Biệt động Sài Gòn, bước ra từ huyền thoại

Năm 1986, bộ phim truyện nhựa màu đầu tiên của điện ảnh Việt Nam 'Biệt động Sài Gòn' công chiếu. Cũng từ đây, một lực lượng vũ trang độc đáo, hoạt động xuyên suốt hai cuộc kháng chiến, được công chúng cả nước biết đến. Chiến đấu giữa sào huyệt địch, cán bộ, chiến sĩ biệt động, xuất thân từ những con người rất đỗi bình thường, đã mưu trí, dũng cảm, sẵn sàng hy sinh, thực hiện xuất sắc tư tưởng quân sự Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh: Nêu cao tinh thần quyết chiến, lấy ít đánh nhiều, lấy nhỏ đánh lớn, lập nên những chiến công vang dội.

Từ trái sang: Bà Vũ Minh Nghĩa (Chín Nghĩa) và bà Nguyễn Thị Bích Nga gặp gỡ các bạn trẻ đến tham quan Bảo tàng Biệt động Sài Gòn-Gia Định. (Ảnh: THẾ ANH)

Từ trái sang: Bà Vũ Minh Nghĩa (Chín Nghĩa) và bà Nguyễn Thị Bích Nga gặp gỡ các bạn trẻ đến tham quan Bảo tàng Biệt động Sài Gòn-Gia Định. (Ảnh: THẾ ANH)

Bài 1: Quá khứ và hiện tại

Ngày 20/10/1976, Đảng và Nhà nước đã phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho lực lượng biệt động Sài Gòn-Gia Định. Trước đó, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã tặng lực lượng 16 chữ vàng: “Đoàn kết một lòng/ Mưu trí vô song/ Dũng cảm tuyệt vời/ Trung kiên bất khuất”.

Phim ảnh chỉ mới khắc họa được một phần những câu chuyện vừa hào hùng, vừa bi tráng về họ. Và điều đáng mừng là tròn 50 năm sau ngày giải phóng, vẫn còn những chiến sĩ biệt động đang sống trong lòng thành phố, tiếp tục cống hiến cho xã hội, hết lòng với đồng chí, đồng đội.

Mỗi lần vào trận là một lần quyết tử

Cách đây mười mấy năm, khi lần đầu tiên đến căn nhà ở hẻm 496 đường Dương Quảng Hàm, quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh gặp cựu nữ chiến sĩ biệt động Vũ Minh Nghĩa (tức Chín Nghĩa), tôi từng tự hỏi: Sao những con người bình dị như vậy lại có thể dũng cảm trong chiến đấu, gan góc khi bị tù đày đến thế?

Bà Chín Nghĩa là chiến sĩ nữ duy nhất của Đội 5, đơn vị trực tiếp đảm nhận mũi tấn công vào Dinh Độc Lập - một trong năm mũi tấn công mở màn cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 tại nội đô Sài Gòn. “Tôi quyết định tòng quân vì theo tấm gương hy sinh của anh Nguyễn Văn Trỗi. Tôi vô cùng cảm phục và xúc động trước câu chuyện về anh, nên thời điểm đó, tôi xác định cho bản thân là phải vào đơn vị nào hoạt động như anh Trỗi, vào nội thành chiến đấu, tôi mới chịu, dù biết trước rằng sẽ khó tránh khỏi thương tật, hy sinh, tù đày”, bà Chín Nghĩa nhớ lại.

Sau trận đánh vào Dinh Độc Lập, Chín Nghĩa bị bắt, sau đó trải qua sáu năm lao tù, chịu đủ mọi cực hình tra tấn từ trại giam Thủ Đức đến chuồng cọp Côn Đảo, song vẫn giữ vững khí tiết người cộng sản. “Là người chiến sĩ biệt động, nếu không có cơ sở bí mật thì không thể thực hiện được nhiệm vụ. Mục đích của địch khi tra tấn cũng chỉ hòng khai thác thông tin về mạng lưới cơ sở của ta. Nên tôi luôn ý thức phải bảo vệ cơ sở bởi đây vừa là thể hiện đạo lý của người Việt Nam uống nước nhớ nguồn, vừa chứng minh ý chí kiên định - thứ vũ khí duy nhất mình còn, một khi đã sa vào tay giặc”, bà Chín Nghĩa cho biết.

Đó cũng là một nét đặc sắc của biệt động nội thành bởi chiến đấu trong lòng địch, chiến sĩ biệt động ở mọi lứa tuổi, mọi thành phần xã hội. Mạng lưới của biệt động rộng khắp song hết sức bí mật, đòi hỏi phải xây dựng được các cơ sở tin cậy để đứng chân.

