Blouse trắng của buôn làng

Vượt lên muôn vàn khó khăn, những người con của đồng bào dân tộc Raglai ở huyện Khánh Sơn đã biến ước mơ được làm bác sĩ trở thành sự thật. Hàng ngày, họ khoác lên mình chiếc áo blouse trắng, mang kiến thức, nhiệt huyết của tuổi trẻ, cùng với đồng nghiệp nỗ lực chăm lo sức khỏe cho người dân. Họ được dân làng trìu mến gọi là "những bông hoa blouse trắng" của buôn làng.

Bác sĩ Mấu Xuyển khám và tư vấn cho sản phụ tại nhà.

Bác sĩ Mấu Xuyển khám và tư vấn cho sản phụ tại nhà.

Chạm tới ước mơ

Trở thành bác sĩ đối với người bình thường đã khó, đối với người dân tộc thiểu số càng khó hơn, bởi điều kiện học tập còn nhiều hạn chế, trong khi phần lớn các gia đình còn khó khăn về kinh tế. Thế nhưng, bằng nỗ lực trong học tập, họ luôn mang trong mình nhiệt huyết và ước mơ được khoác lên mình chiếc áo blouse trắng, trở thành bác sĩ chăm sóc sức khỏe nhân dân và cống hiến cho quê hương.

Con đường để trở thành bác sĩ của Cao Hồng Ngân (sinh năm 1993, dân tộc Raglai ở xã Sơn Lâm) chẳng dễ dàng gì. Ngân là con thứ 7 trong gia đình có 9 anh chị em. Năm Ngân học lớp 11, mẹ bị tai biến nhẹ, đi lại khó khăn nên gánh nặng kinh tế trong gia đình càng khó khăn hơn. Được sự động viên của gia đình, Ngân nỗ lực học tập. Tốt nghiệp THPT, Ngân đăng ký và được xét tuyển đi học theo diện cử tuyển tại Trường Đại học Y dược Huế. Ngân kể: “Để có tiền trang trải sinh hoạt trong 6 năm học tại Huế, tôi phải tranh thủ những ngày nghỉ tự mày mò đi xin làm chà tường, sơn nước ở các công trình xây dựng. Nhiều lúc cũng nản, tôi định nghỉ học về quê phụ cha làm rẫy, nhưng nghĩ tới ước mơ của mình, kỳ vọng của gia đình, việc tự tay mình chăm sóc sức khỏe cho mẹ sau khi tốt nghiệp đã giúp tôi vượt qua khó khăn”. Ngày cầm tấm bằng tốt nghiệp trở thành bác sĩ, Hồng Ngân và gia đình không giấu nổi niềm vui khi ước mơ bao lâu nay đã thành hiện thực. Và càng tự hào hơn khi Ngân là bác sĩ đầu tiên của xã Sơn Lâm.

Bác sĩ Cao Hồng Ngân kiểm tra sức khỏe cho người dân.

Lúc còn 7 tuổi, sự ra đi đột ngột của đứa em trai mới 18 tháng đã trở thành nỗi ám ảnh khắc sâu trong tâm trí của bác sĩ Mấu Xuyển (sinh năm 1988, xã Ba Cụm Bắc). Nhớ lại kỷ niệm buồn ấy, bác sĩ Mấu Xuyển nghẹn ngào: “Em tôi bị bệnh sốt rét, lúc đó mẹ và tôi đang ở nhà, còn ba đi rẫy. Nhà xa bệnh viện, gia đình lại quá nghèo, nhìn đứa em ra đi ngay trước mắt trong sự bất lực nên từ lúc đó tôi đã nung nấu quyết tâm phải học bác sĩ để khám, chữa bệnh cho người dân, để không còn những trường hợp thương tâm như em trai tôi”. Tốt nghiệp THPT, năm 2008, Mấu Xuyển làm hồ sơ đăng ký học ngành y và may mắn được xét diện cử tuyển học dự bị 1 năm tại Trường Đại học Y dược Huế. Sau 1 năm dùi mài kiến thức, Mấu Xuyển cùng với 2 người ở tỉnh Khánh Hòa đậu vào Trường Đại học Y dược Huế. Càng tự hào hơn, Mấu Xuyển là người dân tộc Raglai duy nhất đậu đợt này. Ngày nhận thông báo đi học, Mấu Xuyển vừa mừng, lại vừa lo không biết lấy tiền đâu để ăn học trong 5 năm tiếp theo. May mắn, trong xóm trọ của Xuyển có nhiều người làm thợ hồ. Thấy Xuyển hiền lành, chịu khó nên các anh thợ rủ đi làm để trang trải sinh hoạt. Sau này, Xuyển còn nhận thêm việc rửa chén cho nhà hàng, quán ăn. Nhờ thế, Xuyển bám trụ lại học để từng bước chạm được vào tấm bằng bác sĩ đa khoa. Năm 2015, Xuyển tốt nghiệp và nhận công tác tại Khoa Sản nhi, Trung tâm Y tế huyện Khánh Sơn. Để nâng cao tay nghề, điều trị tốt hơn cho người bệnh, 2 năm sau, Mấu Xuyển làm đơn và được lãnh đạo trung tâm tạo điều kiện đi học chuyên sâu hơn về sản khoa tại Bệnh viện Từ Dũ (TP. Hồ Chí Minh).

