Bình dân học vụ số (Bài 2): Phổ cập tri thức 'số' đến toàn dân

Nhằm phổ cập tri thức số đến toàn dân, phong trào 'Bình dân học vụ số' sẽ trang bị kỹ năng sử dụng công cụ số như điện thoại, phần mềm, nền tảng số và khả năng bảo vệ thông tin cá nhân trên không gian mạng cho mỗi người, để không ai bị bỏ lại phía sau.

Ông Trương Văn Niên, trưởng thôn Vệ Thôn giới thiệu về hoạt động CĐS của thôn.

Ông Trương Văn Niên, trưởng thôn Vệ Thôn giới thiệu về hoạt động CĐS của thôn.

Những ngày qua, tổ công nghệ số cộng đồng (TCNSCĐ) khu phố 8, thị trấn Nưa (Triệu Sơn) đã không quản ngại khó khăn, ngày đêm hỗ trợ công tác chuyển đổi số (CĐS) đến từng hộ dân, góp phần tuyên truyền sâu rộng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về “Bình dân học vụ số”. Đồng thời, tuyên truyền, hướng dẫn người dân cài đặt, nắm bắt kỹ năng, sử dụng thành thạo các nền tảng số, các ứng dụng số cơ bản như: Định danh điện tử cá nhân, bảo hiểm xã hội, sổ sức khỏe điện tử, tài khoản mobile money, thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên Cổng dịch vụ công của tỉnh, quốc gia, để tương tác với chính quyền và tạo nhóm mạng xã hội zalo bao gồm tất cả các hộ gia đình, người dân trong tổ dân phố và phổ cập kỹ năng số đến người dân.

Anh Lê Viết Hùng (khu phố 8, thị trấn Nưa) kể: “Trước đây, khi chưa có dịch vụ công trực tuyến, mỗi lần gia đình tôi phải làm giấy tờ, thủ tục hành chính đều phải đi từ sớm, mất một buổi. Thậm chí, có những lần tôi phải đi lại mất vài ngày mới làm xong vì quên giấy tờ, nhiều thủ tục tôi không nắm rõ. Tuy đã được hỗ trợ cài đặt ứng dụng dịch vụ công trực tuyến nhưng tôi vẫn chưa thể thành thạo các bước, sợ nhầm lẫn nên cứ đến tận nơi để làm. May mắn, trong những ngày tháng 4, tôi được các thành viên trong TCNSCĐ đến tận nhà tuyên truyền, rồi cầm tay chỉ việc từng thao tác nhỏ, tôi dần quen và cảm thấy tự tin hơn khi dùng phần mềm”. Anh Lê Viết Hùng là một trong hàng trăm người dân thị trấn Nưa được các TCNSCĐ “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà” trực tiếp hỗ trợ cài đặt và sử dụng phần mềm công nghệ số.

Chị Hứa Thị Thúy, Bí thư Đoàn thị trấn Nưa, thành viên ban chỉ đạo CĐS thị trấn Nưa cho biết: “Trong những đợt cao điểm hỗ trợ CĐS, các TCNSCĐ của thị trấn đã giúp 3.500 người dân cài đặt chữ ký số (tính riêng trong những tháng cuối năm 2024); 3.790 người dân được tích hợp giấy tờ vào VneID (trong tháng 3, 4/2025), đạt 81%. Hầu hết những người có tài khoản định danh điện tử mức độ 2 đã được hỗ trợ tích hợp giấy tờ và các hoạt động CĐS khác như giao dịch điện tử, làm thủ tục hành chính... TCNSCĐ đã phát huy vai trò quan trọng, là chiếc cầu kết nối người dân với chính quyền, tổ chức, doanh nghiệp, giúp tháo gỡ những nút thắt về công nghệ, để người dân hiểu và làm theo”.

Đoàn viên, thanh niên thị trấn Nưa hỗ trợ người dân trong công tác CĐS.

Đoàn viên, thanh niên thị trấn Nưa hỗ trợ người dân trong công tác CĐS.

