Biết rồi, khổ lắm, vẫn phải nói

Câu hỏi về chuyến thăm Trung Quốc vừa rồi của Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken thành công hay thất bại có thể được trả lời rất khác nhau.

Trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc tiếp tục găng nhau thì việc Trung Quốc vẫn đón tiếp ông Antony Blinken có thể thấy được ngay là hai nước vẫn muốn níu kéo lẫn nhau. Từ đó, không bên nào đi quá xa hoặc xô đẩy nhau dẫn tới leo thang căng thẳng và đối đầu. Nếu ông Antony Blinken đề ra mục tiêu cho chuyến thăm Trung Quốc lần thứ hai trong khoảng thời gian không đầy một năm là thuyết phục Trung Quốc không hậu thuẫn Nga để gia tăng thực lực cho nước này trong cuộc xung đột ở Ukraine cũng như ứng phó với những biện pháp trừng phạt từ khối các nước phương Tây thì ông Antony Blinken đã không thành công.

Tương tự như vậy là đối với những vấn đề khác trong cặp quan hệ song phương này mà phía Mỹ lâu nay đặc biệt quan tâm. Trong đó có vấn đề xe ô tô điện của Trung Quốc ngập tràn thị trường Mỹ, vấn đề Đài Loan (Trung Quốc) và Biển Đông, vấn đề dân chủ, nhân quyền ở Trung Quốc …

Nhưng nếu chủ định của ông Antony Blinken là đến Trung Quốc để đề cập ở cấp cao những nội dung Mỹ đặc biệt quan tâm và đặc biệt nhạy cảm về đối nội thì lại khác. Từ đó, có thể đánh giá chuyến đi Trung Quốc lần này của ông Antony Blinken lại khá thành công. Cả Mỹ lẫn Trung Quốc đều hài lòng hoặc ít nhất tạm hài lòng vì giống nhau ở chủ định là chỉ cần gặp nhau để trực tiếp đề cập đến những gì mà bên này cần và muốn nói cho phía bên kia. Thực chất ở đây là cả hai phía đều chỉ muốn duy trì kênh gặp gỡ và đối thoại ở cấp cao để ngăn chặn quan hệ song phương tiếp tục xấu thêm.

Cả hai phía đều ý thức được rất rõ rằng, hiện chưa phải là thời điểm thích hợp và cũng chưa có đủ tiền đề thuận lợi để cùng nhau giải quyết những mắc mớ trong quan hệ song phương. Lý do Trung Quốc thủ thế là để chuẩn bị cho cả hai kịch bản ở nước Mỹ, gồm: Tổng thống Mỹ đương nhiệm Joe Biden tiếp tục cầm quyền hoặc cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump trở lại cầm quyền sau cuộc bầu cử sắp tới ở nước Mỹ. Lý do nữa còn là chính quyền của ông Joe Biden không muốn để câu chuyện quan hệ song phương với Trung Quốc trở thành rủi ro lớn, đe dọa triển vọng tái đắc cử Tổng thống của ông Joe Biden.

Cho nên chuyến thăm Trung Quốc lần này của Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken đặc trưng cho tình trạng không phải trì trệ nhưng cũng không phát triển. Tình trạng ấy đã được ví von là có biến động nhưng không tiến bước. Bên này biết rõ và biết trước bên kia muốn nói gì và làm gì nhưng vẫn để cho nhau nói, vẫn làm ra vẻ như lắng nghe. Tất nhiên, rồi sau đó thì đâu vẫn hoàn đấy. Mỹ vẫn tiếp tục viện trợ quân sự cho Đài Loan (Trung Quốc), vẫn xung khắc thương mại với Trung Quốc, vẫn tấn công nhằm vào TikTok của Trung Quốc, vẫn cảnh báo và răn đe Trung Quốc...

Trung Quốc vẫn tiếp tục bất chấp mọi quan ngại và răn đe của Mỹ liên quan đến Đài Loan (Trung Quốc) và khu vực Biển Đông, vẫn phớt lờ mọi đề cập của Mỹ về mối quan hệ của Trung Quốc với Nga, vẫn không có điều chỉnh thái độ gì trong chuyện xung khắc thương mại với Mỹ...

Vì không có gì mới mẻ, mới lạ để nói với nhau nên hai bên vẫn phải nói lại những gì mà cả hai đều đã biết để giữ quan hệ. Phải sau khi cuộc "so găng" trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ tới giữa ông Joe Biden và ông Donald Trump ngã ngũ thì mới lộ diện chiều hướng biến động tiếp theo của cặp quan hệ song phương này.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/biet-roi-kho-lam-van-phai-noi-665025.html
Zalo