Bình dị làng Chăm Châu Phong
Ngày nay, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào Chăm ở xã Châu Phong (TX. Tân Châu) khá phát triển, diện mạo thôn quê khởi sắc. Đến đây, du khách được tìm hiểu, khám phá bản sắc văn hóa độc đáo của bà con được gìn giữ trăm năm bên dòng sông Hậu.
Sáng sớm, qua cầu Châu Đốc sang dòng Hậu Giang xanh trong biêng biếc. Vừa tới đầu làng, chúng tôi đã thấy bà con đang phơi tung lò mò (lạp xưởng bò) đỏ chói dưới ánh nắng ban mai, trông rất hấp dẫn. Ở làng Chăm Châu Phong cũng có đồng bào Kinh là “láng giềng gần”, sống hòa thuận, gần gũi bên nhau như anh em ruột. Từ đó, nếp ăn, cách nghĩ của người Chăm và người Kinh được hòa quyện, giao thoa cùng dòng chảy của cuộc sống.
Ghé thăm nhà anh Til, người chuyên làm lạp xưởng bò, món ăn độc đáo của đồng bào Chăm được lưu truyền qua 3 thế hệ đang trở thành đặc sản nức tiếng. Tiếp chúng tôi trong căn nhà sàn, anh Til khoe, món lạp xưởng này được bà nội của mình truyền lại, đến đời mẹ anh, rồi tới thế hệ của anh. Hiện nay, món ẩm thực lạp xưởng bò được “truyền nghề” cho bà con dòng họ anh Til hàng chục người.
Thông thường, món lạp xưởng bò của đồng bào Chăm được làm theo cách truyền thống, nên có vị chua nhẹ. Muốn làm được món này, bà con phải chọn thịt bò còn nóng vào buổi sáng sớm tại cơ sở giết mổ. Sau đó, cắt bỏ tất cả gân bò còn lẫn lộn trong thịt, rồi rửa sạch xắt nhỏ, thêm gia vị “bí truyền” sao cho vừa ăn. Bà con ở đây bật mí, sở dĩ lạp xưởng bò có vị chua nhẹ là trong quá trình chế biến, người ta trộn một ít cơm nguội giã nhuyễn vào thịt bò. Khi phơi nắng, cơm nguội sẽ tự lên men làm cho những khúc lạp xưởng có vị chua nhẹ, ăn đỡ ngán. Tuy nhiên, để món lạp xưởng bò vang xa khắp nơi, bà con nơi đây đã biết cách “biến tấu” món ăn phù hợp với khẩu vị của nhiều người.
Anh Til kể: “Trước đây, bà nội tôi từng làm món lạp xưởng bò dùng trong ba ngày Tết. Sau này, nhiều người thưởng thức khen ngon nên truyền lại cho mẹ tôi làm bán lẻ trong xóm. Mẹ tôi phơi nắng trước nhà, khách đi ngang gặp ghé mua về dùng”. Sau này, món lạp xưởng bò bán rất chạy, dòng họ của anh Til mạnh dạn làm với số lượng nhiều để tiêu thụ trên thị trường. Vào những ngày Tết, khách hàng đặt mua món lạp xưởng bò rất nhiều, gia đình anh làm không xuể. Nhiều khi còn từ chối nhận hàng. “Khách đặt từ 5 - 10kg để tủ lạnh ăn dần trong ba ngày Tết hoặc làm quà biếu bạn bè. Trước Tết khoảng vài tuần, nhiều khách điện thoại đặt hàng, tuy nhiên anh em chúng tôi làm không kịp” - anh Til bày tỏ.
Để món lạp xưởng bò thơm ngon, chất lượng, anh Til bật mí, trước đây, món lạp xưởng bò có trộn lẫn mỡ bò, gia vị, cơm nguội giã nhuyễn, đây là món ẩm thực “bí truyền” của đồng bào Chăm, vì họ không ăn thịt heo. Tuy nhiên, khi chiên lên ăn, bà con người Kinh không chịu được mùi bò. Do đó, bà nội tôi “biến tấu” lại món này bằng cách chọn thịt bò ngon pha trộn với mỡ heo, rồi ướp gia vị, mật ong nguyên chất... Thịt bò rửa sạch để ráo nước, rồi băm nhuyễn bằng tay chứ không xay bằng máy. Phơi lạp xưởng phải chọn nơi có ánh nắng thật gắt. Nếu gặp mưa phải mang vào tủ mát dự trữ, đợi hôm sau nắng đẹp mang ra phơi để giữ được độ tươi ngon. “Lạp xưởng của tôi không sấy bằng máy, tất cả đều phơi nắng tự nhiên. Với cách làm này, khi chiên lên lạp xưởng bò có mùi thơm, ngon khó cưỡng” - anh Til khoe đặc sản do gia đình làm ra.