Phát huy vai trò của mình, TCNSCĐ Vệ Thôn (xã Định Hưng, Yên Định) những ngày qua luôn tất bật đến từng nhà để hỗ trợ người dân thực hiện cài đặt ứng dụng số. Sau một thời gian, hoạt động này đã trở nên quen thuộc với người dân Vệ Thôn. Thành viên trong TCNSCĐ đều là những người đã được tập huấn, có kiến thức nhất định về công nghệ, trực tiếp đến hướng dẫn người dân thực hiện các thủ tục hành chính trực tuyến, mở tài khoản thanh toán điện tử, cũng như hỗ trợ gia đình mua bán hàng hóa trên sàn thương mại điện tử... Đặc biệt, với những người cao tuổi, người bị hạn chế khả năng đi lại, người khó tiếp cận công nghệ... được các thành viên “cầm tay chỉ việc” nhiều lần. Sự tích cực, năng nổ của TCNSCĐ đang góp phần thúc đẩy mạnh mẽ CĐS tại cơ sở. Nhờ đó, cả 4 thôn của xã gồm Vệ Thôn, Hổ Thôn, Đồng Tình và Duyên Hy đều được công nhận là thôn thông minh. 100% dân số trưởng thành đã cài đặt, nắm bắt kỹ năng sử dụng các nền tảng số, ứng dụng số cơ bản trên điện thoại thông minh. 100% các hộ kinh doanh trên địa bàn sử dụng mã QR, thanh toán không dùng tiền mặt, tỷ lệ người dân trong độ tuổi lao động có tài khoản ngân hàng đạt 83%.

Ông Lê Văn Cường, Chủ tịch UBND xã Định Hưng, cho biết: “Triển khai phong trào “Bình dân học vụ số”, xã đã xây dựng kế hoạch, đề ra nhiều giải pháp hiệu quả. Thực hiện công tác CĐS, năm 2024 xã đã phối hợp với các ngân hàng Agribank, Vietcombank tổ chức các buổi tuyên truyền, vận động, mở tài khoản miễn phí cho người dân. Các ngân hàng cũng đã hỗ trợ các hộ kinh doanh, buôn bán trên địa bàn xã tạo mã QRcode thanh toán điện tử. Chỉ sau một thời gian ngắn triển khai, việc thanh toán không dùng tiền mặt đã trở thành thói quen chi tiêu hàng ngày của người dân trên địa bàn xã. Đồng thời, TCNSCĐ đã hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng thành thạo các ứng dụng số trên điện thoại. Đến nay, hầu hết người dân đều đã được tiếp cận với CNS”.

Đến nay, toàn tỉnh thành lập được 2.349 TCNSCĐ với sự tham gia của 19.066 cán bộ, đoàn viên, thanh niên. Mỗi TCNSCĐ có từ 3- 9 thành viên với lực lượng nòng cốt là bí thư chi bộ cấp thôn, tổ trưởng tổ dân phố, đoàn thanh niên, hội phụ nữ... Các thành viên được trang bị kiến thức và kỹ năng, trực tiếp “cầm tay chỉ việc” cho người dân. Từ những thao tác cơ bản trên điện thoại thông minh, cách sử dụng các ứng dụng hữu ích, đến các kỹ năng giao dịch trực tuyến an toàn, tất cả đều được hướng dẫn một cách tận tình, dễ hiểu. Với vai trò của mình các TCNSCĐ đã và đang tham gia thực hiện có hiệu quả các mô hình CĐS như: mô hình “3 không”, “Chợ không dùng tiền mặt”, “Thôn thông minh”, “Làng số”, đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử gắn với truy xuất nguồn gốc và thanh toán không dùng tiền mặt... Bên cạnh đó, TCNSCĐ còn tuyên truyền, vận động các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh, bà con xa quê đóng góp lắp đặt hệ thống camera an ninh thôn, xóm; hiến đất làm đường giao thông. Một số địa phương đã đa dạng hóa nội dung sinh hoạt tổ dân phố, thôn, bản ở nhà văn hóa bằng các buổi sinh hoạt chia sẻ, giới thiệu về kinh nghiệm sử dụng các nền tảng số, dịch vụ số; tuyên truyền về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước...

Bài và ảnh: Phan Vân

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/binh-dan-hoc-vu-so-bai-2-pho-cap-tri-thuc-so-den-toan-dan-37061.htm
Zalo