Bác sĩ Mấu Xuyển kiểm tra sức khỏe cho mẹ và bé sau sinh tại Trung tâm Y tế huyện Khánh Sơn.

Chứng kiến bao phụ nữ Raglai ở làng vì lấy chồng sớm mà dở dang việc học, đánh mất tương lai, nữ bác sĩ Mấu Thị Nghiệp (sinh năm 1992, hiện công tác tại Khoa Truyền nhiễm, Trung tâm Y tế huyện Khánh Sơn) không muốn mình cũng chịu hoàn cảnh như vậy. Vì thế, chị Nghiệp đã nỗ lực thi vào Trường Cao đẳng Y tế Khánh Hòa để đạt được ước mơ trở thành bác sĩ của mình. Sau khi học 2 năm hệ y sĩ tại trường, chị về công tác tại Trung tâm Y tế huyện. Trong quá trình công tác, chị từng trải qua nhiều vị trí ở các khoa nội, dự phòng, truyền nhiễm… “Tôi nhớ mãi một ca bệnh đã thôi thúc tôi quyết tâm học cao hơn để trở thành bác sĩ. Đó là một bệnh nhân lớn tuổi ở xã Thành Sơn nhập viện vì bị nhiễm trùng uốn ván nặng. Bệnh nhân khó thở, tiên lượng xấu, phải chuyển viện lên tuyến trên. Lúc đó, tôi nghĩ nếu bản thân có chuyên môn vững hơn sẽ có phương pháp điều trị giúp cho bệnh nhân vượt qua cơn nguy kịch”, chị Nghiệp nói. Sau đó, chị đã thi và học 4 năm bác sĩ tại Trường Đại học Y dược Huế để hiện thực hóa ước mơ của mình.

Những bác sĩ của buôn làng

Nhân dịp kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam, bác sĩ Mấu Thị Nghiệp thăm và kết hợp kiểm tra sức khỏe cho cán bộ y tế nghỉ hưu tại nhà.

Một ngày giữa tuần, tại Khoa Sản nhi, Trung tâm Y tế huyện Khánh Sơn, bác sĩ Mấu Xuyển cùng đồng nghiệp của khoa tất bật, hết thăm khám cho bệnh nhân nhi, rồi chuyển sang kiểm tra sức khỏe thai kỳ cho các sản phụ. Ngồi ở phòng chờ, sản phụ Bo Bo Thị Phương (27 tuổi, xã Sơn Bình) có dấu hiệu chuyển dạ. Khi được thông báo, bác sĩ Mấu Xuyển cùng với y tá nhanh chóng chuyển bệnh nhân vào phòng khám sản, kiểm tra lại các thông số thai nhi, ân cần tư vấn, trấn an bệnh nhân bằng tiếng Raglai, rồi làm hồ sơ cho bệnh nhân nhập viện để theo dõi sức khỏe chuẩn bị cho cuộc chuyển dạ. Sản phụ Bo Bo Thị Phương cho biết: “Hôm nay, tôi lên khám thai định kỳ. Lúc biết chuẩn bị sinh, tôi cũng lo lắm vì chưa chuẩn bị gì. Nhưng khi được bác sĩ Xuyển tư vấn, tôi thấy an tâm. Đứa con đầu tiên tôi sinh tại trạm y tế, đứa này tôi sinh tại đây. Ở trung tâm bây giờ đã có bác sĩ sản người Raglai nên tôi mừng lắm, có gì thắc mắc cũng mạnh dạn hỏi, chớ trước kia rất ngại”. Cuối buổi chiều, bác sĩ Mấu Xuyển vui mừng thông báo tin vui “mẹ tròn con vuông” và bế bé trai nặng 3,1kg trao cho người nhà sản phụ Phương. “Mỗi khi đỡ đẻ thành công cho sản phụ, người nhà vui một, chúng tôi vui mười. Là người con Raglai, tôi vui nhất là giờ đây, nhiều đồng bào đã có ý thức đến khám và sinh con tại cơ sở y tế, không sinh tại nhà như tập tục ngày trước”, BS Mấu Xuyển chia sẻ.

