Bình Phước: Nói không với sử dụng động vật hoang dã trái phép

Nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành quy định pháp luật; tham gia phát hiện, tố giác, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về bảo vệ đa dạng sinh học; góp phần đảm bảo an ninh trật tự, an sinh xã hội và phát triển kinh tế của tỉnh.

Ngày 9-1-2025, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 09/KH-UBND về thực hiện chuỗi hoạt động “Tỉnh Bình Phước nói không với sử dụng động vật hoang dã trái phép”.

Cán bộ kiểm lâm và các lực lượng liên quan chuẩn bị thả 3 cá thể động vật về rừng tự nhiên (Ảnh minh họa: Minh Hiền)

Theo đó, UBND tỉnh đã đề ra 6 nội dung thực hiện, bao gồm: Tổ chức 1 hội thảo về tăng cường thực thi pháp luật, nâng cao năng lực và hiệu quả phòng, chống săn bắt và buôn bán động vật hoang dã tại huyện Bù Đăng; tổ chức 1 hội thảo tuyên truyền nâng cao nhận thức và tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong công tác bảo tồn động vật hoang dã tại xã Đồng Nai, huyện Bù Đăng; hệ thống ấn phẩm tuyên truyền nâng cao nhận thức và vận động cộng đồng không sử dụng động vật hoang dã trái phép; truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng; triển khai chuỗi hoạt động liên quan đến nhà hàng và cơ sở kinh doanh ăn uống; khảo sát đánh giá hiệu quả thực hiện chuỗi hoạt động trong việc nâng cao nhận thức của cộng đồng vùng đệm đối với vấn đề bảo tồn động vật hoang dã.

Về triển khai chuỗi hoạt động liên quan đến nhà hàng và cơ sở kinh doanh ăn uống, trong đó tập trung: Ký cam kết không buôn bán, tàng trữ, chế biến động vật hoang dã trái phép với các đơn vị kinh doanh quán ăn, nhà hàng trên địa bàn; tổ chức, tăng cường các đợt thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các đơn vị vi phạm cam kết; triển khai chiến dịch ủng hộ các đơn vị kinh doanh quán ăn, nhà hàng thực hiện nghiêm túc cam kết và bài trừ, lên án các đơn vị kinh doanh quán ăn, nhà hàng vẫn buôn bán, chế biến, sử dụng động vật hoang dã trái phép.

UBND tỉnh cũng đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan trong triển khai thực hiện kế hoạch. Trong đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân về các hành vi bị nghiêm cấm như săn, bẫy, bắt, mua bán, vận chuyển, sử dụng động vật hoang dã trái pháp luật. Theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, giám sát các hoạt động, phối hợp với các sở, ngành và đơn vị liên quan triển khai thực hiện kế hoạch đảm bảo đúng tiến độ. Chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm phối hợp với các sở, ngành, đơn vị chủ rừng và đơn vị liên quan tăng cường hiệu quả công tác đấu tranh, ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm hành vi vi phạm liên quan đến động vật hoang dã. Quản lý, kiểm tra các cơ sở gây nuôi, chế biến, kinh doanh động vật hoang dã; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm lĩnh vực động vật hoang dã.

Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu, hỗ trợ, tham gia hướng dẫn thực hiện các quy định và chính sách nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học.Phối hợp kiểm soát nạn khai thác, nuôi nhốt, buôn bán và tiêu thụ động vật, thực vật hoang dã trái pháp luật; ngăn ngừa, kiểm soát chặt chẽ và phòng trừ có hiệu quả các loài sinh vật ngoại lai xâm hại; tăng cường quản lý an toàn sinh học đối với sinh vật biến đổi gen.Tạo điều kiện, thúc đẩy các mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững, tiêu tốn ít nhiên liệu, năng lượng; phát triển và nhân rộng các mô hình kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn, các-bon thấp, sinh thái, thân thiện với môi trường.

Công an tỉnh chỉ đạo trong toàn lực lượng phối hợp và tăng cường hiệu quả công tác đấu tranh, ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan đến động vật hoang dã. Phối hợp với các sở, ngành và đơn vị liên quan kiểm tra, xử lý các hành vi mua bán, vận chuyển, tàng trữ, chế biến, sử dụng động vật hoang dã trái phép và các sản phẩm từ động vật hoang dã. Tổ chức giám sát việc triển khai các hoạt động trong chuỗi sự kiện đảm bảo đúng quy định về an ninh trật tự…

UBND tỉnh yêu cầu việc triển khai thực hiện chuỗi hoạt động “Tỉnh Bình Phước nói không với sử dụng động vật hoang dã trái phép” phải đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành chặt chẽ, toàn diện của cấp ủy, chính quyền cấp tỉnh, huyện, xã, các ngành, cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn tỉnh; là nhiệm vụ quan trọng và là yếu tố đảm bảo thực hiện thành công trong việc bảo vệ, bảo tồn và phát triển bền vững các loài động vật hoang dã.

N.K

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/167761/binh-phuoc-noi-khong-voi-su-dung-dong-vat-hoang-da-trai-phep
Zalo