Bill Gates, CTO Amazon và các nhà lãnh đạo dự đoán về cách sử dụng công nghệ trong năm 2025
Những cuộc thảo luận về trí tuệ nhân tạo (AI) đã thống trị năm 2024 và các nhà lãnh đạo công nghệ dự đoán rằng giai đoạn tiếp theo của kỷ nguyên AI sẽ đến vào năm 2025 dù tốt hay xấu.
Những dự đoán trái chiều của họ cho thấy triển vọng về AI vào năm 2025 vẫn chưa chắc chắn. Tuy nhiên, nhiều lãnh đạo công nghệ khẳng định rằng cách con người tương tác với công nghệ sẽ tiếp tục thay đổi vào năm 2025 và có khả năng sẽ tác động đến việc làm.
Việc sử dụng công nghệ một cách có ý thức hơn đang "định hình lại mối quan hệ giữa chúng ta với thế giới kỹ thuật số" và nhiều người ở Mỹ đang ưu tiên sức khỏe tinh thần hơn là tìm kiếm sự chú ý, Werner Vogels - Giám đốc công nghệ (CTO) Amazon cho biết trong bài đăng trên blog vào tháng 12.2024.
"Lực lượng lao động của tương lai sẽ không chỉ được thúc đẩy bởi thành công về mặt tài chính và sự thăng tiến trong sự nghiệp mà còn bởi mong muốn sâu sắc hơn là tạo ra sự thay đổi tích cực trên thế giới", theo Werner Vogels.
Tuy nhiên, Clement Delangue, Giám đốc điều hành công ty khởi nghiệp AI Hugging Face, dự đoán sẽ có phản ứng mang tính đối đầu hơn với AI. Ông cho biết trên LinkedIn rằng "cuộc biểu tình công khai lớn đầu tiên liên quan đến AI" sẽ diễn ra vào năm 2025.
Năm 2025 sẽ tiết lộ liệu dự đoán mà Bill Gates đã nhấn mạnh trong hơn 10 năm qua có thành hiện thực hay không. Nhà đồng sáng lập Microsoft nhiều lần cho rằng 2/3 tổng số công việc ở Mỹ vào năm 2025 sẽ không thể chỉ dựa vào trình độ trung học phổ thông mà cần thêm kiến thức hoặc kỹ năng được giáo dục sau đó.
Bên dưới là những gì Werner Vogels, Clement Delangue và các nhà lãnh đạo công nghệ khác nói về năm 2025.
Lực lượng lao động đang tiến hóa
Hãng dịch vụ quản lý ADP sử dụng AI để hỗ trợ nhân viên bán hàng và AI tạo sinh giúp công ty chuẩn bị cho các ngày họp với nhà đầu tư, theo trang The Wall Street Journal. Don McGuire, Giám đốc tài chính ADP, nói với The Wall Street Journal rằng những khoản đầu tư như vậy sẽ tiếp tục vào năm 2025.
Don McGuire cho biết: "Những việc mà trước đây cần có người ngồi bên cạnh bạn và đeo tai nghe để làm, giờ đây bạn có thể thực hiện chúng bằng các công cụ AI tạo sinh".
Khi công nghệ thông minh hơn được tích hợp vào lực lượng lao động, Werner Vogels nói "một cuộc cách mạng thầm lặng" đang diễn ra trong những người coi trọng tác động với xã hội có ý nghĩa hơn thành công về mặt tài chính.
Thế hệ Millennials (sinh năm 1981-1996) và Z (năm 1997-2012) đang dẫn đầu trong việc tìm kiếm ý nghĩa trong công việc, nhưng Werner Vogels cho rằng xu hướng này cũng được thúc đẩy bởi các nhóm tuổi khác và chính thị trường lao động.
Werner Vogels nói: "Việc khai thác công nghệ vì mục đích tốt đẹp đã trở thành yêu cầu bắt buộc về mặt đạo đức và nỗ lực mang lại lợi nhuận".
Người tiêu dùng sẽ tránh xa công nghệ gây xao lãng
Theo Werner Vogels, nhiều người sẽ tìm ra những cách có chủ đích hơn để sử dụng thiết bị của họ vào năm 2025. Giám đốc công nghệ Amazon chỉ ra dữ liệu liên quan đến việc sử dụng phương tiện truyền thông xã hội và các vấn đề về sức khỏe tâm thần ở thanh thiếu niên tại Mỹ, như một dấu hiệu cần suy nghĩ lại về mối quan hệ với công nghệ.
Ông cho biết: "Mọi cú vuốt, tiêu đề và thông báo đều được thiết kế tỉ mỉ để giữ chân chúng ta”.
