Bình Dương tập trung hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

UBND tỉnh Bình Dương vừa ban hành kế hoạch được triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh cho DNVVV trên địa bàn tỉnh.

Kế hoạch được kỳ vọng sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của các DNNVV, góp phần thúc đẩy nền kinh tế địa phương và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Đối tượng được hỗ trợ là doanh nghiệp được thành lập, tổ chức và hoạt động theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp và đáp ứng các quy định tại Chương II Nghị định số 80/2021/NĐ-CP của Chính phủ về tiêu chí xác định DNNVV; các hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh, có nhu cầu phát triển chuyển đổi thành doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; các cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan đến hỗ trợ DNNVV.

Diễn đàn Hợp tác kinh tế Horasis Trung Quốc 2024 tổ chức tại Bình Dương.

Diễn đàn Hợp tác kinh tế Horasis Trung Quốc 2024 tổ chức tại Bình Dương.

Doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ tư vấn và mua giải pháp chuyển đổi số, hợp tác nghiên cứu và phát triển công nghệ. Đồng thời, nhận được hỗ trợ trong việc nâng cao trình độ công nghệ, kết nối thị trường, phát triển thương hiệu và thực hiện các thủ tục sản xuất thử nghiệm. Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và tham gia cụm liên kết ngành sẽ được hướng dẫn về trình tự, thủ tục hỗ trợ lãi suất vay vốn tại các tổ chức tín dụng.

Các sở, ngành sẽ tăng cường phổ biến thông tin về các chương trình hỗ trợ DNNVV; hướng dẫn doanh nghiệp tiếp cận mạng lưới tư vấn viên về các lĩnh vực như nhân sự, tài chính và quản trị doanh nghiệp; tổ chức các khóa đào tạo về khởi sự kinh doanh và quản trị doanh nghiệp cũng như đào tạo nghề cho lao động; hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi từ hộ kinh doanh và hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, bao gồm cả việc tìm kiếm đầu tư từ các quỹ đầu tư và tổ chức.

Theo chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Dương, Sở Kế hoạch đầu tư là cơ quan chủ trì, chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành và đơn vị liên quan triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch này; là đầu mối đôn dốc , tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh về tình hình triển khai thực hiện.

Đối với UBND các huyện, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền đến các doanh nghiệp trên địa bàn về chính sách khuyến khích, hỗ trợ DNNVV; vận động, khuyến khích các hộ kinh doanh chuyển đổi, thành lập doanh nghiệp.

Lập danh sách các hộ kinh doanh có nhu cầu chuyển đổi doanh nghiệp gửi Sở Kế hoạch đầu tư để được hướng dẫn, trợ giúp thủ tục pháp lý thành lập doanh nghiệp. Trong quá trình thực hiện, trường hợp khó khăn , vướng mắc sẽ được xem xét hỗ trợ.

Theo thống kê, đến hết năm 2023, Bình Dương có khoảng 65.000 doanh nghiệp, trong đó DNNVV chiếm khoảng 97%. Thời gian qua, hoạt động tư vấn pháp luật, giải đáp pháp luật cho DNNVV luôn được UBND tỉnh đặc biệt quan tâm, vì đây là cầu nối giữa cơ quan nhà nước với doanh nghiệp.

Các hoạt động tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp được thực hiện thông qua nhiều hình thức như trả lời bằng văn bản, thông qua đường dây nóng 1022, trang thông tin điện tử của các sở, ngành, địa phương (trong đó, một số trang tin điện tử ngoài sử dụng tiếng Việt còn có thêm tiếng Anh, tiếng Hàn, tiếng Trung để các doanh nghiệp nước ngoài dễ dàng tiếp cận), thông qua các cuộc họp, các buổi đối thoại với doanh nghiệp, thông qua chương trình "Hộp thư truyền hình" để giải đáp các thắc mắc về pháp luật của doanh nghiệp.

Các diễn giả trong phiên đối thoại với chủ đề "DNNVV là trung tâm của kinh tế".

Các diễn giả trong phiên đối thoại với chủ đề "DNNVV là trung tâm của kinh tế".

Trước đây, trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác kinh tế Horasis Trung Quốc 2024, các chuyên gia đã có buổi thảo luận tại phiên đối thoại với chủ đề "DNNVV là trung tâm của kinh tế".

Tại phiên đối thoại, các chuyên gia đã trao đổi các nội dung liên quan đến việc tăng cường hỗ trợ các DNNVV tiếp cận nguồn tài chính tốt và đột phá công nghệ để tăng tốc phát triển.

Diễn giả Li Yinya - Phó Tổng thư ký, Liên đoàn doanh nghiệp và doanh nhân Phúc Kiến (Trung Quốc) cho biết, hiện nay, DNNVV chiếm khoảng 99,6% tổng số các doanh nghiệp đang hoạt động ở Trung Quốc, là bộ phận quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân có đóng góp lên đến hơn 60% GDP và 50% thuế cho quốc gia.

Theo các diễn giả, dù đối với các nền kinh tế phát triển hay đang phát triển thì vai trò của DNNVV vẫn hết sức quan trọng. Do đó, cần phải có những chính sách hỗ trợ đặc biệt cho DNNVV phát triển. Trong đó, mối quan tâm lớn của nhiều nước là hỗ trợ DNNVV gia tăng khả năng tiếp cận tài chính và hỗ trợ tín dụng. Đồng thời tiếp tục thực hiện chính sách ưu đãi thuế doanh nghiệp cho các DNNVV, đặc biệt là các quy định pháp luật liên quan đến mức thuế suất thấp hơn cho các công ty siêu nhỏ và nhỏ.

Ngoài ra, trước những thách thức lớn từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số trong doanh nghiệp được xác định là giải pháp quan trọng, là xu hướng tất yếu để các DNNVV nâng cao năng lực, lợi thế cạnh tranh, tăng tốc và phát triển.

“Trong bối cảnh hiện nay, DNNVV đều đang rất khó khăn trong hoạt động kinh doanh. Đây cũng là khó khăn chung của thế giới chứ không riêng Việt Nam. Chính phủ Việt Nam cũng đã chỉ đạo rất quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Hệ thống ngân hàng dành nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp như chính sách giảm lãi, miễn lãi, giảm phí chia sẻ với doanh nghiệp trong giai đoạn vừa qua với tổng cộng hơn 60 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, nhiều giải pháp về lãi suất, tín dụng, cơ cấu lại nợ và giữ nguyên nhóm nợ được triển khai…” PGS.TS. Hồ Thị Thu Hòa - Chủ tịch Viện nghiên cứu Logistics Việt Nam, Trưởng khoa Quản lý chuỗi cung ứng và Logistics, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh đưa ra đánh giá.

Tuy nhiên, theo các diễn giả, để DNNVV phát triển hơn nữa thì Chính phủ phải có định hướng phát triển DNNVV rõ ràng, phù hợp với từng giai đoạn và khuyến khích, điều tiết hợp lý bằng hệ thống chính sách linh hoạt, phù hợp với yêu cầu của giai đoạn đó.

Dương Bình

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/doanh-nghiep/binh-duong-tap-trung-ho-tro-cho-doanh-nghiep-nho-va-vua-i743527/
Zalo