Biến thể Omicron sẽ là phép thử trong chiến lược 'Zero Covid-19' của Trung Quốc?

Theo tác giả Howard W. French trong bài viết trên World Politics Review ngày 29/12, biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 gây đại dịch Covid-19 có thể chính là phép thử đối với chính sách phòng chống dịch không khoan nhượng của Trung Quốc. Điều gì sẽ xảy ra nếu Omicron bùng phát tại đây?

Nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ làm việc ở phòng xét nghiệm Covid-19 dã chiến được thiết lập tại một trung tâm hội nghị trong đợt bùng phát dịch ở Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc, ngày 22/12. (Nguồn: Reuters)

Nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ làm việc ở phòng xét nghiệm Covid-19 dã chiến được thiết lập tại một trung tâm hội nghị trong đợt bùng phát dịch ở Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc, ngày 22/12. (Nguồn: Reuters)

Cuối tuần trước, số ca nhiễm Covid-19 mới trong cộng đồng ở Trung Quốc đã ở mức cao nhất chưa từng thấy kể từ khi bùng phát đại dịch tại nước này.

Mức tăng đột biến số ca mắc mới ở Tây An, tỉnh Thiểm Tây đã khiến giới chức thực hiện lệnh phong tỏa đối với thành phố hơn 13 triệu dân này. Mọi người được yêu cầu ở yên trong nhà.

Củng cố niềm tin?

Trên khắp thế giới, các ca nhiễm mới Covid-19 đang không ngừng gia tăng, và ở nhiều nơi đã ghi nhận những con số kỷ lục. Làn sóng dịch mới được cho là do biến thể Omicron gây ra.

Các nhà khoa học nhận định, Omicron dễ lây lan hơn nhiều so với phiên bản Delta vốn đã và đang làm mưa làm gió trên toàn cầu. Không chỉ Trung Quốc với 164 ca/ngày (vào ngày 26/12), các ca nhiễm mới được ghi nhận tại Mỹ trung bình trong 7 ngày qua cũng là trên 203.000 trường hợp.

Trong bối cảnh đầy kịch tính này, Trung Quốc dường như có mọi lý do để củng cố niềm tin vào sự thành công của chiến lược y tế “Zero Covid-19”, tức là quét sạch mọi ca mắc. Cũng với chiến lược này, đầu năm 2020, Trung Quốc đã ngăn chặn thành công sự lây lan của virus SARS-CoV-2 ở tâm dịch Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc.

Tuy nhiên, có nhiều lý do khiến Bắc Kinh cảm thấy dễ bị tổn thương hơn bất cứ lúc nào kể từ những ngày đầu của đại dịch ở Vũ Hán năm ngoái, khi thành phố bị chia cắt khỏi phần còn lại của đất nước, những bệnh viện dã chiến được xây dựng thần tốc và hàng nghìn người đã nhanh chóng được điều trị.

Việc Trung Quốc có thành công trong chiến dịch đối phó với dịch bệnh hay không phụ thuộc vào cách người ta đánh giá một loạt các sự kiện.

Theo dữ liệu chính thức, kể từ khi đại dịch bùng phát, đã có hơn 100 nghìn ca nhiễm Covid-19 ở Trung Quốc, trong đó 4.636 ca tử vong. Đặc biệt, từ tháng 1/2021, Trung Quốc không ghi nhận ca tử vong nào do Covid-19.

Tuy nhiên, cứ vài tuần một lần, tại các địa phương trên cả nước lại bùng phát các đợt dịch cục bộ. Báo cáo cho thấy, hầu hết các ca mắc là do biến thể Delta.

Gần đây hơn, cũng như trường hợp Thiểm Tây, các ca mắc mới cũng đều có liên quan đến biến thể Delta.

Theo số liệu chính thức được công bố, cho đến nay, Trung Quốc mới chỉ ghi nhận 2 hai trường hợp nhiễm biến thể Omicron. Nhưng nếu một chiến lược đối phó với đại dịch dựa trên các biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt, phong tỏa (toàn thành phố hoặc cục bộ từng khu vực) cũng không ngăn chặn được sự bùng phát của các biến thể của virus, thì Trung Quốc sẽ đối phó với biến thể Omicron như thế nào?

Người dân xếp hàng để được lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc, ngày 21/12. (Nguồn: Reuters)

Người dân xếp hàng để được lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc, ngày 21/12. (Nguồn: Reuters)

Câu hỏi chưa có lời giải

Ở Nam Phi, nơi Omicron lần đầu tiên được phát hiện, biến thể mới đã phát triển với tốc độ chóng mặt, đẩy Delta sang một bên và khiến các ca mắc mới không ngừng tăng trong thời gian rất ngắn.

Sau sự khởi đầu đáng sợ này, tin tức về Covid-19 tại đây có vẻ tích cực hơn nhiều. Tỷ lệ nhập viện và tỷ lệ tử vong không tăng vọt, và ngay cả tỷ lệ lây nhiễm cũng bắt đầu giảm từ mức đỉnh mới được ghi nhận.

Tuy nhiên, dân số Nam Phi trẻ hơn nhiều so với Trung Quốc và có một điều có lẽ còn quan trọng hơn, rất nhiều người Nam Phi đã nhiễm các biến thể SARS-CoV-2 trước đó.

Các nhà khoa học cho biết điều này đã mang lại cho người dân một mức độ bảo vệ đáng kể khỏi những tác động tồi tệ nhất của Omicron.

Hơn nữa, không giống như nhiều quốc gia châu Phi, tỷ lệ tiêm chủng vaccine Covid-19 ở Nam Phi tương đối cao. Cuối cùng, Omicron tấn công Nam Phi vào đầu mùa Hè ở Nam bán cầu.

Còn hiện tại, ở Trung Quốc, cũng như các khu vực còn lại của Bắc bán Cầu đang là mùa Đông, thời điểm virus đường hô hấp dễ lây lan nhất.

Cũng có thể nói rằng, thành công của Bắc Kinh trong việc ngăn chặn sự lây lan của các biến thể trước đó có nghĩa là rất ít người dân Trung Quốc có miễn dịch tự nhiên đối với bất kỳ biến chủng nào của SARS-CoV-2.

Đáng báo động hơn, tuần trước, có thông tin cho rằng, các loại vaccine hàng đầu được phát triển tại Trung Quốc có hiệu quả hạn chế đối với biến thể Delta và hầu như không phát huy hiệu quả trước Omicron, kể cả với những người đã được tiêm liều tăng cường.

Trung Quốc đã cấp phép cho các loại vaccine sử dụng công nghệ mRNA từ các hãng dược phẩm phương Tây, nhưng nước này hiện vẫn chưa phê duyệt chúng để sử dụng trong nước.

Rõ ràng là Trung Quốc cần đưa ra các loại vaccine mới hơn và hiệu quả hơn. Nhưng việc này liệu có khả thi trước khi Omicron hoặc một biến thể khác, thậm chí có khả năng lây nhiễm mạnh hơn tấn công?

Trong khi đó, Bắc Kinh dường như quyết tâm duy trì vô thời hạn chính sách “Zero Covid-19”, tiếp tục xét nghiệm diện rộng, truy vết thần tốc và phong tỏa nghiêm ngặt. Khó có thể định lượng được chi phí cho cách phòng chống dịch như vậy.

(theo World Politics Review)

Hải An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/bien-the-omicron-se-la-phep-thu-trong-chien-luoc-zero-covid-19-cua-trung-quoc-169548.html
Zalo