Bloomberg: Shein hướng nhà cung cấp Trung Quốc sang Việt Nam lập cơ sở sản xuất
'Gã khổng lồ' thời trang nhanh Shein đang yêu cầu một số nhà cung ứng hàng may mặc hàng đầu của mình tại Trung Quốc thiết lập năng lực sản xuất mới tại Việt Nam với các ưu đãi hấp dẫn, bao gồm giá mua cao hơn tới 30%.
![Chiến lược đa dạng hóa sản xuất của Shein cho thấy tác động thuế quan của Tổng thống Trump có thể làm gián đoạn hoạt động sản xuất tại Trung Quốc trong tương lai. Ảnh: AFP](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_72_51440723/b10a7ddc4992a0ccf983.jpg)
Chiến lược đa dạng hóa sản xuất của Shein cho thấy tác động thuế quan của Tổng thống Trump có thể làm gián đoạn hoạt động sản xuất tại Trung Quốc trong tương lai. Ảnh: AFP
Bloomberg dẫn nguồn tạo tin cho hay những nỗ lực trên của Shein đã được thực hiện trong vài tháng qua và đã tăng tốc trong những tuần gần đây khi hãng thời trang nhanh tìm cách giảm thiểu tác động của mức thuế quan mới mà Tổng thống Trump áp lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.
Việc bổ sung nguồn cung bên ngoài Trung Quốc được kỳ vọng giúp Shein tránh được chính sách trừng phạt của Tổng thống Trump đối với hàng hóa từ Trung Quốc.
Sau tuyên bố áp thuế của chính quyền Tổng thống Trump, Bắc Kinh mới đây đệ đơn khiếu nại lên WTO, yêu cầu tham vấn thương mại với Mỹ khi các công ty vận chuyển và các nhà bán lẻ lúng túng trước việc ông Trump chấm dứt miễn trừ tối thiểu thuế quan ("de minimis") đối với hàng nhập khẩu theo gói có giá trị dưới 800 USD. Hình thức này trước đó được áp dụng phổ biến đối với các kiện hàng nhập khẩu vào Mỹ qua các công ty thương mại điện tử như Shein và Temu.
Nguồn tin của Bloomberg cho hay, Shein cam kết các ưu đãi như giá mua cao hơn từ 15 - 30% và đảm bảo các đơn hàng lớn hơn nếu các nhà cung ứng Trung Quốc hàng đầu của họ thiết lập các dây chuyền sản xuất mới tại Việt Nam. Họ cũng chấp nhận mốc thời gian sản xuất dài hơn và sẽ hỗ trợ xây dựng các cơ sở sản xuất và vận chuyển vải từ Trung Quốc đến Việt Nam.
Tuy nhiên, những ưu đãi trên sẽ chỉ áp dụng trong những tháng đầu tiên khi nhà cung ứng thành lập sản xuất tại Việt Nam và không phải là vĩnh viễn.
Hiện chưa rõ liệu các nhà cung ứng của Shein có thu hẹp quy mô công suất hiện tại ở Trung Quốc sau khi thành lập nhà máy tại Việt Nam hay không. Các cuộc thảo luận đang ở giai đoạn đầu và các kế hoạch vẫn có thể thay đổi.
Một phát ngôn viên của Shein đã phủ nhận qua email rằng công ty này có kế hoạch tăng công suất sản xuất tại Việt Nam nhưng không giải thích thêm, Bloomberg cho biết.
Chiến lược đa dạng hóa sản xuất của Shein cho thấy tác động thuế quan của Tổng thống Trump có thể làm gián đoạn hoạt động sản xuất tại Trung Quốc trong tương lai, đe dọa một số bộ phận trong lĩnh vực sản xuất rộng lớn của nước này và gây nguy cơ mất việc làm.
Các nhà kinh tế của Nomura Holdings dự đoán mức thuế quan mới của Mỹ sẽ kéo giảm 1,3 điểm phần trăm tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc và giảm 0,2 điểm phần trăm mức tăng trưởng GDP năm nay của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Là công ty tiên phong trong lĩnh vực thời trang siêu nhanh với các mặt hàng như áo sơ mi và đồ bơi có giá chỉ 2 USD, Shein đã nộp đơn xin IPO tại Mỹ vào năm ngoái với mục tiêu định giá từ 80 đến 90 tỷ USD. Shein cũng được cho là đang tiến hành niêm yết tại London.
Mặc dù đã thiết lập các tuyến cung ứng ở nhiều nơi như Brazil và Thổ Nhĩ Kỳ trong vài năm qua, nhưng phần lớn hoạt động quay vòng nhanh của thương hiệu này vẫn ở thị trường Trung Quốc đại lục.
Các mức thuế quan mới của Tổng thống Trump đối với Trung Quốc đã sa lầy trong thực thi. Sau khi chính quyền Mỹ bãi bỏ quy tắc miễn trừ thuế "de minimis" vào tuần trước, Cơ quan bưu điện Mỹ lúc đầu tuyên bố sẽ không chấp nhận các gói hàng đến từ Trung Quốc và Hong Kong nữa, nhưng sau đó lại đảo ngược quyết định chưa đầy một ngày sau đó.
Tổng thống Mỹ sau đó tuyên bố rằng việc bãi bỏ miễn thuế "de minimis" sẽ bị trì hoãn cho đến khi có hệ thống thu thuế tương thích.
Trong khi đó, các đơn vị logistics vẫn yêu cầu các nhà bán hàng trên hai nền tảng Shein và Temu trả trước thêm 30% giá bán lẻ của hàng đơn để tính vào thuế quan.