Bất lực trước những trận đánh của biệt động, địch càng điên cuồng tìm cách khai thác, bóc gỡ mạng lưới này bằng mọi thủ đoạn tàn bạo nhất, nhưng cuối cùng vẫn thất bại. Năm 1973, Hiệp định Paris được ký và đầu năm 1974, Chín Nghĩa được trở về trong vòng tay đồng đội tại sân bay Lộc Ninh theo diện trao trả tù binh. Mùa xuân năm 1975, bà lần đầu tiên trở lại Dinh Độc Lập sau trận đánh vang dội năm xưa, nhưng lần này là trong đoàn quân chiến thắng.

Giờ đây đã xấp xỉ 80 tuổi, cựu nữ chiến sĩ biệt động Chín Nghĩa đã có nhiều cháu nội, cháu ngoại; các con của bà giờ đều trở thành công dân gương mẫu, tiếp tục công tác, đóng góp cho thành phố mà cha mẹ họ đã đổ máu để giành lại.

Dịp này, mùa khô Nam Bộ nắng như đổ lửa. Tôi đến gặp bà Chín Nghĩa đúng lúc bà vừa mướt mải về sau buổi đi kêu gọi hỗ trợ cho các đồng đội khó khăn. Hiện bà là Trưởng ban Liên lạc Cựu tù chính trị và tù binh Phường 6, quận Gò Vấp.

Ở căn nhà khang trang mới xây dựng lại năm 2024, bà vẫn đặt trang trọng một bức ảnh đen trắng hiếm hoi kỷ niệm một thời con gái của mình. Đó cũng chính là bức ảnh bà chụp trước trận đánh vào Dinh Độc Lập vài ngày với mục đích: Nếu hy sinh thì sẽ có ảnh để thờ. “Tôi không nghĩ mình vẫn được chứng kiến thành phố hôm nay, 50 năm sau giải phóng. Tự hào lắm, nhưng cũng rất xúc động mỗi khi đi qua những nơi là cơ sở cũ, chiến trường xưa. Ước gì, thủ trưởng, những đồng đội của mình còn sống để được chứng kiến ngày hôm nay”, bà Chín Nghĩa chia sẻ.

Bà Vũ Minh Nghĩa (Chín Nghĩa) và bà Nguyễn Thị Bích Nga kể chuyện khi tham gia lực lượng biệt động Sài Gòn-Gia Định. (Ảnh: THẾ ANH)

Bà Vũ Minh Nghĩa (Chín Nghĩa) và bà Nguyễn Thị Bích Nga kể chuyện khi tham gia lực lượng biệt động Sài Gòn-Gia Định. (Ảnh: THẾ ANH)

Lực lượng được tin cậy trong mọi thời kỳ

Hy sinh trước ngày toàn thắng, ra đi trong những năm tháng sau này vì sức khỏe suy yếu bởi di chứng từ sự tra tấn dã man khi bị tù đày, hoặc do tuổi cao sức yếu, tựu trung, có rất nhiều chiến sĩ biệt động năm xưa đã không còn nữa.

Những ngày tháng 4 này, Thành phố Hồ Chí Minh đang trang hoàng rực rỡ chào đón ngày kỷ niệm trọng đại. Tại căn phòng sinh hoạt của Câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến khối Vũ trang-Biệt động Quân khu Sài Gòn-Gia Định, nằm khiêm tốn ở một góc trong khuôn viên Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh, người ta vẫn thấy bà Nguyễn Thị Bích Nga, quyền Chủ nhiệm Câu lạc bộ cặm cụi đi, về. Ngày lễ lớn càng tới gần, càng nhiều việc phải giải quyết: Từ làm việc với các ban liên lạc trực thuộc; phối hợp các cơ quan, ban, ngành để thông tin, vận động xây dựng công trình tưởng niệm, tri ân; sắp xếp lịch và phân công đại biểu đến dự các cuộc mít-tinh, họp mặt…, và đôi khi, là gọi nhau đi dự đám giỗ đồng đội nữa. Lật từng trang danh sách Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ được dán trên tường, tôi không khỏi ngậm ngùi. Mỗi năm, lại có thêm những dòng gạch mực đỏ trên tên người đã từ trần.

Theo bà Bích Nga, câu lạc bộ trước đây có hơn 2.300 người bao gồm cả lãnh đạo, chỉ huy, cán bộ, chiến sĩ và cơ sở cách mạng, nay chỉ còn khoảng 1.600 người.