Bác sĩ Trần Ngọc Thạch - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Khánh Sơn: Các bác sĩ Xuyển, Ngân và Nghiệp là người dân tộc Raglai, được đào tạo chính quy và làm tại trung tâm gần 10 năm. Họ là những cán bộ trẻ, được đào tạo bài bản, năng động, nhiệt huyết, tích cực tham gia các đợt thiện nguyện khám, chữa bệnh miễn phí cho người dân. Đối với những người già, neo đơn, khó khăn đi lại, họ còn tới tận nhà để khám, tư vấn, hướng dẫn cách phòng bệnh. Với lợi thế là người Raglai, hiểu được tiếng địa phương, nên các bác sĩ được bệnh nhân, đặc biệt là người Raglai tin tưởng, yêu quý. Nhiều trường hợp, họ còn là cầu nối giúp các bác sĩ người Kinh kết nối được với bệnh nhân trong hợp tác điều trị.

Được học hành bài bản, có kiến thức y khoa nên bác sĩ Cao Hồng Ngân không chỉ là bác sĩ tại trung tâm y tế mà còn trở thành bác sĩ của gia đình, dòng họ và buôn làng. Mỗi khi người thân, họ hàng, người trong xã gặp vấn đề về sức khỏe đều gọi điện thoại hoặc tìm đến nhà gặp bác sĩ Ngân để được tư vấn, hướng dẫn. Người dân ở xã Sơn Lâm thường nói với nhau: “Bác sĩ Ngân là người đồng bào mình, lại có học nên biết rõ cái bệnh của mình”. Câu nói ấy đã cho thấy lòng yêu mến, tin tưởng của người dân đối với bác sĩ Ngân và cũng là động lực để bác sĩ trẻ này cống hiến cho quê hương.

Đối với những y, bác sĩ vùng cao, công việc không chỉ đơn thuần là cứu chữa người bệnh, mà còn góp phần làm thay đổi nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số về cách ăn ở hợp vệ sinh, phòng, chống dịch bệnh. Với lợi thế thông thạo ngôn ngữ, phong tục của đồng bào nên bác sĩ Mấu Thị Nghiệp thường khai thác được rất kỹ thông tin về người bệnh, các triệu chứng, biểu hiện bệnh, từ đó đưa ra phương pháp điều trị phù hợp cho bệnh nhân. “Trên địa bàn thường gặp các bệnh truyền nhiễm, nhưng do người dân theo tập tục thường sử dụng các bài thuốc địa phương, khi không khỏi mới đến bệnh viện thì bệnh đã nặng. Lúc đó, tôi lại phải dùng tiếng của đồng bào dân tộc để giải thích, thuyết phục bệnh nhân tuân theo phác đồ điều trị; đồng thời tuyên truyền để người dân thay đổi tập quán cũ”, bác sĩ Nghiệp nói.

3 bác sĩ trẻ người Raglai Cao Hồng Ngân, Mấu Xuyển và Mấu Thị Nghiệp tại Trung tâm Y tế huyện Khánh Sơn.

Không chỉ thực hiện việc khám, chữa bệnh tại Trung tâm Y tế huyện, với lòng yêu nghề và tinh thần của tuổi trẻ, các bác sĩ trẻ còn đến các xã vùng sâu, vùng xa để khám, phát thuốc cho nhân dân. “Sinh ra, lớn lên được sự đùm bọc, yêu thương của gia đình và buôn làng, rồi được Nhà nước cho đi học làm bác sĩ, khi ra trường, khoác trên mình chiếc áo blouse trắng, bản thân tôi cảm thấy phải có trách nhiệm với bà con. Do đó, tôi cùng đồng nghiệp trong Chi đoàn Khối lâm sàng thường tham gia tình nguyện thông qua các chương trình khám bệnh, phát thuốc miễn phí do Huyện đoàn Khánh Sơn tổ chức. Đây cũng là cơ hội để các thầy thuốc trẻ rèn luyện y đức”, bác sĩ Cao Hồng Ngân chia sẻ.

LY DUNG

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202502/blouse-trang-cua-buon-lang-ae304c9/
Zalo