Ngày càng có nhiều người ý thức hơn về thời gian sử dụng màn hình của mình. Một số người đang áp dụng các quy tắc cho bản thân hoặc con cái của họ. Có người khác đang tìm kiếm các giải pháp thay thế như điện thoại cổ điển chỉ có chức năng nghe gọi và nhắn tin, không có trình duyệt web hoặc các tính năng phức tạp khác.
Ngược lại, Clement Delangue dự đoán rằng một số người sẽ mua nhiều thiết bị mang tính tương lai hơn, như những robot AI hình người đang được Tesla và các công ty khác phát triển.
"Sẽ có ít nhất 100.000 robot AI cá nhân được đặt hàng trước", ông viết trên LinkedIn.
Đầu tư vào AI sẽ tiếp tục tăng vọt
Nếu 2024 là năm các công ty bắt đầu áp dụng AI thì trong 2025, họ có thể sẽ bắt đầu điều chỉnh AI để phù hợp với nhu cầu của mình.
Một số người cho rằng AI sẽ trở nên tích hợp vào cuộc sống chúng ta đến mức nhiều người thậm chí không nhận ra sự hiện diện của công nghệ này.
"Giống internet hoặc điện, AI sẽ trở thành động lực vô hình thúc đẩy kết quả, không còn được nhấn mạnh như một tính năng nổi bật nữa”, Tom Biegala, đồng sáng lập Bison Ventures - công ty đầu tư mạo hiểm tập trung vào công nghệ tiên phong, nói với trang Insider.
Khi đưa AI vào hoạt động kinh doanh, các công ty có thể sẽ cần tập trung nhiều hơn vào việc quản lý công nghệ một cách có trách nhiệm.
"Năm 2025, chúng tôi hy vọng nhiều doanh nghiệp hơn sẽ nhận ra rằng đầu tư vào quản trị AI cũng quan trọng như việc áp dụng chính công nghệ này", Navrina Singh, người sáng lập Credo AI - nền tảng quản trị AI, cho hay.
"AI có thể không được bàn tán rầm rộ như trước, nhưng các khoản đầu tư vào công nghệ này sẽ tăng vọt", theo Immad Akhund, Giám đốc điều hành Mercury - công ty cung cấp dịch vụ ngân hàng cho các công ty khởi nghiệp.
Immad Akhund tin rằng sự quan tâm bền vững với AI xuất hiện khi các công ty chuyển từ thử nghiệm sang sử dụng công nghệ này trong các lĩnh vực thực tế như dịch vụ khách hàng, bán hàng, tài chính.
"Các công ty sẽ sử dụng AI để tăng năng suất, đặc biệt là trong nhiệm vụ văn phòng và quản lý tài liệu, giúp các nhóm nhỏ mở rộng quy mô nhanh chóng và hoạt động hiệu quả hơn", ông nhận định.
Dưới thời chính quyền Trump, ban lãnh đạo mới tại Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ có thể thúc đẩy môi trường thuận lợi hơn cho các vụ sáp nhập, mua lại và IPO (chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng) trong ngành AI.
"Tôi dự kiến mua bán và sáp nhập sẽ tăng ít nhất 35% vào năm tới. 10 công ty mua lại tích cực nhất trong ngành phần mềm đang giảm mạnh hoạt động, đòi hỏi thị trường IPO phải bùng nổ với sự kết hợp giữa AI và các công ty phần mềm khác”, Tomasz Tunguz, người sáng lập công ty đầu tư mạo hiểm Theory Ventures, bình luận.
Cuộc cạnh tranh sẽ trở nên khốc liệt
Đừng ngạc nhiên nếu một công ty hàng đầu bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì AI.
"Ít nhất một công ty lớn, được công nhận trên toàn cầu sẽ thất bại hoặc phải thu hẹp đáng kể quy mô do không thể cạnh tranh với một hoặc nhiều công ty khởi nghiệp chuyên về AI. Các chu kỳ đổi mới nhanh chóng và ứng dụng AI trên diện rộng sẽ khiến những công ty chậm phát triển trở nên lỗi thời", Stefan Weitz, Giám đốc điều hành và đồng sáng lập hội nghị AI hàng đầu HumanX, nói.
Stefan Weitz tin rằng mối đe dọa của AI sẽ lan rộng ra toàn cầu, đòi hỏi các cường quốc phải điều tiết công nghệ này để duy trì lợi thế cạnh tranh.
"Như chúng ta đã thấy với việc Mỹ và Trung Quốc điều chỉnh hoặc chặn các công nghệ AI cốt lõi, các quốc gia hoặc tập đoàn sẽ trải qua các cuộc xung đột địa chính trị lớn về thuật toán và dữ liệu AI, với một số nước cấm hoặc quốc hữu hóa các công nghệ AI quan trọng để duy trì quyền kiểm soát với quyền lực kinh tế và chính trị", ông viết.