“Truyền thống và ái hữu” là phương châm hoạt động xuyên suốt của câu lạc bộ gồm những con người từng cùng nhau vào sinh ra tử năm xưa, nay tiếp tục tận sức cống hiến cho xã hội, cho đồng đội. Từ khi thành lập đến nay, câu lạc bộ đã kêu gọi, vận động để xây dựng và trao tặng được hơn 300 căn nhà tình nghĩa cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Mỗi dịp lễ, Tết, câu lạc bộ đều thăm hỏi, tặng quà cho các hội viên neo đơn, đau ốm.

Đáng chú ý, giai đoạn 2020-2021, khi thành phố là tâm điểm của đại dịch Covid-19, câu lạc bộ tiếp tục kêu gọi, huy động con em và các tình nguyện viên tham gia đóng góp, hỗ trợ tích cực cho công tác phòng chống dịch. Vẫn với tinh thần xả thân bất chấp hiểm nguy của người chiến sĩ biệt động, họ có mặt trên tuyến đầu chống dịch, đi xuống từng khu phố, địa bàn để cấp phát lương thực, thực phẩm cho người dân bị cách ly; tình nguyện hỗ trợ các y, bác sĩ tại các bệnh viện dã chiến…

“Chúng tôi luôn tự hào vì dù ở thời chiến hay thời bình, chúng tôi vẫn giữ vững bản lĩnh, lập trường của người chiến sĩ biệt động Sài Gòn, chấp hành tốt mọi chủ trương, quy định của Đảng, Nhà nước, là lực lượng đáng tin cậy của cấp ủy đảng và chính quyền địa phương”, bà Bích Nga khẳng định.

Chia tay tôi trong buổi trưa nắng, người phụ nữ nhỏ nhắn lại vội vàng lao vào làn xe cộ tấp nập vì buổi chiều còn cuộc họp ở khu phố. Trong dòng người ngược xuôi, có ai biết người phụ nữ ấy từng xung phong vào lực lượng biệt động từ khi mới 15 tuổi, là xạ thủ trực tiếp đảm nhận nhiệm vụ pháo kích vào Sở Chỉ huy của tướng William Westmoreland (Tư lệnh Bộ Chỉ huy Cố vấn quân sự Mỹ tại miền nam Việt Nam giai đoạn 1964-1968) ngày 13/1/1967; cũng từng trải đủ những ngục tù Chí Hòa, Côn Đảo.

Năm nay đã 74 tuổi, song bà vẫn là Bí thư Chi bộ Khu phố 4, phường Hưng Phú, Quận 8; vẫn đi sớm về hôm vì người dân, vì cộng đồng. “Tôi tin tưởng vào lớp trẻ hôm nay của thành phố sẽ tiếp tục kế cận và làm tốt hơn những gì chúng tôi đã làm. Thành phố từng trải qua đau thương khi nằm dưới gót giặc, gian khó khi xây dựng lại sau chiến tranh, rồi phát triển đi lên và có những giai đoạn thiên tai, dịch bệnh, nhưng đời sống người dân ngày một nâng cao, kinh tế-xã hội ngày một khởi sắc. Chúng tôi có quá khứ và hiện tại rất đáng tự hào nhưng tương lai, chắc chắn lớp trẻ sẽ còn làm tốt hơn chúng tôi”, bà Bích Nga nhấn mạnh.

Khó có thể lý giải hết được những con người thầm lặng nhưng vĩ đại như vậy. 57 năm sau mùa xuân rung chuyển 1968, 50 năm sau mùa xuân toàn thắng 1975, đất nước đang vững bước tiến vào kỷ nguyên vươn mình.

Những chiến sĩ biệt động năm xưa giờ đều tóc đã pha sương, người còn người mất, nhưng còn hơi thở là họ còn nhiệt huyết với Tổ quốc, còn hết lòng cho nghĩa tình đồng đội. Dòng chảy đấy vẫn được nuôi dưỡng bền bỉ cho những thế hệ tiếp sau.

Trong suốt chiều dài hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, lực lượng biệt động Sài Gòn-Gia Định đã lập hàng trăm chiến công lớn nhỏ, trong đó nhiều trận đánh gây tiếng vang lớn như: Khách sạn Caravelle, nhà hàng Mỹ Cảnh, cư xá Brink, Tổng nha Cảnh sát ngụy, tàu USS Card…, đỉnh cao là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.

Chỉ với gần 100 chiến sĩ biệt động, những mũi tấn công của lực lượng biệt động nội thành Sài Gòn nhắm vào năm mục tiêu trọng yếu của địch đã thể hiện ý chí phản kháng mãnh liệt của dân tộc Việt Nam, bóc trần bản chất cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ, thật sự là một đòn đánh nặng nề vào “đầu não” của chế độ Mỹ-ngụy.

ĐINH VŨ PHƯƠNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/biet-dong-sai-gon-buoc-ra-tu-huyen-thoai-post870412.html
Zalo