Có la cà tại làng Chăm Châu Phong mới thấy hết những điều thú vị ẩm thực nơi đây. Ngoài lạp xưởng bò, làng Chăm Châu Phong còn có món đặc sản cơm bò trứ danh được bà con làm nên tên tuổi hàng chục năm qua. Món cơm bò nhà bà Sáu Lụa ở làng Chăm Châu Phong nổi tiếng khắp nơi. Hàng ngày, quán cơm bò bà Sáu Lụa bắt đầu thổi lửa nấu cơm, nướng thịt từ lúc 4 giờ sáng và kết thúc vào 8 giờ cùng ngày. Do đó, thực khách nếu muốn thưởng thức món cơm bò nướng phải tranh thủ đến đây tờ mờ sáng. Nhìn bề ngoài, quán cơm bò lắm mộc mạc, đơn sơ, thế nhưng, nét đặc trưng ở đây là món thịt bò nướng rất “chân phương”. Bếp than hồng cháy liu riu nướng thịt được đặt ở sân trước. Lâu lâu, giọt mỡ rớt xuống bếp hồng nghe lèo xèo, rồi bốc lên mùi thơm lừng, khiến thực khách ngồi đợi bồn chồn trong dạ.
Với cách chọn lựa, nướng thịt bò, cách pha nước chấm được chế biến từ vị nước mắm ngon đậm đà, cộng hưởng với hương thơm, chua chua của trái bứa nướng hòa quyện vào nhau, làm cho thực khách phương xa ăn vào sẽ nhớ món cơm da diết. “Ban đầu tui bán cơm cho bà con lối xóm ăn sáng. Dần dà, quán cơm bò được khắp nơi biết đến. Khâu chọn bò rất quan trọng, phải lựa phần thịt trên lưng (gọi là nuột lưng), bởi phần thịt này mỗi con bò chỉ lấy được khoảng 1kg, nướng lên rất mềm và thơm ngon. Món cơm bò nhà tui làm có kèm theo tô cháo lòng bò cũng rất hấp dẫn. Ngoài ra, tôi còn kèm nguyên liệu dưa chua (gồm tỏi, hành, kiệu, gừng, ớt), nhưng phải ngâm giấm gạo để tạo nên sức hấp dẫn đối với mọi người”- bà Sáu Lụa chia sẻ. Tiết trời đang se lạnh, lữ khách thưởng thức dĩa cơm bò nướng than hồng đỏ rực, ăn kèm với dưa chua giòn rụm, húp tô cháo bò bốc khói, ngon không tả nổi!
Ông Mohamad, thầy giáo là người dân tộc Chăm nghỉ hưu còn duy trì cái nghề dệt thổ cẩm để phục vụ khách du lịch, rất tự hào về các món ẩm thực của đồng bào Chăm. Từ lâu, bà con biết chế biến nhiều món ăn, như: Cà-ri, cơm nị, tung lò mò, lẩu chua… phục vụ trong các dịp lễ hội. Ông Mohamad nói rằng, những món ăn truyền thống này sẽ được giới thiệu để phục vụ lữ khách khi đến tham quan làng Chăm Châu Phong. Các công ty du lịch, lữ hành nếu dặn trước, chúng tôi sẵn sàng nấu nướng các món ăn truyền thống này để phục vụ du khách ngay tại chỗ, sau hành trình khám phá, trải nghiệm bên dòng sông Hậu.
Men theo con đường nông thôn đi qua làng Chăm, chúng tôi bắt gặp bà con đang túm tụm trước những chiếc xe đẩy để mua hàng. Đối với bà con thôn quê, những chiếc xe đẩy như “chợ di động” phục vụ “tận răng” đủ thứ đồ dùng, thực phẩm. Do đó, đồng bào Chăm không cần đi chợ xa cũng có người “mang chợ” tới tận ngỏ, gõ cửa từng nhà để mua hàng. Thấy phụ nữ Chăm trong trang phục truyền thống đang mua hàng, chúng tôi giơ máy chụp ảnh, chị em thẹn thùng, bẽn lẽn, kéo chiếc khăn che mặt, rồi chạy một mạch vào nhà. Bên lề đường gặp bà Sa Ri Yah đang cặm cụi chiên những chiếc bánh truyền thống bán cho bà con lối xóm, kiếm thêm thu nhập. Nhìn căn nhà đúc khang trang, tôi hỏi ra mới biết là nhà của bà Sa Ri Yah. Đó là thành quả lao động cần mẫn của gia đình bà Sa Ri Yah, với đủ nghề: Se tơ, dệt vải, buôn bán nhỏ... Nay cuộc sống ổn định, bà tiếp tục duy trì cái nghề chiên bánh bán kiếm thêm thu nhập lúc nhàn hạ...
Trưa nắng gắt, bỗng có tiếng trống thánh đường thúc giục liên hồi, báo hiệu giờ hành lễ đã đến. Chúng tôi thấy trẻ em, thanh niên, người có uy tín của làng Chăm nhanh chân đến thánh đường cầu nguyện, ước vọng mọi đều bình an trong cuộc sống.