Dù thế nào, Mỹ và Trung Quốc đã hợp tác với nhau để giảm thiểu mối đe dọa hiện hữu mà AI gây ra cho nhân loại. Vào tháng 11, tại Hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhất trí rằng con người, chứ không phải AI, sẽ đưa ra quyết định liên quan đến việc sử dụng công nghệ hạt nhân.
Ranh giới giữa con người và AI sẽ không rõ ràng
Ý tưởng về con người và các tác nhân tự động làm việc cùng nhau có thể sớm vượt ra ngoài phạm vi khoa học viễn tưởng. Điều đó đồng nghĩa chúng ta cũng sẽ cần bắt đầu soạn thảo các quy tắc để quản lý những tương tác này.
Một số người dự đoán rằng sự khác biệt giữa nội dung do con người hay AI tạo ra cũng sẽ ngày càng trở nên không rõ ràng.
"Phương tiện truyền thông tạo sinh sẽ trở nên phổ biến rộng rãi và được thảo luận nhiều như mô hình ngôn ngữ lớn vào năm 2024. Âm thanh và hình ảnh tạo sinh đang trở nên tốt hơn nhờ các mô hình tiên tiến hơn và chúng ta sẽ bắt đầu thấy sự gia tăng đột biến trong cả người tiêu dùng lẫn doanh nghiệp", Steve Jang, người sáng lập kiêm đối tác quản lý của công ty đầu tư mạo hiểm giai đoạn đầu Kindred Ventures, nói.
Chuyên môn hóa
Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp nói rằng 2025 sẽ là năm AI được tùy chỉnh để phù hợp với các nhu cầu cụ thể.
"Vào năm 2025, chu kỳ cường điệu về AI sẽ nhường chỗ cho sự trỗi dậy của AI và robot chuyên biệt, dành riêng cho từng lĩnh vực. Các sản phẩm sẽ nhanh hơn và hiệu quả hơn trong khi vẫn mang lại giá trị hữu hình, tức thời so với các giải pháp đa năng. Thay đổi này sẽ đánh dấu sự khởi đầu của tác động kinh tế thực sự, mang tính biến đổi của AI", Tom Biegala cho hay.
Sự tập trung vào tùy chỉnh cũng mở rộng sang cách chúng ta tìm kiếm thông tin trực tuyến, với các chatbot thay thế công cụ tìm kiếm như Google.
Trong năm qua, các nhà lãnh đạo AI đã thúc đẩy giá trị của các mô hình AI nhỏ hơn có thể giải quyết các nhu cầu cụ thể của công ty tốt hơn so với những mô hình nền tảng quy mô lớn.
"Có rất nhiều áp lực trong việc tạo ra các mô hình nhỏ hơn, hiệu quả hơn, thông minh hơn thông qua dữ liệu và thuật toán, phương pháp, thay vì chỉ mở rộng quy mô do áp lực thị trường", Aidan Gomez, người sáng lập và Giám đốc điều hành Cohere - công ty khởi nghiệp AI cho doanh nghiệp, từng chia sẻ với Insider.
Áp lực đang gia tăng khi giá trị của việc xây dựng các mô hình chỉ dựa trên sức mạnh tính toán giảm xuống.
"Thời đại sử dụng GPU (bộ xử lý đồ họa) mạnh mẽ để xây dựng mô hình và ứng dụng sẽ sớm lùi vào dĩ vãng", Tom Biegala đánh giá.
Các công ty cũng có thể sử dụng công cụ AI tùy chỉnh nhiều hơn, có khả năng thay thế những ứng dụng phần mềm dạng dịch vụ (SaaS).
Thuế quan có thể dẫn đến việc cắt giảm dự án
Chỉ còn vài tuần nữa là đến ngày Donald Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ lần thứ hai (hôm 20.1) và ông đã đe dọa sẽ áp thuế cao hơn với hàng hóa nhập khẩu từ Canada, Mexico, Trung Quốc và các đối tác thương mại khác của Mỹ, gây lo ngại về việc gia tăng chi phí cho các doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng. "Điều này có vẻ như không thể tránh khỏi", theo Michael Perica - Giám đốc tài chính của công ty phần mềm Rimini Street.
Nhà kinh tế học Jacob Channel thuộc nền tảng tài chính LendingTree từng nói với trang Insider rằng người tiêu dùng có thể sẽ phải chịu mức giá cao hơn cho hàng hóa trong nhiệm kỳ sắp tới của Tổng thống Trump nếu ông thực hiện lời hứa.
Michael Perica nói với The Wall Street Journal rằng các công ty có thể phải cắt giảm một số thứ để bù đắp cho tác động của thuế quan. Nhiều doanh nghiệp sẽ phải điều chỉnh chiến lược của mình để ứng phó với tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng.
"Chúng tôi đang hợp tác với các đối tác để giúp họ xem xét và đánh giá xem đâu là dự án 'nên có' so với 'phải có'", Michael Perica cho hay.