Tác động từ việc ông Trump đóng băng 50 tỷ USD của Bộ Năng lượng Mỹ
Trong một động thái sâu rộng nhằm ngăn chặn hàng tỷ USD chi tiêu, chính quyền của Tổng thống Trump đã đình chỉ các hoạt động của Bộ Năng lượng Mỹ (DOE) để chờ đánh giá toàn diện về sự phù hợp của Bộ này với các ưu tiên của ông.
Theo quyền Bộ trưởng Bộ Năng lượng Mỹ Ingrid Kolb, việc đóng băng của chính quyền Tổng thống Trump sẽ ảnh hưởng đến các khoản tài trợ, khoản vay, hoạt động mua sắm, nghiên cứu và thậm chí cả các quyết định về nhân sự, khiến ngân sách 50 tỷ USD của cơ quan này rơi vào tình trạng bế tắc.
Ngoài ra, động thái kể trên còn là một đòn trực tiếp nhằm phá bỏ các chính sách về khí hậu thời Tổng thống Biden. Văn phòng Chương trình Cho vay của DOE, nắm giữ 41,2 tỷ USD cam kết có điều kiện dành cho các công ty công nghệ năng lượng, giờ đây đã cảm nhận được việc hầu bao của mình bị thắt chặt.
Các nhiệm vụ quan trọng khác, như dọn dẹp chất thải hạt nhân và duy trì kho dự trữ dầu thô khẩn cấp, cũng bị tạm dừng.
Quyết đinh mới nhất này phản ánh chỉ thị trước đó của ông Trump đóng băng các quỹ gắn liền với Đạo luật Giảm phát của ông Biden và luật cơ sở hạ tầng lưỡng đảng, trong đó cả hai đều phân bổ hàng tỷ USD cho các sáng kiến năng lượng sạch.
Tổng thống Donald Trump, người luôn coi nhiên liệu hóa thạch là nền tảng trong chính sách năng lượng của mình, đã nói rõ rằng chi tiêu tập trung vào khí hậu không còn là ưu tiên của liên bang nữa.
Được biết, Bộ Nội vụ Mỹ đã ban hành lệnh đóng băng tương tự đối với các hợp đồng thuê dự án năng lượng gió và mặt trời trên vùng đất và vùng biển liên bang. Trong khi mục tiêu của chính quyền Tổng thống Trump là "giải phóng" năng lượng của Mỹ bằng cách cắt giảm quan liêu, các nhà phê bình cho rằng việc đóng băng đầu tư vào các công nghệ đổi mới sẽ gây nguy hiểm cho an ninh năng lượng lâu dài.
Hiện tại, DOE và lĩnh vực năng lượng sạch vẫn đang trong tình trạng lấp lửng chờ kết quả đánh giá có thể xác định lại bối cảnh năng lượng của quốc gia. Trong khi các nhà phê bình - bao gồm cả các công ty dầu mỏ của Mỹ - đã nêu bật cách tiếp cận có vẻ mâu thuẫn của ông Trump đối với thị trường dầu mỏ: gây áp lực buộc OPEC phải hạ giá dầu toàn cầu trong khi thúc đẩy khẩu hiệu "khoan, khoan, khoan" trong nước. Việc rút lại quy định và chương trình nghị sự chống năng lượng tái tạo của ông dường như là dọn đường cho việc phát triển nhiên liệu hóa thạch và có khả năng thúc đẩy lợi nhuận của các công ty dầu khí, ngay cả khi động lực dầu mỏ toàn cầu vẫn là một cuộc giằng co.
Chiến lược năng lượng của chính quyền Tổng thống Trump đang cố gắng đạt được ranh giới rõ ràng giữa việc ưu tiên độc lập về năng lượng của Mỹ và việc ứng phó với thực tế thị trường.