Biến thể Omicron tiếp tục làm thế giới bất an trong năm 2022
Nhiều nước đã bắt đầu bước vào ngưỡng cửa năm 2022. Tuy nhiên, sự lây lan nhanh chóng của dịch Covid-19 do biến thể Omicron đang khiến thế giới đón chào năm mới trong không khí bất an.
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỷ lệ mắc Covid-19 đã tăng lên 11% trên toàn cầu trong tuần qua và các ca nhiễm biến chủng Omicron chiếm đa số tại nhiều quốc gia. Theo đó, trong vòng 7 ngày qua, gần một triệu ca mắc Covid-19 mới được phát hiện mỗi ngày trên toàn cầu.
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo rằng “virus sẽ tiếp tục tiến hóa và đe dọa hệ thống y tế nếu các nước không cải thiện cách ứng phó tập thể ngay bây giờ”.
Ông Tedros nói: “Biến thể Delta và biến thể Omicron hiện là mối đe dọa phối hợp làm gia tăng số ca nhiễm tới mức kỷ lục mới, dẫn tới sự gia tăng đột biết số ca nhập viện và tử vong. Tôi quan ngại cao độ về việc biến thể Omicron - với khả năng lây truyền cao và lây lan cùng lúc với biến thể Delta - sẽ dẫn tới một cơn sóng thần ca nhiễm”.
Trước mối đe dọa hiện hữu của biến thể Omicron, các buổi hòa nhạc truyền thống và bắn pháo hoa mừng năm mới 2022 đã bị hủy bỏ ở hầu hết các thành phố lớn, gồm cả London (Anh), Zurich (Thụy Sĩ), Paris (Pháp), Brussels (Bỉ), Warsaw (Ba Lan) và Rome (Italy). Ngay cả tại London, ban đầu chính quyền thành phố dự định thay thế bắn pháo hoa bằng một buổi lễ chào mừng tại Quảng trường Trafalgar với sự tham gia của các nhạc công, ca sĩ nổi tiếng cũng đã phải dừng lại.
Tương tự như châu Âu, biến thể Omicron cũng đã buộc nhiều thành phố tại Mỹ như Los Angeles và Tokyo, Nhật Bản phải hủy bỏ các lễ hội chào đón năm mới khi số bệnh nhân mắc Covid-19 tăng vọt.
Chị Perin, một người dân Paris, Pháp cho biết về cảm tưởng của mình: “Chắc chắn sẽ có nhiều người thất vọng về việc màn bắn pháo hoa bị hủy, đặc biệt là ở thủ đô Paris, nhưng tôi hiểu những hạn chế này nhằm ngăn chặn sự lây lan đang gia tăng nhanh chóng của dịch Covid-19. Tôi sẽ tổ chức lễ đón mừng năm mới với số ít bạn bè của mình”.
Năm 2021, thế giới trải qua một năm với nhiều biến động bởi đại dịch như chuỗi nguồn cung đứt gãy, giá dầu, giá gas tăng vọt khiến lạm phát toàn cầu tăng cao. Chính vì thế, trong báo cáo mới nhất, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo Omicron có thể làm chậm lại sự phục hồi kinh tế toàn cầu như biến thể Delta từng làm. Trong báo cáo gần đây nhất, IMF dự báo kinh tế toàn chỉ tăng trưởng ở mức 4,9% trong năm 2022 so với mức 5,9% năm 2021. Tuy nhiên, trong trường hợp Omicron sẽ trở nên cực kỳ nguy hiểm và khiến phần lớn thế giới lại rơi vào cảnh phong tỏa trong năm tới thì kinh tế thế giới có thể chỉ tăng trưởng 2,3%.
Ngoài ra, các chuyên gia cảnh báo, tình trạng thiếu hụt nguồn cung trong năm tới sẽ tiếp diễn khi biến thể Omicron lan rộng. Điều này sẽ cản trở sự phục hồi của nền kinh tế thế giới./.