Biện pháp nhất cử lưỡng tiện

Nước thải sau khi được xử lý từ Nhà máy xử lý nước thải hồ Tây thay vì chảy ra sông Nhuệ sẽ được lưu chứa tạm tại hồ Sen trước khi đưa vào hồ Tây để bổ cập nước cho sông Tô Lịch.

Tận dụng triệt để tài nguyên nước

Thực hiện chỉ đạo, thông báo của thành phố Hà Nội, quận Tây Hồ đã và đang khẩn trương nghiên cứu kế hoạch bổ cập nước cho hồ Tây, đồng thời dẫn nước vào sông Tô Lịch, nhằm cải thiện môi trường nước khu vực.

Trước mắt, quận Tây Hồ đang xây dựng phương án tận dụng nguồn nước thải sau xử lý từ Nhà máy xử lý nước thải hồ Tây. Theo đó, nguồn nước thải khổng lồ, dồi dào này sau xử lý… sẽ được đưa qua hồ trung gian là hồ Sen trước khi chảy vào hồ Tây. Sau đó, tùy theo mực nước hồ Tây, nước sẽ được điều tiết để bổ cập cho sông Tô Lịch.

Trung tâm điều hành của Nhà máy xử lý nước thải hồ Tây.

Trung tâm điều hành của Nhà máy xử lý nước thải hồ Tây.

Đại diện Ban Quản lý hồ Tây cho hay, hiện nay, mỗi ngày các hộ dân, hộ kinh doanh xung quanh hồ Tây thải ra môi trường hàng chục ngàn mét khối nước thải sinh hoạt. Trong đó, khoảng 13.000m3 được thu gom về Nhà máy xử lý nước thải hồ Tây để xử lý theo quy định. Tại đây, với quy trình xử lý bằng công nghệ bùn hoạt tính theo mẻ, nước thải sẽ đạt các tiêu chuẩn của cột A trước khi được đưa ra sông Nhuệ thông qua cửa xả B Xuân La.

Sau quy trình xử lý, nước thải sẽ đạt các tiêu chuẩn ở cột A trước khi thải ra môi trường.

Sau quy trình xử lý, nước thải sẽ đạt các tiêu chuẩn ở cột A trước khi thải ra môi trường.

Với mục tiêu đẩy nhanh tiến độ hồi sinh sông Tô Lịch, cải thiện môi trường trong khu vực, quận Tây Hồ và các đơn vị chức năng đã và đang xây dựng phương án “nắn” dòng nước thải sau xử lý của Nhà máy nước thải hồ Tây.

Theo đó, thay vì chảy ra sông Nhuệ, lượng nước này sẽ được kết nối, lưu chứa tạm tại hồ Sen – khu vực đối diện Nhà máy xử lý nước thải hồ Tây. Tại đây, nước thải sau xử lý sẽ được lưu chứa, quan trắc, theo dõi thường xuyên… nhằm đảm bảo chất lượng nước trong hồ chứa tương đồng với hồ Tây. Tiếp đó, tùy theo mực nước hồ Tây (mùa khô đạt 5,2m, mùa mưa đạt 5,7m - PV), nước sẽ được điều tiết để bổ cập cho sông Tô Lịch.

Sớm triển khai thực hiện

Ông Nguyễn Hưng Quốc – Phó Giám đốc Thường trực Ban Quản lý hồ Tây cho biết, để thực hiện dự án, đơn vị đã kiến nghị các đơn vị chức năng bàn giao lại hồ Sen. Đây là khu vực đang được cho thuê khai thác mặt nước để trồng sen để cải tạo thành khu vực lưu chứa nước thải sau xử lý – nơi lực lượng chức năng thực hiện các biện pháp giám sát, theo dõi chất lượng nước trước khi bổ cập vào hồ Tây. Cùng với đó, đơn vị sẽ tiến hành nạo vét bùn, kè bờ, xây dựng các tuyến ống dẫn từ Nhà máy xử lý nước thải hồ Tây đến hồ Sen rồi vào hồ Tây để đảm bảo việc vận hành an toàn, đảm bảo các quy định đề ra.

Hồ Sen - khu vực được đề xuất làm nơi lưu chứa, theo dõi chất lượng nước thải trước khi được bổ cập vào hồ Tây.

Hồ Sen - khu vực được đề xuất làm nơi lưu chứa, theo dõi chất lượng nước thải trước khi được bổ cập vào hồ Tây.

Ông Nguyễn Hưng Quốc thông tin thêm, theo báo cáo Nhà máy xử lý nước thải hồ Tây hiện có công xuất hoạt động 22.800m3/ngày đêm vào mùa khô và 32.640m3/ngày đêm vào mùa mưa. Nhưng hiện nay (mùa khô - PV), lượng nước mà nhà máy tiếp nhận, xử lý mới chỉ đạt khoảng 13.000m3/ngày đêm. Do đó, trong thời gian tới, quận Tây Hồ tiếp tục rà soát, đấu nối các hệ thống thoát nước khác về Nhà máy xử lý nước thải hồ Tây để đảm bảo việc xử lý nước thải, tạo nguồn “nguyên liệu” bổ cập nước cho hồ Tây, đẩy nhanh tiến độ hồi sinh sông Tô Lịch.

Hiện nay, nước thải sau xử lý từ Nhà máy xử lý nước thải hồ Tây đang chảy vào sông Nhuệ qua cống Xuân La.

Hiện nay, nước thải sau xử lý từ Nhà máy xử lý nước thải hồ Tây đang chảy vào sông Nhuệ qua cống Xuân La.

Trao đổi với phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị, một số chuyên gia trong lĩnh vực môi trường khẳng định, dùng nước thải sau xử lý để hồi sinh sông Tô Lịch là biện pháp rất đáng hoan nghênh, cầm sớm được triển khai thực hiện.

Theo lý giải của các chuyên gia, việc tận dụng nguồn nước thải sau xử lý đảm bảo các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường không chỉ giải quyết vấn đề trước mắt - vấn đề hồi sinh sông Tô Lịch mà còn tận dụng, khai thác triệt để tài nguyên nước, điều mà từ trước đến nay vẫn chưa được thực hiện có hiệu quả.

Theo Sở Xây dựng, đến ngày 4/2, hiện còn hơn 80 cống xả thẳng nước thải vào sông Tô Lịch, trong đó 26 cống nằm trong phạm vi dự án Nhà máy nước thải Yên Xá và 55 cống thuộc lưu vực thoát nước S3 (đưa nước thải về nhà máy nước thải Phú Đô, nhưng dự án chưa triển khai). Việc nạo vét tổng thể sông Tô Lịch được giao cho Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, cơ bản hoàn thành trong tháng 8, khối lượng nạo vét gần 60.000m3.

Vân Nhi - Hoàng Quân

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/bien-phap-nhat-cu-luong-tien.html
Zalo