Bình Định tháo gỡ bất cập giao thông đường thủy để phát triển du lịch biển
Hoạt động vận tải thủy nội địa phục vụ du lịch ở tỉnh Bình Định phần lớn là tự phát nên việc quản lý gặp nhiều khó khăn, nhất là các tuyến chở khách tham quan du lịch ven bờ biển khu vực thành phố Quy Nhơn.
Tỉnh Bình Định đang tổng rà soát các phương tiện giao thông đường thủy để tháo gỡ những điểm bất hợp lý; kiên quyết xử lý và đình chỉ hoạt động nếu không đủ điều kiện theo quy định pháp luật.
Đầu tháng 5/2025, tại khu vực Hòn Khô (xã Nhơn Hải, thành phố Quy Nhơn) xảy ra vụ tai nạn mô tô nước khiến một người thiệt mạng và một người bị thương. Hai nạn nhân là chị em ruột và là du khách từ Hà Nội vào Bình Định nghỉ lễ. Sau vụ tai nạn này, các hoạt động vận chuyển khách bằng ca nô, mô tô nước không đủ điều kiện trên địa bàn thành phố Quy Nhơn đều bị tạm dừng. Lực lượng Cảnh sát giao thông đường thủy và Bộ đội Biên phòng thường xuyên kiểm tra, giám sát, không cho phương tiện không đủ điều kiện hoạt động. Trung tá Trần Minh Nhật, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông đường thủy, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Bình Định cho biết:
“Tại vùng này, các phương tiện đều chưa đảm bảo điều kiện hoạt động. Khu vực chưa được quy hoạch bến bãi, khu vui chơi, du lịch. Hiện phương án là giao cho chính quyền địa phương quản lý, nếu phát sinh phức tạp sẽ xử lý”.

Lực lượng Bộ đội Biên phòng và Cảnh sát giao thông tỉnh Bình Định tăng cường kiểm soát tàu du lịch hoạt động trên biển.
Xã Nhơn Lý, thành phố Quy Nhơn là điểm đến nổi bật về du lịch biển đảo ở tỉnh Bình Định với các địa danh Eo Gió, Kỳ Co. Nơi đây có các hoạt động như lặn ngắm san hô, câu mực đêm, giải trí dưới nước. Các dịch vụ du lịch này kéo theo sự phát triển của các dịch vụ lưu trú, nhà hàng, giải quyết việc làm cho hơn 1.000 lao động địa phương. Tuy nhiên, các hoạt động du lịch biển như ca nô, mô tô nước còn mang tính tự phát do thiếu quy hoạch bến bãi, vùng hoạt động cụ thể.
Ông Nguyễn Hữu Đảo, Giám đốc Công ty du lịch cộng đồng Khánh An, ở xã Nhơn Lý, thành phố Quy Nhơn cho biết, hiện các hoạt động ca nô vận chuyển khách và các điểm vui chơi dưới nước phải tạm ngừng khiến các dịch vụ liên quan bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
“Bà con cùng nhau nhìn lại thiếu sót để hoàn thiện. Nhơn Lý có đặc thù ca nô di chuyển gần bờ, chỉ vài trăm mét. Chúng tôi mong cơ quan chức năng xem xét đặc thù này để xây dựng bến bãi đón, trả khách”.

