Bình Thuận còn gần 250 dự án đầu tư vốn ngoài ngân sách chậm triển khai
Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận yêu cầu các đơn vị xây dựng kế hoạch kiểm tra, rà soát một cách có hệ thống đối với các dự án đầu tư chưa triển khai hoặc triển khai chậm.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận Đỗ Hữu Huy. (Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN)
Ngày 28/4, Sở Tài chính Bình Thuận có báo cáo việc thực hiện rà soát các dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn ngoài ngân sách Nhà nước chậm triển khai, chậm đưa đất vào sử dụng trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.
Thống kê đến giữa tháng 4/2025, trên địa bàn tỉnh có 1.630 dự án đầu tư còn hiệu lực hoạt động với tổng vốn đầu tư khoảng 1,7 triệu tỷ đồng; trong đó, 1.281 dự án đầu tư đã khai thác, vận hành và hoạt động kinh doanh, chiếm tỷ lệ 78,28%; có 54 dự án đầu tư đang triển khai xây dựng, chiếm tỷ lệ 8,59%; có 295 dự án đầu tư chưa triển khai, chậm triển khai, chiếm tỷ lệ 13,13%.
Theo Sở Tài chính Bình Thuận, trong số các dự án đầu tư chưa triển khai nêu trên có 49 dự án đầu tư mới được chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (từ ngày 1/1/2023 cho đến ngày 17/4/2025) vẫn còn tiến độ thực hiện (các nhà đầu tư đang triển khai các thủ tục pháp lý về đất đai, xây dựng, môi trường… để thực hiện dự án đầu tư).
Như vậy, còn 246 dự án đầu chưa triển khai, chậm triển khai cần phải được rà soát, theo dõi và đề xuất biện pháp xử lý.
Cụ thể: 35 dự án đầu tư đã được chấp thuận đầu tư từ 5 năm trở xuống nhưng chưa triển khai, chậm triển khai (13 dự án đầu tư có tác động thực địa, 22 dự án đầu tư chưa tác động thực địa); 219 dự án đầu tư đã được chấp thuận đầu tư trên 5 năm nhưng chưa triển khai, chậm triển khai (97 dự án đầu tư có tác động thực địa, 122 dự án đầu tư chưa tác động thực địa).
Trong giai đoạn từ năm 2022 đến nay, Sở Kế hoạch và Đầu tư (nay là Sở Tài chính) đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương thường xuyên tăng cường quản lý, giám sát và tổ chức kiểm tra đối với các dự án đầu tư.
Trên cơ sở đó, đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính hoặc chấm dứt hoạt động đối với các dự án chậm triển khai không có lý do chính đáng, như trường hợp chủ đầu tư không đảm bảo năng lực thực hiện dự án đầu tư hoặc triển khai xây dựng cầm chừng, mang tính đối phó.
Trong giai đoạn 2022 đến nay, Sở Tài chính (trước đây là Sở Kế hoạch và Đầu tư) đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành tiến hành kiểm tra, rà soát 271 dự án đầu tư.
Qua đó, cơ quan thanh tra đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 129 dự án đầu tư với tổng số tiền xử phạt là 10,7 tỷ đồng, chấm dứt hoạt động đối với 59 dự án đầu tư, quyết định tạm ngừng đối với 4 dự án đầu tư, đồng thời đã tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thúc đẩy 36 dự án đầu tư khởi công xây dựng và ghi nhận 33 dự án đầu tư đã hoạt động kinh doanh.
Theo Sở Tài chính Bình Thuận, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự chậm tiến độ của các dự án đầu tư là việc bồi thường, giải phóng mặt bằng kéo dài.
Việc lập phương án hỗ trợ, tái định cư cho các hộ dân chưa đầy đủ, đặc biệt là các phương án tạo việc làm mới và chuyển đổi nghề cho những người có đất nông nghiệp bị thu hồi.
Hơn nữa, do ngân sách tỉnh còn hạn chế, chi phí giải phóng mặt bằng để tạo quỹ đất “sạch” cho nhà đầu tư chưa thể thực hiện đầy đủ.
Trách nhiệm phối hợp trong thực hiện các thủ tục hành chính giữa các cơ quan nhà nước chưa được quan tâm đúng mức, thiếu đồng bộ và kịp thời.
Điều này đã dẫn đến việc nhiều dự án đầu tư gặp vướng mắc do thời gian giải quyết thủ tục hành chính kéo dài, ảnh hưởng đáng kể đến tiến độ triển khai dự án.
Bên cạnh đó, nhiều nhà đầu tư chưa thực hiện đúng trách nhiệm, nghĩa vụ sau khi được cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư; năng lực và kinh nghiệm thực hiện dự án chưa đảm bảo theo đúng cam kết với cơ quan quản lý Nhà nước.
Đáng chú ý, một số nhà đầu tư đã chủ động “đi trước, đón đầu” quy hoạch để xin thuê đất thực hiện dự án nhưng sau đó lại không tích cực đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật bên ngoài phục vụ dự án.
Thay vào đó, họ có tâm lý trông chờ vào nguồn lực đầu tư công, chờ các dự án xung quanh triển khai xây dựng để đảm bảo tính đồng bộ, hoặc chỉ đầu tư cầm chừng.
Đến khi hạ tầng được hoàn thiện, các nhà đầu tư này mới triển khai nhằm mục đích chuyển nhượng dự án, thu lợi từ chênh lệch giá trị đất…
Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận yêu cầu các đơn vị xây dựng kế hoạch kiểm tra, rà soát một cách có hệ thống đối với các dự án đầu tư chưa triển khai hoặc triển khai chậm.
Đối với những dự án đầu tư không còn khả năng thực hiện, kéo dài tiến độ mà không có lý do chính đáng, sử dụng đất không hiệu quả hoặc để hoang hóa trong thời gian dài, Ủy ban Nhân dân tỉnh yêu cầu các đơn vị phải kiên quyết thu hồi đất, chấm dứt hoạt động theo đúng quy định của pháp luật, tránh gây lãng phí tài nguyên và góp phần tạo quỹ đất cho các nhà đầu tư có năng lực triển khai.
Ủy ban Nhân dân tỉnh cũng yêu cầu các sở, ngành và địa phương cần thực hiện nghiêm túc, kỹ lưỡng và có trách nhiệm trong việc thẩm định dự án đầu tư và đánh giá năng lực nhà đầu tư, bảo đảm tuân thủ đầy đủ các quy định hiện hành của pháp luật.
Khi xem xét điều chỉnh hoặc gia hạn tiến độ dự án, cơ quan đăng ký đầu tư phải đánh giá thực chất năng lực tài chính, khả năng triển khai và cam kết của nhà đầu tư. Chỉ những trường hợp đáp ứng đầy đủ tiêu chí về năng lực và có lý do chính đáng mới được xem xét, giải quyết./.