Bình dân học vụ số - cách làm ở Thanh HoáBài 2: Tổ công nghệ số cộng đồng - cánh tay nối dài đắc lực

Bí thư chi bộ cấp thôn; trưởng thôn; các thành viên của Ban công tác mặt trận; chi hội trưởng các hội nông dân, phụ nữ, cựu chiến binh; đoàn viên thanh niên… là các thành viên cốt cán trong các tổ công nghệ số cộng đồng (CNSCĐ) ở Thanh Hóa đang thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phổ biến kiến thức, kỹ năng số đến từng người dân; tiếp tục trở thành cánh tay nối dài đắc lực trong phong trào Bình dân học vụ số ở Thanh Hóa.

Đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn từng người dân

Qua ghi nhận thực tế có thể thấy, công cuộc Bình dân học vụ số với mục tiêu phổ cập kiến thức, kỹ năng số tới toàn dân rất cần đến vai trò “dẫn dắt” của những cán bộ cơ sở, những người gần dân, hiểu dân nhất. Theo chia sẻ của những người hoạt động trong các tổ CNSCĐ ở Thanh Hóa, bên cạnh những người có điều kiện tìm hiểu về công nghệ số cũng còn những người không đủ điều kiện - không chỉ là những yếu tố hữu hình, mà còn có thể là không có thời gian do yếu tố công việc đặc thù, không yêu thích hoặc tâm lý e sợ…

Các lớp học “Bình dân học vụ số” như mô hình tổ CNSCĐ ở xã Luận Thành, huyện Thường Xuân đang tổ chức cũng được nhiều địa phương huyện miền núi Thanh Hóa áp dụng đem lại hiệu quả. Tuy nhiên, hình thức học tập trung này chỉ phù hợp với những người dân sản xuất kinh doanh tại chỗ, có điều kiện tham dự; đối với những ngành nghề đặc thù, phải di chuyển nhiều nơi, di trú lâu tại địa phương khác thì khó áp dụng. Do đó, cần nhiều mô hình sáng tạo trong quá trình thực hiện Bình dân học vụ số để phù hợp với từng nhóm đối tượng khác nhau.

Tại phường Hải Thanh (thị xã Nghi Sơn) - địa phương với hàng nghìn lao động nghề biển, nhiều lao động ít khi có mặt ở địa phương nên cách “bình dân học vụ số” được các thành viên của tổ CNSCĐ thực hiện rất linh hoạt. Anh Nguyễn Văn Đức (Tổ dân phố Thanh Đông) là chủ tàu câu mực với 5 thuyền viên thường câu mực tại vùng biển Vịnh Bắc Bộ, các đảo Cô Tô, Bạch Long Vĩ với thời gian mỗi đợt đi làm từ 1 - 2 tháng. Do thời gian đi biển dài ngày nên anh Đức rất khó tham gia các hội nghị, hội họp của địa phương để tiếp cận các kiến thức và công nghệ số.

Qua rà soát biết được các tàu thuyền sẽ về bến nghỉ vào dịp trăng rằm, các thành viên tổ CNSCĐ ở tổ dân phố Thanh Đông đã đến tận gia đình hướng dẫn anh Đức cài đặt ứng dụng VNeID và tích hợp các loại giấy tờ tùy thân; đồng thời, hướng dẫn sử dụng các ứng dụng thanh toán điện tử; hướng dẫn cách phòng tránh lừa đảo trên không gian mạng. “Nếu không có sự hướng dẫn của tổ CNSCĐ, tôi cũng không biết đến và không biết cách cài đặt các ứng dụng rất thiết thực với đời sống. Giờ đây, chỉ cần điện thoại là tôi có thể xuất trình giấy tờ bất cứ khi nào cần”, anh Đức phấn khởi chia sẻ.

Một câu chuyện khác của chị Phạm Thị Lan ở xã Định Bình, huyện Yên Định càng cho thấy ích lợi của việc sử dụng công nghệ trong cuộc sống và tầm quan trọng của các tổ CNSCĐ tại các địa phương. Chị Phạm Thị Lan hiện đang làm việc tại Hàn Quốc, muốn xin giấy xác nhận tình trạng hôn nhân và giấy xác nhận cư trú để kết hôn bên Hàn Quốc. Nhờ hướng dẫn của tổ CNSCĐ, chị Lan đã làm hồ sơ trực tuyến và xin cấp thành công các loại thủ tục này mà không phải mất thời gian, chi phí để bay về Việt Nam. Nguyên vẹn cảm xúc vui mừng, chị chia sẻ: “Nhờ sự hỗ trợ của các bạn thanh niên trong tổ CNSCĐ, tôi đã hoàn thành được thủ tục của mình rất nhanh gọn và thuận tiện, nếu không tôi sẽ phải bay về mất rất nhiều tiền và thời gian”.