Khu vực đảo Hòn Khô, xã Nhơn Hải, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định khi chưa dừng hoạt động ca nô và mô tô nước chở không đảm bảo điều kiện hoạt động.
Theo UBND xã Nhơn Lý, phần lớn ca nô trên địa bàn xã đã có đăng ký, đăng kiểm, người điều khiển có chứng chỉ. Tuy nhiên, vùng hoạt động chưa được công bố rõ ràng vì vướng quy định từ nhiều văn bản khác nhau. Địa phương đã nhiều lần kiến nghị đầu tư bến bãi nhưng do thiếu kinh phí nên chưa triển khai được. Ông Nguyễn Thành Danh, Chủ tịch UBND xã Nhơn Lý cho biết, việc dừng hoạt động ca nô ảnh hưởng lớn đến du lịch địa phương. Nhiều tour bị hủy, một số cơ sở du lịch đang tính đến chuyện bán ca nô để cắt lỗ. Ông Nguyễn Thành Danh kiến nghị:
“Vừa rồi địa phương cũng có kiến nghị nếu chưa công bố vùng, tuyến hoạt động thì tạm thời cho phép ca nô đủ điều kiện được hoạt động khi đã đăng ký, đăng kiểm, người điều khiển có chứng chỉ, trang bị phao cứu sinh và chỉ hoạt động từ bờ đến điểm du lịch”.

Khu vực biển xã Nhơn Lý, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.
Tại thành phố Quy Nhơn, hoạt động giao thông đường thủy phục vụ du lịch chủ yếu diễn ra tại vùng biển các xã Nhơn Hải, Nhơn Lý, Nhơn Châu. Hiện có 57 tàu cao tốc đã được đăng kiểm, cùng một tàu vỏ gỗ vận chuyển tuyến Nhơn Châu - Hàm Tử. Hoạt động vui chơi, giải trí dưới nước trên địa bàn thành phố Quy Nhơn gồm có: chèo thuyền SUP, lái mô tô nước và lái mô tô nước kéo theo phao, dù lượn chở, kéo người chơi đi cùng diễn ra tại khu vực biển Kỳ Co, bãi Bấc, bãi Nồm (xã Nhơn Lý), khu vực biển Hòn Khô (xã Nhơn Hải) và một số khu vực khác. Hiện có 58 mô tô nước có gắn động cơ (công suất từ 200-400 mã lực) tham gia hoạt động tại các xã Nhơn Lý, xã Nhơn Hải, xã Nhơn Châu. Đây là phương tiện hoạt động thể thao mạo hiểm, phục vụ vui chơi, huấn luyện, biểu diễn, thi đấu trên biển. Hầu hết các mô tô nước này không có đăng kiểm, chưa được đăng ký, hoạt động tự phát. Người điều khiển, người hướng dẫn tập luyện, nhân viên cứu hộ mô tô nước chưa được tập huấn để cấp giấy chứng nhận. Vùng nước vui chơi, giải trí mà phương tiện hoạt động chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận hoặc công bố.
Mới đây, Sở Xây dựng tỉnh Bình Định phối hợp cùng Cảng vụ Hàng hải Quy Nhơn, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, UBND thành phố Quy Nhơn kiểm tra thực tế tại nhiều điểm du lịch. Qua kiểm tra cho thấy, hoạt động vận tải thủy du lịch mang tính tự phát, hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ. Các nhà đầu tư chưa quan tâm xây dựng bến thủy nội địa, dù đã có quy hoạch. Việc chưa đầu tư hạ tầng khiến tỉnh không thể công bố luồng tuyến, bến bãi chính thức, đồng nghĩa với việc các phương tiện không được cấp phép rời bến, đón khách. Nhiều phương tiện do người dân tự đóng hoặc mua trôi nổi, không đủ điều kiện đăng kiểm.
Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã chỉ đạo UBND thành phố Quy Nhơn xử lý ngay các bất cập về hoạt động vui chơi trên biển; đồng thời, hướng dẫn người dân tuân thủ pháp luật khi phát triển du lịch cộng đồng.
“Bình Định nằm trong top 10 điểm nhấn về du lịch toàn quốc, nhưng an toàn là đặt ra thách thức. Tôi yêu cầu tổng rà soát lại các điểm du lịch, dịch vụ liên quan để chấn chỉnh. Còn các sở, ngành sớm kiểm tra các vấn đề du lịch, nhất là phương tiện giao thông đường thủy. Chúng ta không cấm nhưng phải kiểm soát chặt chẽ”.