'Biết rồi, khổ lắm, nói mãi'

Dạy thêm, học thêm là chủ đề 'biết rồi, khổ lắm, nói mãi' đã tồn tại dai dẳng suốt nhiều năm qua, cho đến nay vẫn chưa hề hết 'độ nóng'. Thực chất, nếu coi đây là quan hệ cung-cầu, ắt sẽ có người học thì sẽ có người dạy. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng cung-cầu này bị bóp méo bởi chương trình giáo dục bất cập, liên tục cải cách, liên tục thí điểm, trong khi việc dạy và học chưa đạt được chất lượng như mong muốn.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Trong khi phụ huynh lo lắng về kiến thức học trên lớp do chương trình nặng nề và thi cử chịu áp lực điểm số, thì giáo viên trông chờ vào nguồn thu nhập bổ sung để trang trải cuộc sống. Chính những yếu tố đó khiến câu chuyện dạy thêm, học thêm trở thành một “cơn bão” cuốn đi thời gian, tiền bạc của nhiều gia đình, trong khi học sinh phải gánh vác lịch học dày đặc, đến mức phải ăn vội trên đường và ngủ gật trong các lớp học nối tiếp nhau.

Không thể phủ nhận, dạy thêm, học thêm cũng mang lại một số lợi ích nhất định, nhất là đối với học sinh có nhu cầu củng cố kiến thức hoặc muốn bồi dưỡng nâng cao, chuẩn bị cho các kỳ thi quan trọng. Song theo thời gian, lợi ích chính đáng ấy dần bị lu mờ bởi hàng loạt hệ lụy. Nhiều phụ huynh có thu nhập trung bình thấp phải gồng gánh chi phí học thêm, hoặc có những trường hợp giáo viên “mời” học sinh yếu đi học thêm để cải thiện điểm, gây cảm giác ép buộc. Biến tướng từ dạy thêm, học thêm tạo nên sự bất bình, bất công khi học sinh phải tham gia học thêm để “giữ hòa khí” với thầy cô, hoặc sợ bị đánh giá thấp. Có người gọi đây là “cơn bão” vì nó cuốn phăng cả thời gian, tiền bạc và tuổi thơ của học sinh.

Từ cuối tháng 12/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT, chính thức có hiệu lực từ ngày 14/2/2025, nhằm chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan. Thực tế, việc dừng dạy thêm rộng khắp, ít nhất vào thời điểm hiện tại, tạo ra một “khoảng lặng” trong cơn bão. Thế nhưng, nhiều người so sánh khoảng lặng này với “mắt bão” - tức vùng trời tạm yên ả trước khi bão có thể đột ngột tăng cường trở lại. Bởi đã xuất hiện không ít chiêu thức lách luật: Trường ký hợp đồng với trung tâm bên ngoài, thuê chính giáo viên nhà trường giảng dạy nhưng ghi danh sách người dạy là một giáo viên khác; hoặc giáo viên tự tổ chức lớp tại nhà, mượn tên người thân để đứng tên kinh doanh. Học phí những lớp “lách luật” này thậm chí còn cao hơn, do phải qua một khâu trung gian.

Đứng trước bài toán khó cân bằng giữa đời sống giáo viên và yêu cầu kiểm soát tình trạng dạy thêm, học thêm, dư luận đặt nhiều kỳ vọng vào giải pháp đổi mới thi cử, đánh giá nhằm giúp học sinh “không cần học thêm vẫn có thể vượt qua” kỳ thi. Nếu kết cấu đề thi thật sự bám sát chương trình chính khóa, không đánh đố, không vượt quá nội dung giảng dạy, thì sẽ giảm hẳn nhu cầu học thêm không cần thiết. Ngoài ra, xã hội cũng mong mỏi các địa phương tăng cường cơ sở vật chất, tổ chức dạy hai buổi để học sinh có đủ thời gian học tập ngay trong trường.

Đồng thời, phải cải thiện đời sống giáo viên, ban hành chính sách minh bạch, hợp lý để nâng cao thu nhập bằng nhiều nguồn khác, chứ không chỉ trông chờ vào tiền dạy thêm. Về phía gia đình, nhiều phụ huynh cũng nên thay đổi nhận thức, đừng quá đặt nặng thành tích hay chọn trường “top” bằng mọi giá. Hơn nữa, cần nhìn lại vai trò quan trọng của giáo dục gia đình, thay vì trăm bề trông cậy vào lớp học thêm. Nếu phụ huynh bớt áp lực điểm số, học sinh giảm nhu cầu đua tranh, dạy thêm, học thêm sẽ dần trở về ý nghĩa ban đầu của nó: hỗ trợ chuyên sâu khi thật sự cần thiết.

Liệu Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT có đủ sức “giảm bão” lâu dài hay không còn phụ thuộc vào sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương, ngành giáo dục và toàn xã hội. Nếu chúng ta cùng quyết liệt xử lý những tổ chức dạy thêm trái phép, hỗ trợ tốt hơn cho nhà giáo, đồng thời cải tiến cách dạy, cách thi, thì cơn bão sẽ tan dần. Ngược lại, nếu vẫn thờ ơ, thiếu nghiêm minh, “khoảng lặng” ấy sẽ chỉ là giai đoạn để những chiêu thức biến tướng lại trỗi dậy. Và cuối cùng, chính học sinh sẽ là người chịu thiệt thòi nhiều nhất khi phải tiếp tục oằn mình dưới áp lực đến từ cả nhà trường, gia đình và những kỳ thi không ngừng đè nặng.

Thái Bình

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/biet-roi-kho-lam-noi-mai-post486728.html
Zalo