Bí thư Đoàn xã Định Bình Nguyễn Thị Minh chia sẻ: Do tâm lý e ngại, sợ mất thời gian, sợ mất chi phí, không có người hướng dẫn hoặc do quá bận nên người dân chưa để ý đến công nghệ số. Bởi vậy, sau khi được tổ công nghệ đến tận nhà hướng dẫn tận tình và thử ứng dụng công nghệ số vào đời sống, tự họ đã chủ động tìm hiểu và ứng dụng công nghệ này trong công việc và cuộc sống hàng ngày. Tự họ tạo ra thói quen sử dụng công nghệ để trở thành những công dân số.

Sẵn sàng các nhiệm vụ mới

Toàn tỉnh Thanh Hóa hiện có 4.351 tổ CNSCĐ với 15.995 thành viên (100% thôn, bản, tổ dân phố đã có tổ CNSCĐ). Mỗi tổ có từ 3 - 9 thành viên với lực lượng nòng cốt là Bí thư chi bộ cấp thôn; tổ trưởng tổ dân phố; đoàn thanh niên; doanh nghiệp viễn thông... Các tổ CNSCĐ trên địa bàn tỉnh đã tham gia thực hiện hiệu quả các mô hình như: mô hình “3 không”, “Chợ không dùng tiền mặt”, “Thôn thông minh”, “Làng số”, đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử gắn với truy xuất nguồn gốc và thanh toán không dùng tiền mặt... Một số địa phương đã đa dạng hóa nội dung sinh hoạt tổ dân phố, thôn, bản ở nhà văn hóa bằng các buổi sinh hoạt chia sẻ, giới thiệu về kinh nghiệm sử dụng các nền tảng số, dịch vụ số; tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đặc biệt, tổ CNSCĐ còn tuyên truyền, vận động các nhà hảo tâm, bà con xa quê đóng góp lắp đặt hệ thống camera an ninh thôn, xóm để góp phần bảo đảm an ninh trật tự.

Những mô hình hay, sáng tạo của các tổ CNSCĐ đã và đang tiếp tục lan tỏa, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của người dân trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia. Đến nay, với phong trào “Bình dân học vụ số”, các tổ CNSCĐ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa tiếp tục phát huy lợi thế “gần dân, hiểu dân” với những cách làm linh hoạt, chủ động; luôn nhiệt huyết, sẵn sàng với các mục tiêu, nhiệm vụ mới.

Các tổ CNSCĐ ở Thanh Hóa không ngại đến từng nhà để hướng dẫn và hỗ trợ người dân tích hợp các loại giấy tờ tùy thân lên phần mềm VNeID. Ảnh: Mỹ Hạnh

Các tổ CNSCĐ ở Thanh Hóa không ngại đến từng nhà để hướng dẫn và hỗ trợ người dân tích hợp các loại giấy tờ tùy thân lên phần mềm VNeID. Ảnh: Mỹ Hạnh

Ông Vũ Đình Kịp, Tổ trưởng Tổ CNSCĐ khu phố 4, phường Lam Sơn (TX. Bỉm Sơn) chia sẻ, cách đây 80 năm, phong trào Bình dân học vụ do Bác Hồ khởi xướng đã giúp xóa nạn mù chữ trong toàn dân. Ngày nay, trong thời đại công nghệ tân tiến, phong trào “Bình dân học vụ số” do Tổng Bí thư Tô Lâm phát động sẽ giúp người dân, đặc biệt là những người ít có điều kiện tiếp cận công nghệ có thể nắm bắt và làm chủ công nghệ, từ đó hiểu về kinh tế số, xã hội so Đặc biệt, người dân có thể tương tác với chính quyền thông qua cổng dịch vụ công trực tuyến để giảm bớt khó khăn, phiền hà khi thực hiện các thủ tục hành chính.

“Từ 5 thành viên khi thành lập, tổ CNSCĐ chúng tôi đã được kiện toàn lên 25 thành viên. Với phương châm đi từng ngõ, gõ từng nhà, cầm tay chỉ việc hướng dẫn để người dân ngày càng hiểu biết sâu rộng, nhận thức được tầm quan trọng của công nghệ số ở hiện tại và tương lai, để người dân ngày càng được tiếp cận với công nghệ tân tiến hơn”, ông Kịp khẳng định.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa vừa ban hành Kế hoạch số 265-KH/TU ngày 24/4/2025 về “Triển khai phong trào bình dân học vụ số trên địa bàn tỉnh”. Một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu triển khai phong trào bình dân học vụ số là triển khai mô hình “Tổ công nghệ số cộng đồng” - cánh tay nối dài đắc lực triển khai phong trào bình dân học vụ số. Cụ thể: Phát huy vai trò, hiệu quả hoạt động của các Tổ công nghệ số cộng đồng đã được thành lập với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn từng người”. Nhất là ở vùng nông thôn, miền núi, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và những nơi có điều kiện khó khăn, bảo đảm mọi người dân đều được phổ cập kỹ năng cơ bản về chuyển đổi số.

Đào Cảnh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/binh-dan-hoc-vu-so-cach-lam-o-thanh-hoa-bai-2-to-cong-nghe-so-cong-dong-canh-tay-noi-dai-dac-luc-10372038.html
Zalo