạch phù hợp nhằm hướng tính hiệu quả, trung thực trong việc viết, chấm sáng kiến kinh nghiệm.

Từ đó, mới nâng cao được hiệu quả nghiên cứu khoa học và tôn vinh những nhà giáo một cách xứng đáng, loại bỏ được những người cơ hội, gian dối trong việc viết sáng kiến kinh nghiệm vốn đã tồn tại nhiều năm nay ở một số nhà trường, địa phương.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

THANH AN

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/bo-cap-huyen-cap-nao-se-cham-sang-kien-kinh-nghiem-cac-truong-mam-non-den-thcs-post251035.gd
Zalo